Người thổi tù và hàng tổng là bộ phim tâm lý xã hội hài hước của đạo diễn Phi Tiến Sơn phát sóng tại Việt Nam năm 2001.
Phim gồm 5 tập: tập 1: “Mèo mù vớ cá rán”, tập 2: “Quyền rơm vạ đá”, “tập 3: Phép vua thua lệ làng”, tập 4: “Nuôi ong tay áo”, tập 5: “Ở hiền gặp lành” là tập hợp những câu chuyện bi hài xảy ra đối với một anh trưởng thôn trẻ tuổi và mọi khó khăn anh vấp phải trong việc xây dựng, quản lý xóm làng.
Khi chiếu trên tivi mỗi nhà, bộ phim nhận được vô vàn tình cảm yêu mến của khán giả bởi sự hài hước, tếu táo nhưng sâu sắc trong cách thể hiện, đặc biệt là diễn xuất “thật như đời” của dàn diễn viên chính gồm: Quốc Tuấn, Khánh Huyền, NSƯT Văn Hiệp.
Người thổi tù và hàng tổng.
Quốc Tuấn vai trưởng thôn Kiên
Kiên là anh nông dân kiêm nghề bốc vác, tính tính hài hước, lạc quan và không bon chen trong cuộc bầu cử trưởng thôn. Ai ngờ, “mèo mù vớ cá rán”, Kiên lại được bà con bầu vào chức vị đó khi tuổi đời còn khá trẻ và chưa hề có kinh nghiệm lãnh đạo.
Kiên được bà con bầu vào chức trưởng thôn khi còn rất trẻ.
Khi nhận chức, Kiên được bà con xóm làng yêu quý bởi sự hăng hái, nhiệt tình, luôn lăn xả trong mọi công việc của thôn. Điều đáng quý ở anh trưởng thôn là đức tính giản dị, khiêm nhường. Tuy nhiên, cũng vì tội “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” mà nhiều lần Kiên bị vợ “cạch mặt”.
Hình ảnh một trưởng thôn “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Vai anh trưởng thôn trẻ tuổi được trao cho diễn viên Quốc Tuấn. Quốc Tuấn “diễn mà như không diễn”, anh mang lại hình ảnh một trưởng thôn chân thực, có phần lém lỉnh. Chắc hẳn nhiều khán giả còn nhớ những cảnh quay hài hước về anh trưởng thôn này như: cảnh tắm truồng ở bờ sông bị dân làng bắt gặp hay cảnh anh trưởng thôn vạch quần cho bố đánh đòn…
Nghệ sỹ Quốc Tuấn đã có những vai diễn sống mãi trong tim khán giả Việt.
Năm 1981, Quốc Tuấn thi đỗ vào trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Nổi tiếng bởi sự ngỗ nghịch, lại hay cãi thầy nên trong những lần đoàn kịch sinh viên của trường dựng vở diễn, anh hiếm khi được giao vai chính mà toàn ở vị trí “chạy cờ chạy quạt”.
Năm 1990, Quốc Tuấn đầu quân về Nhà hát Tuổi Trẻ. Hồi ấy, những ngôi sao sân khấu như NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Chí Trung… đang ở độ rực rỡ nhất và Quốc Tuấn lại một lần nữa rơi vào "thảm kịch" vai phụ. Quãng thời gian ấy, anh làm đủ nghề: chơi nhạc ở vũ trường, làm lễ tân khách sạn... May là phim truyền hình đã mở cho anh một lối thoát.
Một loạt phim “Cuốn sổ ghi đời”, “12A và 4H”, “Cô bé bên hồ”, “Người thổi tù và hàng tổng”, “Người thừa của dòng họ”, “Những người sống quanh tôi”... đã tôn anh lên hàng "sao" trong giới diễn viên truyền hình phía Bắc. aSau gần 20 năm đứng trên sân khấu và sau máy quay, Quốc Tuấn rời Nhà hát Tuổi trẻ để đầu quân cho xưởng II - Hãng phim truyện Việt Nam. Sự chuyển đổi vị trí này được Quốc Tuấn chuẩn bị rất kỹ. Anh theo học khoa đạo diễn và đã tốt nghiệp xuất sắc sau bốn năm theo học tại trường ÐH Sân khấu - Điện ảnh.
Quốc Tuấn trở lại với truyền hình trong vai trò một đạo diễn.
Năm 2013, bộ phim “Trái tim kiêu hãnh” do Quốc Tuấn tự tay viết kịch bản và đạo diễn đã ra mắt khán giả. Đây là bộ phim truyền hình dài 75 tập làm về cuộc đời của một nữ vận động viên đá cầu. Cũng đề cập đến giới trẻ nhưng ở một khía cạnh khá mới: thể thao, cộng thêm sự cầu kỳ trong từng chi tiết nội dung và thể hiện, bộ phim đã tạo được dấu ấn riêng giữa rất nhiều phim dành cho giới trẻ hiện nay.
Quốc Tuấn kết hôn khá muộn, 40 tuổi anh mới có con. Con trai anh - bé Bôm bị bệnh APERT (bệnh xương cứng sớm cục bộ), một căn bệnh hiếm gặp trên thế giới. Sau nhiều năm chạy chữa vất vả, tình hình bệnh tật của cậu bé đã khả quan hơn rất nhiều.
Khánh Huyền vai Thơm
Đảm nhận vai Thơm - vợ của trưởng thôn Kiên là diễn viên Khánh Huyền. Thơm là người vợ xinh đẹp, đảm đang, hay làm nũng chồng. Tính Thơm hơi nóng nảy và nhẹ dạ cả tin. Chỉ vì lỡ lời tiết lộ những tin tức “cơ mật” của thôn mà Thơm khiến chồng bị đem ra đấu tố.
Khánh Huyền vào vai vợ của “trưởng thôn”.
Trong phim, Khánh Huyền diễn xuất rất tự nhiên, ăn ý với Quốc Tuấn. Cả hai tạo nên một cặp vợ chồng nông dân vui vẻ, hạnh phúc, trong ngôi nhà lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười.
Khánh Huyền sinh năm 1971 trong một gia đình nghệ thuật. Từ nhỏ cô đã yêu thích ca hát và được đào tạo để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, duyên phận lại đưa cô đến với nghề diễn. Năm 16 tuổi, cô nhận vai chính đầu tiên trong phim nhựa: “Hát giữa chiều mưa”, tiếp đó là rất nhiều bộ phim nổi tiếng bao gồm cả phim điện ảnh và phim truyền hình như: “Người sót lại của rừng cười”, “Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh”, “Trăng trên đất khách”, “Hoài vũ trắng”, “Lời thì thầm của chiến tranh”, “Nụ tầm xuân”, “Bảy ngày và một đời” , “Vui buồn sau lũy tre làng”, “Gió mùa thổi mãi”…
Sở hữu gương mặt đẹp và phúc hậu, Khánh Huyền được đánh giá là một trong những mỹ nhân không tuổi của thập niên 90. Bên cạnh công việc đóng phim, cô còn là một diễn viên kịch của Nhà hát Tuổi trẻ.
Khánh Huyền ghi dấu ấn trong vai trò của một MC truyền hình.
Xuất hiện đều đặn trên truyền hình, nhưng có một thời kỳ Khánh Huyền chững lại. Đó là khi cuộc hôn nhân thứ nhất tan vỡ. Khánh Huyền im ắng một thời gian rồi quyết định Nam tiến để bắt đầu một cuộc sống mới. Cô làm quen với công việc MC và ngay lập tức tạo được dấu ấn trong vai trò mới này. Công chúa nhỏ Trang Nghi chính là minh chứng tuyệt vời cho hạnh phúc mới của cô.
Sự nghiệp phim ảnh của nữ diễn viên xinh đẹp vẫn được duy trì qua các bộ phim như: “Quán kem Valentine”, “Lối rẽ”, “Đến từ giấc mơ”, “Bẫy tình”, “Những đứa con biệt động Sài Gòn”… Khánh Huyền tái hôn năm 2010 và hiện đang có cuộc sống hạnh phúc cùng chồng và 3 con.
Khánh Huyền vui đùa cùng 2 con gái yêu.
Con trai cả của Khánh Huyền là Minh Quân sinh năm 1999.
Tổ ấm hiện tại của nữ diễn viên.
Cố NSƯT Văn Hiệp vai Hoạt
Cố NSƯT Văn Hiệp tên đầy đủ là Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1942, quê gốc ở Lạc Trung, Thanh Trì (Hà Nội). Ông học khóa đầu tiên của trường Điện ảnh Việt Nam. Khi ra trường, ông về công tác tại Nhà hát kịch Trung Ương. Sau đó về Cục Văn hóa Thông tin cơ sở. Năm 2002, ông về nghỉ hưu theo chế độ nhưng vẫn gắn bó với nghiệp diễn.Trong sự nghiệp diễn viên hơn 40 năm của mình, NSƯT Văn Hiệp tham gia tới 1.000 tác phẩm gồm: kịch, phim truyện. Ở lĩnh vực phim truyền hình, ông có rất nhiều vai diễn để đời với nhiều biệt danh khác nhau.
Hình ảnh quen thuộc của cố NSƯT Văn Hiệp.
Biệt danh đầu tiên ông được gán cho là: “ông đơn giản gọn nhẹ” nhờ vai ông đại tá “đơn giản gọn nhẹ” trong phim: “Ông già hồn nhiên” của đạo diễn Trọng Liên. Cách diễn xuất “như không” của ông trước những khó khăn về thủ tục hành chính trong phân chia nhà cho cán bộ đã khiến rất nhiều tướng tá trong quân đội thích thú.
Sau vai ông đại tá là vai ông bí thư Hoạt trong “Người thổi tù và hàng tổng”. Bí thư Hoạt là một người có kinh nghiệm quản lý nhưng tư tưởng còn khá bảo thủ. Dù chỉ là vai diễn phụ bên cạnh Quốc Tuấn, Khánh Huyền nhưng NSƯT Văn Hiệp khiến khán giả không thể quên với câu cửa miệng “xét một cách toàn diện”. Nhà nhà, người người khi đó đã đưa “xét một cách toàn diện” từ phim vào đời sống hàng ngày, như một câu nói vui hóa giải mọi căng thẳng trong cuộc sống.
NSƯT Văn Hiệp với câu nói để đời trong phim: “Xét một cách toàn diện”.
Trên sân khấu kịch, vai diễn nào của ông cũng được khán giả yêu mến và ghi nhớ rất lâu. Bắt đầu từ năm 2004, trên sóng truyền hình VTV3 mỗi cuối tuần, khán giả luôn háo hức đón xem các tiểu phẩm hài của bộ ba: Văn Hiệp, Giang Còi và Quang Tèo. NSƯT Văn Hiệp vào vai ông trưởng thôn nghiêm khắc nhưng rất hài hước, xuất hiện như người "cầm cân nảy mực" tất tần tật chuyện lớn bé xảy trong thôn.
Ông xuất hiện quen thuộc với bộ quần áo bộ đội cũ, chiếc mũ dân phòng, băng rôn đỏ ở tay và chiếc còi giắt túi áo. Lối diễn chân chất, xuề xòa, gần gũi của ông chinh phục khán giả từ thành thị đến nông thôn. Không đơn thuần là mang lại tiếng cười, mỗi khi chọn tác phẩm ông đều xét tới khía cạnh nghiêm túc về mặt nội dung và phải có ý nghĩa truyền tải tới khán giả. Đó là lí do, chất hài của ông được người xem yêu mến và nhớ tới lâu hơn.
Nghệ sỹ Quốc Tuấn đến tiễn đưa NSƯT Văn Hiệp.
Tin nghệ sĩ Văn Hiệp đột ngột qua đời sáng ngày 09/04/2013 làm bàng hoàng giới nghệ sĩ và những khán giả yêu mến ông. Ông được phong danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” tháng 10 năm 2013 (6 tháng sau ngày mất).
Theo Khám Phá