Sắm Tết ngay từ bây giờ, cần chú ý điều gì?

Chủ nhật, 20/01/2013, 11:22
Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là đến Tết Quý Tỵ, các bà nội trợ có thể tham khảo những mẹo nhỏ sau để tiết kiệm tiền tối đa khi mua sắm trong Tết này.

1. Dự trù một khoản chi phí tiêu Tết cụ thể

Tùy theo hoàn cảnh gia đình và túi tiền, bạn nên dự trù hẳn một khoản chi phí cụ thể để mua sắm Tết. Luôn thống nhất tư tưởng, năm nay kinh tế khó khăn, lương thưởng ít, nên số tiền dự trù để sắm Tết năm nay phải tiết kiệm hơn năm ngoái.

Bạn nên dự trù cụ thể từng khoản chi tiêu cụ thể như ăn uống, quà biếu, lì xì, tiền xe cộ, đi lại... ngày Tết. Nếu không có xe riêng, bạn cũng thể rủ thêm bạn bè để thuê xe lớn, vừa chủ động về thời gian, vừa giảm bớt được kha khá chi phí.

sam tet

Ảnh: Giadinh

Khi đã dự trù xong các khoản chi tiêu cụ thể, bạn hãy lên kế hoạch và "giương cao quyết tâm" để không tiêu quá số tiền dự trù này.

2. Lên danh sách chi tiết những thứ cần mua

Trước khi đi mua sắm Tết, bạn hãy dành thời gian lập danh sách chi tiết những thứ bạn cần mua sắm từ những mặt hàng lớn đến nhỏ nhất. Việc lập danh sách sản phẩm này tuy có thể khiến bạn mất chút thời gian vì phải đau đầu nghĩ ngợi nhưng sẽ tránh được chi tiêu vung tay quá trán, tránh được sự hoang phí khi mua sắm những thứ không cần thiết hoặc không dùng đến.

Khi lập danh sách những thứ cần mua, bạn nên xác định rõ ràng giữa những thứ quan trọng cần phải có và những sản phẩm không có cũng chẳng sao để lược bớt những vật dụng, thực phẩm không thực sự cần thiết và hữu dụng.

Tuyệt đối tránh việc mua hàng theo ngẫu hứng hoặc "tiện tay" trong những ngày Tết bởi nó sẽ là thủ phạm vô hình làm tiền trong túi bay ra vèo vèo không kiểm soát được.

sam tet

3. Tranh thủ mua sắm Tết ngay từ bây giờ

Theo quy luật tất yếu của thị trường, vào những ngày giáp Tết, sức mua tăng lên thì cũng là lúc tất cả các mặt hàng hóa cũng bắt đầu tăng giá chóng mặt.

Bởi thế, nếu có thời gian, bạn nên bắt đầu mua sắm dần ngay từ những ngày trước Tết. Như vậy bạn sẽ tiết kiệm được 1 khoản tiền đáng kể vì thực phẩm lúc này vẫn chưa tăng giá. Chưa kể, bạn sẽ tránh được việc không phải chen lấn khổ sở và vất vả chờ đợi khi mua sắm Tết.

Theo đó, những sản phẩm bạn có thể mua dần trước Tết khoảng 1 tháng phòng trừ tăng giá như: bánh kẹo, chè thuốc, rượu mứt, hoa quả sấy khô, măng, miến…Ngoài ra, bạn có thể mua trước các loại gia vị và đồ gia đình: như đường, muối, nước mắm, nước rửa chén, bột giặt.

Tất nhiên khi mua sắm một số mặt hàng hóa trước Tết, khách hàng nên chú ý xem hạn sử dụng của sản phẩm để đảm bảo hàng hóa vẫn có chất lượng tốt nhất và trong thời hạn sử dụng.

4. Tận dụng mua sắm vào các dịp khuyến mại, đại hạ giá trước Tết

Hầu hết thời điểm cuối năm, để chào đón năm mới và tăng sức mua trong dịp Tết Nguyên Đán, các cửa hàng, siêu thị, đại lý sẽ tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, đại hạ giá, giảm giá hấp dẫn từ 30-70%.

