Hope - Tác phẩm điện ảnh tái dựng vụ án ấu dâm gây phẫn nộ nước Hàn

Thứ ba, 27/12/2016, 13:24
Nếu xem tội phạm là ung nhọt của xã hội thì những vụ án ấu dâm chính là vết lở loét đến mức khó mà chữa lành. Năm 2013, nền điện ảnh Hàn Quốc đau lòng chào đón một tác phẩm giàu lòng dũng cảm và đậm chất nhân văn mang tên Hope (Hy Vọng).

Không quảng bá rầm rộ, không chiêu trò truyền thông, cũng không sở hữu dàn diễn viên quá nổi bật, Hope (Hy Vọng) dùng chính nội lực của cốt truyện những nạn nhân trẻ em bị bạo hành tình dục và sự đồng cảm giữa người với người để đường hoàng nhận lấy danh hiệu Phim điện ảnh hay nhất, Kịch bản hay nhất và Diễn viên phụ xuất sắc nhất tại giải thưởng Rồng Xanh danh giá lần thứ 34 của người Hàn Quốc. Phim gây chấn động công chúng Hàn và thu hút dư luận vì cốt truyện được tái dựng từ một vụ án có thật và từng là nỗi nhục của xứ sở Kim Chi.

Dựa trên một vụ án hình sự có thật gây rúng động ở Hàn Quốc năm 2008 (vụ án Nayoung), Hope lột tả diễn biến gây phẫn nộ và quá trình phục hồi sau chấn thương bị lạm dụng tình dục của bé gái tám tuổi tên So Won (Lee Re). Trên đường đi bộ đến trường một mình, So Won gặp phải một kẻ say rượu và bị ông ta cưỡng hiếp, bạo hành tình dục rồi bỏ mặc lại với nỗi đau vượt khỏi khuôn khổ những tổn thương thể xác.

Đến khi được phát hiện và cứu chữa, bé gái phải mang theo di chứng cả đời về cả tâm lý và thể chất. Đến mức cô bé thậm chí còn sợ hãi cả chính người bố của mình. So Won trở nên hoảng loạn mỗi khi bố mình bước đến gần. Bố mẹ So Won đã vô cùng đau đớn trong quá trình cùng con gái chữa lành những tổn thương nặng nề chỉ xảy ra tích tắc bởi một tên khốn say rượu.

Bé gái Sowon trong một buổi sáng mưa rào đã trở thành nạn nhân của vụ án ấu dâm chấn động Hàn Quốc

Còn gã đàn ông gây nên tội ác, chỉ với một câu nói "Tôi không nhớ gì cả", ông ta nhận hình phạt 12 năm tù. Phiên xét xử này khiến cả nước Hàn dậy sóng vì cho rằng bản án quá nhẹ đối với một tội ác tày trời đến thế. Luật pháp trong một số trường hợp không thể bảo vệ con người tuyệt đối, vậy chúng ta phải làm sao để tự bảo vệ mình và những người thân yêu nhất?

Gia đình nhỏ này phút chốc rơi vào cơn ác mộng kinh hoàng nhất

Hope được trang IMDb chấm 8,2/10 điểm, nhận được tổng cộng 11 giải thưởng chuyên môn ở các liên hoan phim trong lãnh thổ Hàn Quốc và các nước châu Á khác, thu về 2,7 triệu lượt xem trong thời gian công chiếu tại nước nhà và nhận được cơn mưa lời khen từ giới phê bình quốc tế.

Nhà phê bình Christopher Bourne đã viết về bộ phim trên trang Screenanarchy như sau: "Tổ sản xuất đã tận dụng chất liệu hiện thực rùng mình của một vụ án có thật và thẳng thắn nhất có thể, không cần vin vào những thủ thuật tạo cảm xúc thường thấy của nền điện ảnh Hàn Quốc. Vượt lên trên nỗi căm phẫn về tội ác chính là câu chuyện về nỗi đau, sự vực dậy và quan trọng nhất chính là niềm hy vọng. Từng giây phút đều chạm đến đáy lòng con người và khiến bạn không thể nào quên được".

Khi xem Hope, bạn có thể cảm nhận được sự cao tay hơn hẳn so với nỗi bất hạnh được lòng đám đông của Miracle In Cell No.7 và bầu không khí u uất của Silenced. Hope là nơi nỗi ám ảnh được khơi gợi, được đào sâu rồi lại từng chút, từng chút được lấp lại. Nếu nửa đầu bộ phim khán giả có thể thót tim và kinh hãi trước hình ảnh bé gái tám tuổi đầy máu luôn run rẩy và hoảng loạn, thì nửa sau bộ phim chính trái tim người xem sẽ được sưởi ấm và niềm hy vọng nhen nhóm trong từng thớ cảm xúc của bạn mà hình thành.

"Trên thế giới có bao nhiêu đứa trẻ, tại sao điều bất hạnh đó lại ứng với con tôi?" Câu hỏi của người mẹ gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn ấu dâm của xã hội hiện đại

Vết thương và tâm hồn của So Won có được chữa lành hay không, chính khán giả mới là người nhận định. Tuy nhiên, trong phân cảnh cảm động nhất của 123 phút xem phim, khi nhìn thấy So Won cất lên câu hỏi "Có phải bố đó không?", người xem khó mà cầm được nước mắt.

Trong số tất cả những người đàn ông khiến So Won khiếp sợ trên thế giới này, bố của bé là người bị tổn thương nhiều nhất. Giây phút khán giả thật sự phải khóc, thì đó không phải nước mắt vì đau lòng, mà chính là từng giọt hạnh phúc và vui mừng thay cho tình cảm gia đình dần được phục hồi. Ai cũng căm ghét tội phạm ấu dâm, nhưng cái người ta mong muốn nhất chính là nhìn thấy những nạn nhân được phục hồi và lấy lại niềm vui sống.

Người bố vì yêu thương con nên phải hoá trang để ở cạnh bên, may mắn là cô bé sớm nhận ra và xin lỗi bố

Hope sẽ cho người xem một cái nhìn cận cảnh về những nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của nạn ấu dâm trong xã hội thay vì cố ý gây nên những cảm xúc tiêu cực cho khán giả. Ở Hope, người xem còn hiểu được lòng kiên trì của bậc làm cha mẹ cũng như những gắn kết thiêng liêng của tình gia đình.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn