Thụy Điển hiện là quốc gia ít dùng tiền mặt nhất trên thế giới. Không chỉ những nhà bán lẻ nổi tiếng như Big Issue mà cả người bán báo dạo trên đường phố Stockholm cũng đã trang bị hệ thống chấp nhận thẻ thanh toán tự động thay vì bằng tiền mặt truyền thống.
Những người bán tạp chí rong trên đường phố Thụy Điển cũng đã chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng thay vì tiền mặt. (Ảnh: Business Week) |
Pia Stolt làm ở tạp chí Situation Stockholm, một tạp chí do những người vô gia cư bán trên đường phố thủ đô cho biết: "Ngày càng nhiều người bán hàng phàn nàn với chúng tôi là khách hàng muốn mua một tờ tạp chí nhưng họ không mang theo tiền mặt. Thật là tốt nếu giải quyết được vấn đề này. Vì vậy, họ đã làm việc với công ty thanh toán di động Thụy Điển iZettle để cho ra đời cách bán hàng tự động.
Chúng tôi không biết máy hoạt động như thế nào hay khách hàng miễn cưỡng đưa thông tin thẻ tín dụng của họ cho người vô gia cư như thế nào, những kết quả thật bất ngờ. Doanh thu đã tăng đến 59% sau khi áp dụng phương pháp mơi.”
“Người Thụy Điển rất thật thà, đáng tin tưởng và đó là một phương pháp tuyệt vời. Trong chiến dịch cả xã hội không dùng tiền mặt, người Thụy Điển tỏ ra rất hào hứng và nhanh chóng thích nghi."
Người đã ủng hộ chiến dịch này tích cực nhất là Björn Ulvaeus, cựu thành viên của ban nhạc Abba lừng danh một thời. Sau khi con trai ông là nạn nhân của một vụ cướp, ông trở nên tích cực hơn và cho rằng tiền mặt là nguyên nhân chính tạo ra nhiều tội phạm. Ông còn cho biết: “Mọi hoạt động ngầm trong nền kinh tế đều phải dùng đến tiền mặt”.
Tác giả bài hát “Money, Money, Money” này đã không dùng tiền mặt hơn một năm nay và chỉ có một vấn đề xảy ra đó là “không có đồng xu để mua đồ ở siêu thị”. Từ tháng 5 năm 2013, bảo tàng về ban nhạc Abba ở Stockholm đã bắt đầu áp dụng chiến dịch không dùng tiền mặt. Ulvaeus nói rằng: "Có thể Thụy Điển là nước đầu tiên trên thế giới không dùng tiền mặt”.
Phó giáo sư về công nghiệp hiện đại Niklas Arvidsson của Viện kỹ thuật hoàng gia Thụy Điển cho biết: "Hiện nay, ở Thụy Điển, cứ 5 giao dịch thì có đến 4 giao dịch được thực hiện qua thẻ. Trong những năm 90, ngân hàng và các thương gia là hai đối tượng sử dụng thẻ thanh toán nhiều nhất. Nhưng đến nay, nó đã trở nên phổ biến và đã được nhiều người tiêu dùng sử dụng”.
Ở London, người đi xe bus mới chỉ áp dụng hình thức không dùng tiền mặt vào năm nay. Nhưng ở Stockholm, đã vài năm nay đi xe bus không dùng vé giấy kể từ khi công đoàn giao thông công cộng tuyên bố rằng xử lý tiền mặt là một vấn đề liên quan đến môi trường.
Phó giáo sư Niklas Arvidsson cho biết thêm: "Nhiều vụ những người lái xe bus bị tấn công có liên quan đến vé xe và ở Stockholm đã cấm sử dụng tiền mặt ở phương tiện giao thông công cộng. Cách đây 4 năm, do có một loạt các vụ cướp ngân hàng nghiêm trọng xảy ra nên nhiều ngân hàng đã không còn mặn mà với việc dùng tiền mặt trong các giao dịch nữa. Đến nay, năm trong sáu ngân hàng lớn ở Thụy Điển, trừ Handelsbanken đã không dùng tiền ở bất cứ hoạt động nào có thể. Theo Hiệp hội nhân viên ngân hàng Thụy Điển, riêng lĩnh vực tài chính đã trở nên hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí hơn và giảm hẳn các vụ cướp có dùng vũ khí trong suốt 30 năm qua".
“Lòng tin của người dân với Chính phủ và ngân hàng sẽ tăng lên. Tham nhũng giảm. Chúng tôi vẫn sẽ cảm thấy an toàn dù không sở hữu nhiều tiền mặt trong tay”, ông Niklas Arvidsson nói.
Hướng tới một xã hội không tiền mặt nằm trong dự án Better Than Cash Alliance của Quỹ phát triển vốn của Liên Hợp Quốc (UNCDF) với mục tiêu giúp đỡ các nước chuyển đổi sang phương pháp thanh toán điện tử qua thẻ Visa và Master, do hai vợ chồng tỉ phú Bill Gates đầu tư.
Nhưng khác với các nước khác, Thụy Điển hành động xuất phát từ mong muốn và đam mê theo đuổi xã hội hiện đại, thân thiện.
Ông Bengt Nilervall của Hiệp hội thương mại Thụy Điển cho biết: “Chúng tôi đang dẫn đầu trào lưu thanh toán không dùng tiền mặt trên thế giới. Xu hướng mới tiết kiệm hơn và an toàn hơn vì việc in và vận chuyển tiền mặt khá tốn kém.
Công nghệ thanh toán thẻ cung cấp nhiều biện pháp an ninh an toàn cho người dân, giúp tiền của người dân được bảo vệ kỹ hơn. Thụy Điển tự tin sẵn sàng với việc chuyển đối theo xu hướng mới này”.
Stockholm đã cấm sử dụng tiền mặt ở phương tiện giao thông công cộng. |
Tuy nhiên, Thụy Điển vẫn phải cân nhắc để giúp tận 1,8 triệu người về hưu trong tổng 10 triệu dân sẽ thích ứng với xu hướng mới này như thế nào.
Ông Johanna Hållén thuộc Tổ chức người về hưu quốc gia cho biết: "Chỉ 50% thành viên trong tổ chức sử dụng thẻ thanh toán và 7% chưa bao giờ dùng đến thẻ. Do vậy, chúng tôi muốn Chính phủ cân nhắc, thực hiện phương pháp mới này một cách từ từ”.
Cuộc cách mạng kỹ thuật số trong thanh toán cũng là một thử thách với khách du lịch đến với Thụy Điển. Họ sẽ phải trả tiền vé xe bus trước và đăng ký điện thoại trước khi vào đất nước này. Trong mùa lễ hội mùa hè năm nay ở Thụy Điển, rất nhiều người gặp phải sự hỗn loạn nhưng không đáng kể khi mà hệ thống thanh toán bị hỏng và phải dùng lại biện pháp cũ là ghi nợ IOU.
Một chuyên gia an ninh tư nhân, Björn Ericsson lo ngại gian lận vẫn có thể xảy ra. Ông cho biết: "Theo số liệu từ Hội đồng Quốc gia Thụy Điển về phòng chống tội phạm, gian lận đã tăng gấp đôi trong suốt thập kỷ qua.
Sau vụ việc Snowden tiết lộ thông tin mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA), Björn Ericsson vẫn tin tưởng: "Phần lớn thông tin của Thụy Điển vẫn nằm trên hệ thống. Tôi không còn nghe bất kỳ ai nói về Snowden và những vụ việc liên quan đến NSA nữa”.
Arvidsson cho hay: ”Kết quả từ một khảo sát tôi mới thực hiện cho thấy khoảng hai phần ba người dân Thụy Điển nghĩ rằng mang theo tiền mặt là quyền của con người. Chúng tôi vẫn có loại tiền riêng của đất nước mình và đó phù hợp với bản sắc của người Thụy Điển. Thậm chí, chúng tôi đang phát hành tờ giấy bạc mới vào năm 2015. Do đó, với người dân dù không cần dùng tiền mặt thì họ biết rằng tiền giấy vẫn tồn tại song song với các loại thẻ.”
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Guardian, một nhật báo lớn được phát hành hàng ngày ở Vương quốc Anh.
Theo Infonet