Đằng sau cơn bão truyền hình thực tế

Thứ năm, 21/01/2016, 09:20
Hiện nay phần lớn các chương trình đều được mua bản quyền từ nước ngoài bởi nó đảm bảo thành công cho các nhà sản xuất và ít ai mạo hiểm dùng các format của người Việt.

Trước khi “cơn lốc” truyền hình đổ bộ như hiện nay, VTV và HTV từng thành công với một loạt game show như Sao mai điểm hẹn, Trò chơi âm nhạc, Ai là triệu phú, Tam sao thất bản, Trúc xanh, Đi tìm ẩn số, Song ca cùng thần tượng… Nhưng chỉ dừng ở quy mô nhỏ, chưa có sự tương tác với người xem.

Sự bảo chứng của các chương trình quốc tế

Từ thời điểm năm 2007, truyền hình thực tế bắt đầu “xâm lấn” với những bước đi có phần rụt rè, mang tính chất thăm dò. Khởi đầu là cuộc thi âm nhạc Vietnam Idol (được mua bản quyền từ American Idol) với lứa ngôi sao đầu tiên là Phương Vy, Thảo Trang, Hải Yến… “Phát pháo” đầu tiên đã mở đường cho các nhà sản xuất bước vào cuộc khai hóa để rồi những năm sau đó, khán giả được thưởng thức hàng loạt món ăn mới trên sóng truyền hình.

Điểm chung ở các chương trình mua bản quyền là có sẵn yếu tố hấp dẫn.

Tính từ thời điểm mới ra mắt, Vietnam Idol có “tuổi thọ” lâu đời nhất tại Việt Nam khi đã bước qua mùa thứ 6. Dù phong độ thất thường nhưng nó vẫn tạo ra thương hiệu cho nhà sản xuất để sau này họ tiếp tục phát huy trong các chương trình khác.

Song song với cuộc thi Thần tượng âm nhạc Việt Nam, The Voice – Giọng hát Việt được mua bản quyền từ Hà Lan cũng tạo nên cơn sốt rầm rộ trong năm 2012. Dù trải qua nhiều ồn ào nhưng 3 mùa của Giọng hát Việt cũng góp phần tạo nên những ngôi sao trẻ trên thị trường hiện nay. Đây được xem là 2 cuộc thi âm nhạc tầm cỡ nhất tính đến thời điểm này.

Góp phần thúc đẩy và khiến thị trường sôi nổi hơn còn có hàng loạt các cuộc thi âm nhạc lớn nhỏ khác như X Factor (bản quyền của Anh quốc), Tuyệt đỉnh tranh tài (Na Uy), The Winner Is (Hà Lan), Học viện ngôi sao (bản quyền của tập đoàn Endemol)… Thời điểm 2012 trở đi, truyền hình thực tế như mảnh đất màu mỡ khiến các nhà sản xuất nhảy vào tranh nhau miếng bánh.

Trong khi khán giả đã bắt đầu bội thực với âm nhạc, ngay lập tức họ nhảy sang lĩnh vực khác. Gương mặt thân quen (Hà Lan), Bước nhảy hoàn vũ (Anh), Thử thách cùng bước nhảy (hãng Fox của Mỹ) (nghệ sĩ và vũ công ở lĩnh vực nhảy múa), Cuộc đua kỳ thú (Mỹ), Bố ơi, mình đi đâu thế? (Hàn Quốc), Điệp vụ tuyệt mật (Hà Lan) (thử thách thể lực, trí tuệ và được quay ngoại cảnh), MasterChef (Anh), Vietnam’s Next Top Model (Mỹ), Project Runway (thời trang), Thách thức người nổi tiếng (Anh)… tạo nên thực đơn phong phú và người xem có quyền lựa chọn theo sở thích.

Không chỉ nhắm đến đối tượng người trẻ, nhà sản xuất còn chinh phục và tạo cơ hội cho thiếu nhi khi làm các chương trình: Giọng hát Việt nhí, Gương mặt thân quen nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Con biết tuốt…

The Voice về đến Việt Nam năm đầu tiên đã thành công vang dội.

Nhưng hài truyền hình mới thật sự là “vũ khí lợi hại” mang về lợi nhuận cho nhà sản xuất nhiều nhất. Chỉ trong vòng 2 năm từ 2014 – 2015, nhà nhà đều đổ xô trí lực vào mảnh đất béo bở này. Hiệu ứng cao nhất có thể kể đến chương trình Ơn giời, cậu đây rồi! (bản quyền Úc) và Người bí ẩn (bản quyền Anh). Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng Thách thức danh hài (bản quyềnUkraine), Bí mật đêm chủ nhật (bản quyền Anh)cũng cạnh tranh quyết liệt với đàn anh kể trên.

Có thể thấy, trong danh sách các chương trình kể trên, tất cả đều được mua bản quyền từ nước ngoài.Thành công từ nước bản địa đảm bảo một phần thành công cho nhà sản xuất khi Việt hóa. Mặc dù tính quy mô không bằng các nước phương Tây nhưng tại thị trường trong nước, mức độ hoành tráng của nó cũng phần nào thu hút khán giả và thí sinh. Quan trọng hơn, các gương mặt trẻ có cơ hội trở thành ngôi sao mà không phải mất quá nhiều thời gian để nổi tiếng như thế hệ Lam Trường, Phương Thanh, Đan Trường…

Ở sân chơi truyền hình thực tế cũng không đòi hỏi quá nhiều về yếu tố chuyên môn, ngoại hình cũng là lợi thế trong việc chinh phục người xem. Các nghệ sĩ trẻ như Khởi My, Hoài Lâm, Thanh Duy, Bùi Anh Tuấn, Hương Tràm, Trúc Nhân, Vũ Cát Tường, Hoàng Tôn, Trọng Hiếu… là những ngôi sao bước ra từ truyền hình thực tế. Các chương trình hài truyền hình cũng thành công trong việc tạo ra “bộ tứ quyền lực” Hoài Linh – Việt Hương – Trấn Thành – Trường Giang hay các nghệ sĩ mới nổi như Thu Trang, Nam Thư, Huỳnh Lập…

Khó hay dễ khi sản xuất các format Việt?

Trong khi nhà nhà đổ xô mua bản quyền để Việt hóa, thị trường bỗng khan hiếm các chương trình do người Việt sáng tạo. Cùng nhau tỏa sáng, Cười xuyên Việt, Solo cùng Bolero… là những chương trình do người Việt sáng tạo đã rất chật vật tìm chỗ đứng.

Có thể thấy, tính quy mô, yếu tố hấp dẫn, nghẹt thở của các game show này chưa bằng các format của nước ngoài nhưng không thể phủ nhận sự cố gắng của ê-kíp trong việc sáng tạo nhằm thu hút khán giả.

Solo cùng Bolero hút khán giả nhờ đánh trúng tâm lý khán giả miền Tây.

NSƯT Vũ Thành Vinh, đạo diễn các chương trình thừa nhận anh và ê-kíp có chút liều lĩnh nhưng không mạo hiểm khi sản xuất các chương trình thuần Việt.“Bởi trước khi xây dựng format và thực hiện các chương trình, chúng tôi đã có nhiều cuộc khảo sát về nhu cầu giải trí của khán giả, đặc biệt là khán giả khu vực đồng bằng sông Cửu Long vì đa phần chương trình của chúng tôi hiện nay đều phát sóng trên kênh THVL. Chúng tôi nhận thấy phần lớn các Đài truyền hình trong khu vực thiếu hẳn mảng giải trí định kỳ mang “hơi thởriêng của miền sông nước. Vì thế, chúng tôi khai phá mảnh đất này”, ông Vinh chia sẻ.

Đạo diễn Vũ Thành Vinh cho rằng, sức hấp dẫn của chương trình nằm ở tính phù hợp với thị hiếu khán giả, không nhất thiết phải là format nước ngoài hay format thuần Việt. Dĩ nhiên, việc có một format nước ngoài đã quá nổi tiếng và được khán giả yêu thích sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Song, một format hay nếu không phù hợp với đối tượng khán giả cũng sẽ thất bại như thường.

“Khi mua format nước ngoài, nhà sản xuất sẽ không phải mất nhiều thời gian để tính toán bởi hầu hết tất cả đều đã được chi tiết hóa đến từng thông số. Tuy nhiên, họ cũng gặp bất lợi trong việc thay đổi, điều chỉnh theo ý mình bởi việc thay đổi phải được sự chấp thuận của đơn vị giữ bản quyền. Với format thuần Việt, chúng tôi phải tính toán từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất như bố cục, kích thước sân khấu, cho đến nội dung và cách thức thể hiện sao cho thật hấp dẫn và mới lạ. Việc phổ biến và đưa format đến gần với khán giả Việt cũng cần phải mất một khoảng thời gian lâu hơn so với format nước ngoài”, ông Vinh cho biết thêm.

Cuộc thi Thử thách người nổi tiếng vừa kết thúc, đơn vị sản xuất đang chuẩn bị tìm kiếm chương trình mới.

Đồng quan điểm với đạo diễn Vũ Thành Vinh, bà Nguyễn Thị Bảo Trâm - đại diện đơn vị sản xuất các gameshow Thử thách người nổi tiếng và Trăm triệu một phút trên VTV3 phát biểu ý kiến: “Với các format nước ngoài, chúng ta có thể thấy đó là những ý tưởng tốt, đã được sản xuất và trình chiếu, đong đếm được mức độ thành công nên đảm bảo an toàn trong việc sản xuất tại Việt Nam.Với các format trong nước, chúng ta có nhiều chương trình thành công và mang đậm bản sắc Việt như Chúng tôi là chiến sĩ và Solo cùng Bolero.

Chúng tôi cũng hướng tới điều đó nhưng vẫn chưa tìm được những format thực sự ưng ý. Format một chương trình không chỉ đơn thuần là ý tưởng mà nó còn là sự phối hợp nhiều yếu tố, cách thức, luật chơi… rất nhiều yếu tố để tạo dựng được sức hấp dẫn khán giả”. Cũng theo bà Trâm, hiện nay có khá nhiều format giống nhau và phía công ty bà chưa tìm được chương trình nào có nét riêng và hấp dẫn.

Bà Trâm cũng thừa nhận vấn đề kinh phí ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà sản xuất. Việc mua bản quyền luôn chịu mức phí tổn cao so với việc tự sản xuất các chương trình thuần Việt. Tuy nhiên, nếu có format hay, hấp dẫn và hiệu quả thì nhà sản xuất có thể mạnh dạn gật đầu. Ngược lại, nhiều chương trình dù rẻ nhưng cũng bị từ chối vì không đảm bảo yếu tố thu hút. Tiền bạc là vấn đề nhạy cảm nhưng quan trọng chương trình đó có phù hợp và lôi cuốn khán giả hay không.

Theo Zing

Các tin cũ hơn