NSƯT Công Ninh được khán giả nhớ tới nhờ những vai diễn khắc khổ trên màn ảnh, nhưng ít ai biết anh là thầy giáo, dìu dắt nhiều tên tuổi nổi tiếng trong giới nghệ thuật. Hiện anh là chủ nhiệm khoa Đạo diễn của trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.
Năm nay là tròn 26 năm Công Ninh gắn bó với nghề giáo viên. Anh chia sẻ với Zing những buồn vui xung quanh nghề "đưa đò" nghệ thuật.
Thái Hòa, Việt Hương, Trấn Thành thông minh, tư duy mạnh
Anh vừa là đạo diễn, diễn viên, giảng viên tại đại học Sân khấu Nghệ thuật. Vậy đâu mới là nghề nào anh mơ ước từ nhỏ?
Nghề nhà giáo là vô tình đưa đẩy tới thôi, chứ không phải mơ ước của tôi. Tôi chỉ thích trở thành diễn viên nên thi vào trường sân khấu.
Cuộc đời vốn có nhiều điều bất ngờ, không ai nói trước được điều gì. Khi tốt nghiệp diễn viên, nhà nước lại cho tôi qua Nga học đạo diễn sân khấu. Học xong, trở về nước năm 1990, trường giao nhiệm vụ làm giảng viên. Vì thế tôi gắn bó với công việc giảng dạy 26 năm qua.
Công Ninh đến với nghề giáo tình cờ. Đam mê lớn nhất của anh là làm diễn viên. |
Theo anh, giảng dạy nghệ thuật khác với những nghề giảng dạy khác thế nào?
Nghề này có điều đặc biệt là hướng dẫn tâm hồn của con người. Nó phức tạp và siêu hình hơn vì vậy đòi hỏi người dạy và người học phải có tâm hồn. Người thầy cũng phải nắm tâm lý của từng em để có sự truyền tải phù hợp.
Quan điểm của tôi khi dạy học trò là dạy theo phương pháp mở, để các em tự do sáng tạo. Tôi chỉ áp đặt phương pháp, còn sáng tạo thế nào học trò tư duy. Nghệ thuật thuộc về khái niệm trừu tượng nên không thể áp đặt suy nghĩ của mình cho các em.
Tôi nhận thấy phương pháp này phù hợp và đem lại hiệu quả. Từ phương pháp dạy học mở, tôi lại được học hỏi từ các em.
Học trò ở thế hệ khác, có tư duy, cảm xúc và suy nghĩ khác mình nên sự sáng tạo cũng khác. Chính lúc các em trả bài là lúc tôi học hỏi được tư duy và sự sáng tạo.
Phương pháp này tạo ra sự học qua học lại giữa thầy và trò rất thú vị. Do đó, giờ lên lớp của tôi không bao giờ bị cũ, nhàm chán, lặp lại.
26 năm dạy học, anh ấn tượng về những sinh viên đặc biệt nào?
Đó là các em có tư duy mạnh, sáng tạo trong lúc nhận, trả bài và phát triển nhân vật. Hiện các em đều là những người nổi tiếng trong nghề như Trấn Thành, Ngọc Trinh, Việt Hương, Thái Hòa.
Mỗi lần Thái Hòa trả bài đều cho thấy cảm nhận nhân vật của em rất sâu, vượt qua cả những gợi ý của tôi. Khi ấy Thái Hòa nổi bật với phong thái diễn xuất và cảm nhận nhân vật tốt. Những kỳ thi học kỳ Thái Hòa chinh phục được tất cả thầy cô trong trường.
Với những học trò cá tính, cái tôi lớn thì phương pháp dạy của anh là gì?
Những em đó thường có hai dạng, một là không biết gì nhưng thích thể hiện. Dạng này khó dạy vì không cảm nhận được cái hay cái đẹp của nghệ thuật, dạy kiểu gì cũng không ra nghệ sĩ nổi tiếng được.
Còn dạng thứ hai là rất giỏi, cảm nhận nhanh và tư duy tốt. Trong nghề gọi các em này là ngựa chứng.
Ngựa chứng là ngựa hay nhưng đòi hỏi người thầy phải biết dẫn dắt thì sau này mới thành tài.
Công Ninh và học trò Việt Hương, Trấn Thành khi tham gia game show. |
Trấn Thành có được coi là ngựa chứng không anh?
Có chứ. Trấn Thành là dạng đó. “Chứng” lắm và cũng giỏi lắm. Lần nào trả bài Trấn Thành cũng được khen. Trấn Thành lại hay giúp đỡ bạn bè trong lớp, hay bao biện. Ngoài bài của mình, Thành thường giúp bạn. Ai nhờ cái gì Thành cũng làm, ai nhờ đóng vai gì cũng đóng.
Thâm chí, em ấy còn đứng ra chỉ trỏ cho người ta luôn. Nhưng Thành không hiểu rằng với khả năng của mình thì em dư sức diễn nhưng bạn lại không có tố chất như vậy. Thành ra thay vì giúp bạn thì hóa ra em ấy hại bạn. Tôi hay la Trấn Thành vì chuyện đó.
Học trò thích thể hiện tôi nhắc nhở ngay
Mọi người vẫn nói nghề nhà giáo là nghề đưa đò và bạc bẽo. Còn anh nghĩ gì sau nhiều năm đưa đò?
Thật ra học trò có nhiều tính cách nhưng đa phần đều quý thầy. Tôi chưa gặp trường hợp phản thầy bao giờ mà mỗi em quý mình một kiểu khác nhau.
Ít ra, chúng cũng hiểu thầy giúp chúng có phương tiện hành nghề, kiếm sống.
Vào ngày 20/11, có em nhớ chúc mừng, có em mời đi ăn, có em không quan tâm. Còn tôi bình thản trước mọi việc vì không đặt những chuyện hình thức đó.
Đã khi nào học trò khiến anh buồn, chạnh lòng?
Có những khoảnh khắc học trò khiến tôi đau lòng chứ. Ví dụ, vài em trả lời báo chí khẳng định là tự thân hoàn thiện, nổi tiếng, chinh phục khán giả.
Có thể vì cảm xúc, mục đích nào đó nên các em mới quên đi những người dắt tay mình những bước đi đầu tiên. Mà không sao, chắc trong lòng bạn ấy cũng hiểu được sự thành công của mình là có phần giúp sức của thầy.
Anh không chạnh lòng khi học trò nhận cát-xê cao, được ưu ái hơn mình. |
Đi đóng phim, làm chương trình, cát-xê của học trò nổi tiếng cao hơn, được săn đón hơn thầy, anh cảm thấy thế nào?
Không. Điều này tôi xác định rất rõ, các em đang ở giai đoạn hot, nhiều fan thì nhà sản xuất trả cát-xê cao cũng hợp lý thôi.
Bộ phim được chú ý một phần cũng nhờ các em mà. Còn tôi là diễn viên quá lứa nên được trả cát-xê phù hợp thôi. Điều đó là hợp lý với quy luật. Là thầy giáo ai chẳng vui và hãnh diện khi học trò thành công. Tôi hạnh phúc khi chứng kiến học trò diễn hay, được khán giả thương.
Học trò của anh nhiều người làm đạo diễn phim. Trên trường quay, anh có từng phải khó xử khi vai trò chỉ đạo lại là học trò?
Tôi không ngại, thậm chí còn thú vị khi làm việc với học trò. Học trò làm đạo diễn rất nhiều, họ mời tôi và tất nhiên tôi nhận lời nếu phù hợp.
Đóng phim cho học trò không có vấn đề gì vì nhiệm vụ của là mình làm tròn vai diễn và đáp ứng nhu cầu của đạo diễn. Trên trường quay, mình là diễn viên, họ là đạo diễn, mình phải nghe lời họ chứ.
Bản thân phải xác định rõ ràng mới làm việc được. Nếu họ có giây phút nào ngây ngô quá hoặc xử lý vô lý thì tôi góp ý. Ở góc độ thầy trò nên tôi góp ý không đến nỗi khiến họ giận dỗi.
Gia đình hạnh phúc của Công Ninh. |
Gặp những người thể hiện mình quá, anh xử lý ra sao?
Tôi nhắc nhở luôn chứ. Nhưng tôi không nói thẳng mà nói nửa đùa nửa thật. Đó là nhược điểm của một số đạo diễn chưa chín chắn hay thể hiện mình. Ví dụ, họ la hét trong phim trường, chửi người này người kia. Tôi hay điều chỉnh ngay bằng cách nói với họ như "la chi cho mệt vậy. La như thế lát phân tích nhân vật làm sao được?".
Còn với các em diễn viên, chưa bao giờ các em có hành động khiến mình tủi thân dù chúng nổi tiếng, đình đám. Các em rất tôn trọng thầy. Nói gì thì nói, trong đoàn phim thầy chúng diễn cũng được.
Công Ninh sinh năm 1961, trong một gia đình nghèo. Năm 13 tuổi, anh từng phải nghỉ học, phụ giúp gia đình bằng việc bán trà đá, bánh cam, khoai mì... Nhờ thông minh nên sau một năm nghỉ học, anh vẫn theo kịp bạn bè. Anh từng đỗ á khoa khi thi vào trường Sân khấu - điện ảnh.
Năm 1984 anh sang Nga du học. Năm 1990, anh trở về nước với tấm bằng thạc sĩ nghệ thuật.
Tên tuổi Công Ninh tỏa sáng với vai trò đạo diễn vở kịch Dạ cổ hoài lang vào năm 1994. Vở diễn trở thành hiện tượng của lịch sử kịch nói Việt Nam với hơn 1.000 suất diễn. Anh đoạt giải đạo diễn xuất sắc trong liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.
Năm 1995, Công Ninh tham gia phim điện ảnh đầu tiên - Ai xuôi vạn lý của Lê Hoàng. Từ đây sự nghiệp của anh bắt đầu khởi sắc.
Ở tuổi ngoài 50, Công Ninh mới tìm được người bạn đời là diễn viên trẻ Tuyết Vân, kém anh 22 tuổi.
Theo Zing