Để tiết kiệm chi phí, tại sao bạn không nên "soi" các chương trình khuyến mãi lớn này và tận dụng để mua sắm hàng hóa cho ngày Tết. Đây là một cách mua sắm thông minh nhằm tiết kiệm chi phí tối đa cho bạn.

giam gia

Tuy nhiên, khi mua hàng vào những đợt khuyến mãi, bạn đừng quá ham rẻ mà mua nhiều sản phẩm hoặc nhiều mặt hàng cùng một lúc vì có thể khi mua về không dùng đến đã hết hạn sử dụng. Hơn nữa, nên kiểm tra kỹ càng chất lượng của các mặt hàng này xem chúng có đảm bảo chất lượng thực sự không.

5. Rủ nhau mua chung hàng hóa Tết với số lượng lớn

Nhu cầu mua sắm là khác nhau, nhưng hầu hết các hộ gia đình đều cần sắm những loại hàng hóa rất đặc chưng để chuẩn bị Tết như giò, chả, mắm, muối dầu, mắm, giấy, thực phẩm. Rủ thêm bạn bè, người thân, hàng xóm cùng mua sắm chung đồ Tết để được hưởng mức giá đại lý hoặc được ưu đãi, khuyến mãi hậu hĩnh hay quà tặng đi kèm, chắc chắn cũng giúp bạn tiết kiệm thêm được một khoản.

sam Tet

Có thể khoản này không quá nhiều, nhưng khi kinh tế đang khó khăn, hãy nhớ rằng, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy.

6. Tự mua nguyên liệu về làm 

Thay vì bỏ một khoản tiền lớn để mua những thực phẩm ăn Tết sẵn có như giò lụa, giò xào, nem chua, bánh chưng, bắp bò muối, các loại bánh, mứt, kẹo… Nếu có thời gian, chị em nên tự tìm mua các nguyên liệu về làm, vừa tiết kiệm được 1 khoản tiền lớn, vừa tạo không khí đầm ấm cho gia đình đón và ăn Tết ngon hơn, an toàn hơn.

Nhiều bà nội trợ cho biết, nếu tự mua nguyên liệu về làm những thực phẩm này, Tết đến sẽ chỉ phải mua sắm thêm chút ít những thực phẩm và đồ để thờ. Không chỉ yên tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm, theo tính toán của các bà nội trợ này, giá thành của thực phẩm tự làm rẻ hơn từ 30-40% so với giá thực phẩm mua sẵn.

7. Mua rải ra thành nhiều đợt chứ không mua ồ ạt 

Từ bây giờ đến Tết, bạn có thể mua sắm rải rác ra làm nhiều đợt chứ không nhất thiết chỉ mua sắm 1-2 đợt một cách ồ ạt. Cách mua sắm này sẽ giúp cho bạn đỡ “chóng mặt” khi nhìn hóa đơn.

Mặt khác, mua rải rác còn giúp bạn tìm kiếm được những thực phẩm chất lượng và thiết thực với mức giá hợp lý nhất.

8. Nên đi xem hầu hết các mặt hàng rồi mới mua

Khi đi mua sắm hàng Tết, bạn đừng ngại ngần bỏ chút thời gian đi dạo một vòng quanh chợ, siêu thị, cửa hàng để có thể xem xét hết các mặt hàng thiết yếu cần mua, sau đó mới quyết định mua những mặt hàng nào.

Tuyệt đối tránh mua hàng lúc đang vội vã hoặc mua thời điểm mua đã quá cận Tết vì lúc đó bạn sẽ mua phải nhiều thứ không cần thiết với giá đắt đỏ.

9. Về quê hay ra chợ đầu mối mua sắm Tết

So với chợ đầu mối hay chợ quê, thì giá cả tại các chợ cóc và siêu thị ở thành phố khá "chát". Do vậy, các bà nội chợ có thể nghĩ tới việc về quê đặt mua trước các thực phẩm. Đa phần, các loại thực phẩm ở chợ quê đều tươi ngon hơn và có giá rẻ hơn khoảng 20-30% khi mua tại thành phố.

Giá cả tại chợ đầu mối tuy rẻ nhưng thường không bán lẻ, do vậy, nếu định mua hàng ở đây, bạn nên rủ thêm người mua chung để chọn được đồ ngon, giá tốt.

 

Theo TTVN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích