Tiền, dang vọng và tình dục luôn đi chung đường với nghệ sĩ |
Trong hồi ký phát hành năm ngoái, nghệ sĩ Thương Tín kể thời gian anh đánh bạc ở các sòng quận 4 (TP.HCM), chỉ có thua và thua. Thế rồi lần nọ anh được dẫn đến gặp một người đàn ông, người này nói: “Anh Tín, anh đừng chơi bài ở đây nữa. Nghệ sĩ các anh không nhiều tiền đâu. Anh cầm xấp tiền này, coi như bù cho anh khoản đã thua, nhớ đừng bao giờ trở lại đây”. Thương Tín cầm cọc tiền khá lớn, về sau mới biết người kia chính là Năm Cam.
Đến trùm xã hội đen còn cư xử hào hiệp, ưu ái nghệ sĩ đến thế nói gì “người thường”. Cho nên cuộc đời Thương Tín, Chánh Tín cũng như một số nghệ sĩ hay nói về tiền khác, thường coi việc mình được cưng chiều như lẽ tự nhiên.
Tôi có người bạn kể hồi sống ở Mỹ, cô thỉnh thoảng lại hân hạnh đón một nhạc sĩ còn trẻ, quen sơ, trong nước sang chơi. Ăn dầm ở dề, anh còn yêu cầu đưa đi thăm thú khắp nơi, mà ở Mỹ, đến nhà bạn bè người Việt thường là vài trăm cây số chứ không ít. Anh dặn khi nào về Hà Nội nhớ mua cho anh cây đàn, thế là lại ngoan ngoãn ôm cây đàn to tướng về, cách rách. Thế nhưng gặp nhau ở quê hương bản quán, chả bao giờ thấy anh hậu đãi lại. Tôi nói: “Cho chết. Ai bảo thích giao du với người nổi tiếng (đúng ra là Ai bảo thích đánh đu với tinh). Mà người đấy đã nổi tiếng lắm đâu, nhạc ít người hát chỉ quen làm sự kiện thôi”.
Tuần trước, đám tang Trần Lập do gia đình và bạn bè tổ chức nhưng có cảnh sát dẹp đường giúp, và nhiều sự hoành tráng khác. Đám tang có lẽ đã trở thành sự kiện không chỉ của gia đình nếu không có chuyện người nhà mời sư sãi đến tụng kinh niệm Phật cho anh trong không gian công cộng ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, với âm thanh khuếch đại.
Thấy người của ban tổ chức đuổi thẳng ai không có phận sự mà lại héo lánh đến bên bàn ghi sổ tang và yêu cầu các nhà báo phải trình “thẻ tác nghiệp” nếu định lảng vảng ở đây hoặc giở sổ tang ra, cứ tưởng đùa. Hóa ra phải có thẻ thật, do chủ tang in rồi phát số lượng hạn chế cho cánh báo chí thân cận. Đến đám tang Đại tướng Tổng tư lệnh cũng không đến nỗi.
Hay tang chủ ngại sự nhiệt tình thái quá của báo mạng. Nhìn một người chưa hẳn “đỉnh của đỉnh”- ca sĩ Tùng Dương đứng một lúc cũng không yên với hàng chục ống kính chĩa thẳng vào mặt, cũng cám cảnh thật. Hay nghệ sĩ phải thế- không bị săn mới phiền lòng, thấy thiêu thiếu? Ngày trước, nhiều người cáu vì bị Xuân Sách đưa vào cuốn Chân dung nhà văn với âm hưởng không hẳn ngợi ca, nhưng không có mặt trong đó cũng thấy như mình tụt hạng thì phải.
Trong đám tang NSƯT Anh Dũng, nhìn rừng ống kính hăm hở chĩa vào Xuân Bắc, đoán thể nào cũng chú thích “Xuân Bắc đau buồn tiễn biệt người đồng nghiệp đáng kính, sếp cũ của anh”, tôi thử giở sổ tang xem Xuân Bắc ghi gì thì hóa ra rất nhẹ nhõm: “Chú ơi, thế là từ nay chẳng còn chú để cháu mách nhiều chuyện”...
Nghệ sĩ không phải là nghề bình thường mà là tâm điểm trong xã hội, cho nên nhiều người trong số họ mới cư xử khác thường, còn người thân của họ và giới quan sát (báo chí) cũng đối xử với họ kiểu không bình thường.
Hành vi và đối tượng xâm hại được một người miêu tả như sau: “Chỉnh âm thanh cũng bị, diễn viên múa cũng bị. Giả lả trời ơi. Bự quá cho sờ thử, đừng nghĩ anh lợi dụng...Sờ xong thấy thích ra bầu sô lấy số điện thoại rồi nhắn tin gạ tình hay hẹn đi cà phê hay mời mọc đến nhà đóng sô, đóng clip, thực chất là giở trò”. Người khác, ca sĩ Hoàng Tôn thì viết tếu táo trên FB cá nhân:“Thằng em mình cũng bị. Thôi cho chú này ra đảo đi, thả dê lung tung quá”.
Nghe loạt người đồng loạt tố, người ta không thể không nghi ngờ. Bởi có vẻ vang gì cái vụ bị sàm sỡ, bị động chạm vùng nhạy cảm mà phải dùng nó để PR. Có phải là Michael Jackson hay John Travolta đâu, nổi tiếng đến mức ấy đâu để ăn theo. Mà Michael Jackson cũng phải hầu tòa như thường còn John Travolta thì lên bờ xuống ruộng thời gian dài.
Báo nước ngoài khi đưa tin vụ Minh Béo bị bắt vừa qua cũng gọi anh là một người khá nổi tiếng ở Việt Nam. Giờ bảo điểm những vở diễn hoặc thành tựu của Minh Béo, chắc đa số chịu cứng. Chủ yếu anh “phủ sóng” bằng chương trình Lục lạc vàng, không nhiều người xem đến nỗi ai cũng biết anh dắt bò Minh Béo hoạt ngôn ra sao.
Nhà văn Patrick Beigbeder viết: “Trước kia tôi khá xấu trai nhưng từ khi nổi tiếng, tôi lại trở thành một người đẹp trai”. Nhưng Patrick Beigbeder là nhà văn đang lên của Pháp, “Hemingway mới”. Còn ở ta, chỉ cần xuất hiện trong một cuộc thi hát sẽ được gọi ca sĩ, chịu khó lên ti vi sẽ được gọi danh hài, người nổi tiếng, người của công chúng... Diễn viên lâu không có vai sẽ nhắc khán giả nhớ bằng những hàng tít như “Sự lãng mạn của anh ấy làm tôi tan chảy”.
Không phải vô lý mà những người như Minh Béo dám lớn tiếng đổ vạ khi bị tố quấy rối tình dục. Như anh nói đó- “nghệ sĩ trẻ phải có tài có tâm chứ đừng bu theo người nổi tiếng để PR”, còn các chương trình cũng có dám hủy hợp đồng với anh vì scandal đâu. Làm nghệ sĩ nổi tiếng sướng thế.
Thực sự, với nhiều người tự xưng nghệ sĩ, người nổi tiếng, có lẽ phải kể câu chuyện này: Một ông bố không muốn con gái yêu giới nghệ sĩ nhưng vẫn đồng ý xem mặt chàng rể tương lai. Xem xong ông bảo: Con lấy nó được đấy con ạ, nghệ sĩ gì cái ngữ ấy!
Theo Tiền Phong