Tại sao ghế Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc “lung lay”?

Thứ sáu, 26/09/2014, 09:52
Các quan chức cấp cao cho biết hiện chưa thể dám chắc khả năng ông Chu Tiểu Xuyên có rời ghế Thống đốc không, vì toàn bộ quyền quyết định hiện đang nằm trong tay ông Tập Cận Bình, Financial Times nhìn nhận.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) - ông Chu Tiểu Xuyên.

Gần đây, giới ngân hàng Trung Quốc truyền nhau tin đồn cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang xem xét bãi chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) của ông Chu Tiểu Xuyên trong bối cảnh cuộc tranh cãi về chính sách giữa các nhà lập pháp nước này đang đến hồi nóng bỏng.

Ông Chu Tiểu Xuyên – người đứng đầu ngân hàng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc – đã gặp phải nhiều tin đồn tương tự trong sự nghiệp.

Vào tháng 2/2013, nhiều đồn đoán cho rằng ông Chu sẽ từ chức sau khi vượt tuổi nghỉ hưu theo quy định của Trung Quốc - 65 tuổi.

Trong những giai đoạn như vậy, gương mặt sáng giá nhất để thay thế ông Chu là ông Quách Thụ Thanh - cựu Giám đốc Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Chứng khoán và hiện là Tỉnh trưởng tỉnh Sơn Đông.

Các quan chức cấp cao cho biết hiện chưa thể dám chắc khả năng ông Chu có rời ghế không, vì toàn bộ quyền quyết định hiện đang nằm trong tay ông Tập Cận Bình. Việc thay đổi nhân sự này dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10 và hiện vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra đối với chức vụ của ông Chu Tiểu Xuyên.

Tuy nhiên, nhiều yếu tố như tốc độ phát triển ì ạch của nền kinh tế và tình trạng rối ren trên thị trường tài chính vẫn có thể khiến ông Tập giữ chân ông Chu nhằm tạo một môi trường ổn định.

Trong vài tháng qua, ông Chu Tiểu Xuyên đã triển khai nhiều thay đổi trên thị trường, bao gồm cả tự do hóa lãi suất. Trong khi đó, các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc ngày càng lo ngại rằng công cuộc cải cách sẽ tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế trong tiến trình đạt tới mục tiêu tăng trưởng 7,5%.

Trong một tuyên bố chính thức, PBoC phủ nhận việc Thống đốc Chu rời ngân hàng, tuy nhiên theo một quan chức trong giới, hai chức vụ đang được ông Chu nắm giữ là Thống đốc PBoC và Bí thư chi bộ Đảng PBoC có thể sẽ được tách riêng giao cho hai người, nhằm giảm thiểu quyền lực của Ngân hàng Trung ương.

Nếu ông Chu vẫn giữ chức Thống đốc, có khả năng ghế Bí thư chi bộ Đảng PBoC sẽ về tay ông Hu Huaibang - Chủ tịch Ngân hàng phát triển Trung Quốc, đồng hương của ông Tập và là cấp dưới trung thành của Chủ tịch Trung Quốc. Ông cũng từng có nhiều năm kinh nghiệm trong PBoC.

Một số ứng cử viên nổi bật khác cho chức vụ Thống đốc bao gồm ông Yi Gang – Phó thống đốc PBoC kiêm Trưởng cơ quan phụ trách ngoại hối của Trung Quốc; và ông Xiao Gang - Chủ tịch Ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc và cũng là một cựu phó thống đốc Ngân hàng Trung ương.

Nếu tin đồn này trở thành hiện thực, câu hỏi lớn còn lại sẽ xoay quanh động cơ của ông Tập khi thay thế người đàn ông vốn điều hành chính sách tiền tệ một cách ổn định trong 12 năm qua.

Một số quan chức cho biết kế hoạch kế nhiệm đã được phác thảo từ tháng Hai năm ngoái, vào thời điểm ông Tập quyết định tiếp tục giữ chân ông Chu để tạo một môi trường ổn định trong giai đoạn chuyển giao và củng cố quyền lực.

Trên thực tế, ông Chu không giữ được vị trí trong Đảng Cộng sản Trung Quốc cuối năm 2012, điều này càng cho thấy có thể ông sẽ không tiếp tục điều hành PBoC dưới cương vị Thống đốc trong toàn bộ nhiệm kỳ 5 năm sắp tới. Việc ông Chu đã vượt quá tuổi nghỉ hưu tại 65 tuổi của Trung Quốc càng làm gia tăng khả năng.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng các tin đồn về “sự hạ cánh” tiềm tàng của ông Chu là tín hiệu của sự chia cắt nội bộ đang ngày càng nới rộng trên con đường cải cách  khó khăn, nhằm lèo lái nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào quỹ đạo phát triển bền vững.

Giới quan chức ngân hàng Trung Quốc đã chia làm hai phe, một bên yêu cầu tăng cường các biện pháp kích thích nhằm tạo đà phát triển, phe còn lại thì ủng hộ đà tăng trưởng giảm tốc để xóa bớt gánh nặng cho các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng đang thổi bùng bong bóng tín dụng. Ông Chu là một quan chức ủng hộ phương án thứ hai.

Tuy nhiên, những nhân vật cấp cao trong Đảng Cộng sản cho biết ông Chu là một trong những cấp dưới trung thành nhất của Chủ tịch Tập và là một nhà tư vấn được tin dùng, nên khả năng ông bị buộc từ nhiệm vì cuộc tranh luận xung quanh chính sách là rất thấp.

Thêm vào đó, cần phải lưu ý chức danh thống đốc Ngân hàng Trung ương không đóng vai trò trọng yếu trong bộ máy nhà nước Trung Quốc, trái ngược với chức danh tương tự tại các nước như Anh hay Mỹ.

PBoC phụ thuộc rất nhiều vào trung ương, hầu hết các chính sách tiền tệ quan trọng điều được quyết định bởi chính phủ hoặc nhóm 25 thành viên Bộ Chính trị. Ông Chu có quyền tư vấn, nhưng không có quyền đưa ra quyết định cuối cùng.

Như lời nhiều nhà quan sát, rất khó để dự đoán các thay đổi về mặt nhân sự trong bộ máy nhà nước Trung Quốc, đến những quan chức cao cấp nhất cũng không dám khẳng định chắc chắn về chiếc ghế của mình.

Theo Bizlive

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích