Chuyện "những chú gà gô" ở lớp học yêu

Thứ bảy, 08/12/2012, 15:05
Nhiều chàng tuổi quá băm tham gia lớp học yêu cũng ngã ngửa vì hoá ra những việc đơn giản như nhắn mỗi ngày bao nhiêu tin, vào thời điểm nào, nội dung ra sao... cũng là một kỹ năng quan trọng.
Bạc tóc mới đi học... tán gái
 
Đa số những học viên "cắp tráp" theo học những lớp kỹ năng này hầu như đều từng kinh qua một vài "mảnh tình" nhưng thất bại. Không ít người khi đến ghi tên ngại ngùng thừa nhận rằng, thực sự "oải" dù đã thể hiện tình cảm chân thành nhưng kết quả thu về chỉ là mối tình đơn phương. Lớp học yêu khá đa dạng về lứa tuổi nhưng chủ yếu là học viên trong độ tuổi 18 - 35.
 
Theo anh Nguyễn Văn Sơn (diễn giả tại trung tâm Frank Vikicademy, Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội) thì ngày càng nhiều học viên trên 35 tuổi theo học những lớp này. Lúc đầu, khi tìm đến trung tâm, họ cũng ngượng nghịu nhưng chỉ vài buổi là mặc cảm đó cũng qua đi
 

Nhiều bạn trẻ theo học lớp đào tạo kỹ năng yêu bởi tò mò là chính.

Cũng theo anh Sơn, khóa học được chia ra thành nhiều phần. Trước tiên, học viên sẽ được thầy cô giáo chỉ ra những lỗi cơ bản rất dễ dẫn đến thất bại trong cuộc chinh phục tình ái. Nội dung của giáo trình bao gồm việc chỉ ra nguyên nhân thất bại cho đến giai đoạn chinh phục.
 
Nhiều người khi theo học mang tâm lý ngại nhìn vào sự đổ vỡ để tìm hiểu nguyên nhân nhưng phải chỉ ra được nguyên nhân thất bại mới có thể đưa ra được những phương pháp giải quyết vấn đề. Với mỗi giai đoạn, sau khi được chia sẻ trên lý thuyết, học viên sẽ được thực hành bằng hàng loạt những huống mới lạ để thử phản ứng của học viên.
 
Khá tâm đắc với phương pháp dạy này, bạn Nguyễn Quý Anh (sinh viên năm thứ 4, đại học Quốc gia Hà Nội) tán thưởng: "Từ trước tới nay, mình luôn nghĩ các bạn nữ ai cũng thích lãng mạn nên ra sức tung chiêu "cưa" ngọt ngào như kết 99 đóa hồng thành hình trái tim hay tỏ tình giữa hàng trăm cây nến lung linh...

Trong khi đó, bạn gái mình lại là dân chuyên toán, không phải là mẫu người uỷ mị. Từ ngày theo học ở trung tâm, mình quyết tâm thay đổi chiến thuật như tặng nàng những cuốn sách bổ ích phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập hay cùng nàng giải một bài toán hóc búa... Đơn giản thế thôi mà rất hiệu quả!".

 
Ngạc nhiên hơn, có cả những chàng ở độ tuổi "băm" đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong xã hội, có người xấp xỉ tuổi 40,  sau giờ làm việc cũng lái xe hơi... đến lớp học. Anh Phúc Anh (giám đốc một công ty kinh doanh linh kiện máy tính) thật thà chia sẻ: "Lý do muộn vợ là mình mải làm việc. Nói đến công việc hay giao tiếp với đối tác, mình hoàn toàn tự tin nhưng tìm hiểu, làm quen là mình như gà mắc tóc, không biết bắt đầu từ đâu...".
 
Anh Phúc Anh cho biết thêm: "Nhiều người nhìn vào cứ nghĩ với một người có hình thức khá ổn, kinh tế dư dả như mình kiếm đâu chả được vợ. Nhưng chính những ưu điểm lại là hạn chế đối với tôi...". Là một người chăm chỉ theo khóa học, anh Phúc Anh cứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, bởi kiến thức khá thực tế và rất bổ ích. Cuộc sống hiện đại khiến ai cũng bị cuốn vào vòng xoáy và trở nên thiếu thời gian một cách trầm trọng.

Từ khóa học này, anh Phúc Anh có thể giải tỏa nỗi băn khoăn, bởi có nhiều cách tiếp cận nàng, không nhất thiết phải gặp trực tiếp như giao tiếp qua Facebook, Yahoo chat...

 
Thậm chí, ngay cả những chi tiết như mỗi ngày nhắn bao nhiêu cái tin, nhắn vào thời điểm nào, nội dung nhắn ra sao... cũng được hướng dẫn, khiến nhiều học viên... té ngửa, bởi đó không chỉ là nghệ thuật mà còn thể hiện phép lịch sự đối với người khác giới.
 
Học viên Đinh Hoàng (trung tâm Frank Vikicademy) gật gù thừa nhận sai lầm của mình: "Trước đây, mình có cảm tình với một cô bạn cũ, thích là mình nhắn tin mà không để ý xem lúc đó cô ấy có đang bận gì không, đang lên giảng đường, ngủ hay thức... Thảo nào, "cưa" nàng gần 4 tháng mà kết quả vẫn thu về là mối tình đơn phương, lại còn bị nàng ghét cay ghét đắng nữa chứ...".
 
Chỉ mang tính thử nghiệm?
 
Nhiều học viên khi được hỏi về kết quả thực tế lại tỏ ra khá e dè. Hầu hết họ đều ghi nhận tác dụng tích cực của lớp học kiểu này theo dạng thú vị, mới lạ và giải tỏa stress là chính. Hoàng cho biết: "Đây là một lớp học thú vị nhất mà tôi tham gia. Ngoài ra, khóa học còn giúp tôi có những hiểu biết về phụ nữ và tự tin hơn khi tiếp xúc với họ".
 

Anh Nguyễn Trường Giang - Giám đốc trung tâm "Chìa khóa vườn yêu".
 
Tại trung tâm mới mở có tên "Chìa khóa vườn yêu" (Xuân La - Xuân Đỉnh - Hà Nội), giảng viên Nguyễn Trường Giang - một du học sinh từng theo học chuyên ngành tâm lý ở Anh cho biết, những mô hình đào tạo như thế này ở nước ngoài khá nhiều và người học cũng khá đông.
 
Ở Việt Nam, học phí của mỗi khóa học kéo dài 3 tháng, 2 buổi/tuần dao dộng từ 700.000 - 900.000 đồng. Trước khi bỏ ra một số tiền không nhỏ, nhiều học viên thắc mắc về chất lượng, kiểu như: "Sau khi hoàn thành khóa học, khả năng "tán đổ" gái của em là bao nhiêu phần trăm... " hay: "Thước đo sự thành công là gì?...".
 
Thực tế lớp học vẫn ở dạng thử nghiệm là chính. Tại các trung tâm, phần lớn giáo trình vẫn mang tính cẩm nang, chia sẻ là chính. Nhiều học viên phản ánh, tính chất khóa học vẫn còn nặng tính lý thuyết, thiếu thực tế; tình huống đặt ra để thực hành vẫn còn thiếu tính tự nhiên và gượng ép...
 
Đặc biệt, về đối tượng để thực hành cũng là một nan giải, bởi trên thực tế, dù có các học viên nữ để làm mẫu nhưng những  thực hành trong tình yêu nếu không xuất phát từ tình cảm sẽ khó thể hiện. Vì thế, khâu thực hành trong tình yêu ở các trung tâm chỉ mang tính tương đối nên nhiều chàng vẫn lâm vào thế "dừng hình" khi gặp đúng đối tượng.
 
Bên cạnh đó, nhiều học viên tỏ ý nghi ngờ về chất lượng thực tế của khóa học, bởi việc đánh giá sự thành công của mỗi học viên không hề đơn giản, chưa kể đến việc đánh giá cả một khóa học. Thậm chí, bạn Hoàng Hải còn "bóc mẽ": "Hầu hết những kiến thức này đều có ở trên mạng. Đặc biệt, những trang web nước ngoài có rất nhiều thông tin tư vấn về lĩnh vực này, bạn nào có ngoại ngữ tốt là có thể tự đọc và tìm hiểu được!".     

Theo Nguoiduatin          

Các tin cũ hơn