Các nhà nghiên cứu ở Đại học Oxford (Anh) và Bảo tàng Động vật Lausanne đang đề nghị những ai cho rằng quái vật khổng lồ bí ẩn thực sự tồn tại cung cấp bằng chứng để họ thực hiện giám định gene.
Nhà di truyền học Bryan Sykes ở Đại học Oxford nói: “Xin mời các nhà nghiên cứu sinh vật học bí hiểm đưa ra bằng chứng thay vì phàn nàn rằng khoa học đang phản đối những gì họ muốn nói". Sykes không hy vọng sẽ tìm được bằng chứng đáng tin cậy về Người Tuyết hay quái vật Bigfoot nào, nhưng ông vẫn cởi mở và sẵn sàng thu thập bằng chứng của các sinh vật đáng ngờ hoặc chưa từng được khám phá trước đây.
Dù những đồn đại về sinh vật khổng lồ bí hiểm được lưu truyền nhiều năm nay nhưng
chưa ai đưa ra được bằng chứng chắc chắn.
Câu chuyện về quái vật đầy lông khổng lồ ở vùng núi Himalaya bắt đầu được mọi người truyền tai nhau vào năm 1951, khi nhà leo núi người Anh Eric Shipton kết thúc chuyến thám hiểm đỉnh Everest với một số bức ảnh chụp những vết chân khổng lồ trên tuyết. Sinh vật bí hiểm được gọi với nhiều tên khác nhau ở các vùng khác nhau, như Yeti hay Migoi ở vùng Himalaya, Bigfoot hay yêu quái khổng lồ ở Mỹ và Canada, Almasty ở vùng núi Caucasus, Orag Pendek ở Sumatra.
Những câu chuyện về những sinh vật như thế luôn được lan truyền khắp thế giới kể từ đó đến nay, nhưng chưa có bằng chứng thực sự nào tồn tại. Vì thế, câu chuyện về chúng có vẻ như nói về động vật nào đó đã từng biết đến.
Sykes không muốn chỉ nhận được các mẫu da, tóc bừa bãi, mà người giao mẫu vật còn phải gửi mô tả chi tiết về các mẫu Người Tuyết. Sau khi xem xét các chi tiết về đặc điểm, mô tả nguồn gốc và ý tưởng quanh mẫu vật, Sykes và các đồng nghiệp sẽ gửi mẫu thích hợp đi để nghiên cứu kỹ lưỡng.
Một giả thuyết về người tuyết cho rằng, nó thuộc về một giống có hình dáng gần giống con người, như người Neanderthal hay Denisovan. Nhưng Sykes nói rằng ý tưởng này khó có thể chứng minh là sự thật.