Digambara là một trong hai giáo phái chính của đạo Jaina - một tôn giáo đặc trưng của đất nước Ấn Độ. Giáo phái Digambara bắt đầu được hình thành từ thế kỷ thứ 3.
Các thầy tu Digambara tuyệt nhiên không mặc bất cứ một loại quần áo nào, họ chỉ mang theo bên mình một chiếc chổi được bện từ lông công để xua đuổi nhẹ nhàng những con côn trùng và một quả bầu khô đựng nước để rửa tay chân, tuyệt nhiên không được tắm.
Giáo phái Digambara hướng những người tu hành tới lối sống cổ xưa của những người tiền sử với niềm tin tín ngưỡng rất đơn giản, ban sơ. Những thầy tu Digambara phải sống một cuộc đời khổ hạnh, theo họ, như thế mới là tu hành đích thực.
Từ “Digambara” trong tiếng Ấn Độ có nghĩa là “khoác lên mình cả bầu trời”, điều này đã phản ánh phần nào lý do tại sao các thầy tu Digambara luôn trong tình trạng khỏa thân.
Khỏa thân được coi là biểu hiện cao nhất chứng tỏ trạng thái tự do về tinh thần của các thầy tu, họ không còn bị chi phối bởi những xúc cảm thường tình, không còn băn khoăn trước cách nhìn nhận, đánh giá của những người xung quanh.
Những cuốn cổ sử từng ghi lại rằng Alexander Đại đế, vua của đất nước Macedonia (ngày nay là một vùng đất thuộc Hy Lạp) từng có lần gặp một nhóm “những nhà hiền triết khỏa thân” người Ấn Độ.
Các thầy tu Digambara sống khổ vô cùng. Ở những thế kỷ trước, họ thường sống trong những hang động, trên núi cao và lánh xa cuộc sống con người. Họ sống hài hòa với thiên nhiên, không sát sinh, không cáu giận, gây lộn, chấp nhận tất cả mọi sự một cách thư thái, bình thản.
Họ cũng không bao giờ sở hữu bất cứ tài sản nào, vì vậy, ngay cả chăn chiếu, giường ngủ cũng chẳng có, họ sống đúng nghĩa là những kẻ hành khất, nay đây mai đó, màn trời chiếu đất.
Bức tượng của Bahubali - vị tổ sư của giáo phái Digambara - cũng được khắc họa trong trạng thái khỏa thân. |
Các thầy tu Digambara phải tuân theo những nguyên tắc rất khắt khe: Họ nhịn đói vài ngày trong tuần, ăn ít hơn những gì cơ thể đòi hỏi, không sở hữu tài sản, từ bỏ những thói quen thường tình (tắm, đánh răng, cạo râu, cắt tóc…), tìm tới sống ở nơi u tịch, hành xác (để mặc cơ thể trần trụi trước nắng mưa và ánh nhìn của người đời).
Các thầy tu Digambara coi tu hành là con đường đơn độc, vì vậy họ thường sống một mình, không quan trọng việc xây dựng quan hệ thân thiết với những người xung quanh.
Họ không bao giờ di chuyển bằng các loại phương tiện, chỉ đi bộ, không được ở bất cứ đâu lâu hơn một ngày (trừ phi trời mưa lớn nên không thể đi tiếp), phải ăn chay trường, đi xin ăn từng bữa…
Thầy tu Digambara không xin ăn bằng bát mà bằng hai bàn tay khum lại, cứ thế họ ăn mà không được dùng bất cứ đũa bát nào. Họ không đi các nhà xin ăn mà chỉ đứng ở một chỗ chờ người dân mang đồ ăn tới cho, họ cũng không xin nhiều, chỉ cần lòng bàn tay chứa đầy đồ ăn là không xin thêm nữa. Thường các thầy tu im lặng, nhưng nếu buộc phải nói, họ sẽ nói những triết lý sâu xa.
Các thầy tu Digambara coi việc khỏa thân như một điều kiện tối cần thiết để thực sự trở thành một kẻ hành khất với tâm thế tự do, được cứu rỗi linh hồn khỏi những tham sân si. Vì các nữ tu trong đạo Digambara được cho phép ăn vận quần áo đầy đủ, sức vóc họ cũng yếu đuối hơn, không chịu được dãi dầu mưa nắng nên họ bị coi là khó lòng đạt đến sự tự do tuyệt đối. Nữ tu trong giáo phái Digambara thường bị cho là không đắc đạo bằng các thầy tu nam.
|
Theo Dân Trí