Nhân viên trạm KDĐV Thủ Đức đang đưa phế phẩm gia súc đi tiêu hủy |
Càng về cuối năm, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm càng “nóng” hơn bao giờ hết. Để ngăn chặn thịt bẩn được “hô biến” thành đặc sản lên bàn nhậu, những nhân viên các trạm kiểm dịch động vật (KDĐV) đóng vai trò như những “lá chắn” đầu tiên đánh chặn, tịch thu phế phẩm.
Việc phải thức thâu đêm, mò mẫm trong bóng tối mật phục bắt thịt bẩn đối với nhân viên Trạm KDĐV Thủ Đức đã quá quen thuộc. Phát hiện được xe chở phế phẩm đã khó nhưng việc chặn bắt các xe này còn gian nan hơn.
“Lực lượng của trạm rất mỏng, không được huấn luyện và trang bị công cụ hỗ trợ nên mỗi lần muốn bắt các xe nghi vấn phải phối hợp với CSGT, không ít lần chúng tôi phải bỏ cuộc vì không thể truy đuổi theo những chiếc xe chở hàng lao vun vút trong đêm. Có lúc gặp phải các đối tượng côn đồ, anh em cũng phải khéo léo xử lý kiểu "câu giờ" để chờ lực lượng hỗ trợ đến” – Một nhân viên Trạm KDĐV Thủ Đức chia sẻ.
Đóng vai trò là “lá chắn” ở cửa ngõ phía Đông của thành phố, Trạm KDĐV Thủ Đức luôn là nỗi ám ảnh của các đầu nậu buôn bán thịt bẩn. Trong những năm qua, người mà dân buôn lậu phế phẩm gia súc luôn coi là “cái gai” trong mắt chính là bà Đặng Thị Tuyết, nguyên Trạm trưởng Trạm KDĐV Thủ Đức.
Dù là phụ nữ nhưng không biết bao nhiêu lần bà Tuyết một mình chạy xe máy bám theo xe chở gia súc cố tình vượt qua “cửa ải” do bà chốt chặn. Vừa bám theo xe vi phạm, bà Tuyết vừa thông báo nhờ sự hỗ trợ của CSGT đang làm nhiệm vụ trên đường để chặn bắt xe chở gia súc đưa về trạm xử lý.
Nguyên Trạm trưởng trạm KDĐV Thủ Đức Đặng Thị Tuyết một thời là "khắc tinh" của các đầu nậu buôn bán thịt bẩn |
Trạm KDĐV Thủ Đức chỉ có chừng chục nhân viên. “Lá chắn” mỏng manh này không thể kiểm soát được hết lượng phụ phẩm, gia súc khổng lồ được chuyển từ các tỉnh thành khác đến TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Trong khi các đầu nậu ngày càng tinh vi, dùng đủ mọi phương thức để đạt được mục đích, mua chuộc nhân viên kiểm dịch nếu bị từ chối sẽ chuyển ngay sang hăm dọa, trả thù.
Trạm thú y huyện Bình Chánh cũng được xem là “điểm nóng” về thực phẩm bẩn. Chứng kiến cảnh nhân viên của Trạm đi kiểm tra việc buôn bán gia cầm trái phép trên địa mới thấy lắm cảnh bi hài, gian nan.
Trong lần Đoàn kiểm tra ghé vào là chợ Phong Phú (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh), khi vừa thấy bóng dáng cơ quan chức năng ở đầu chợ, nhiều người hô hoán cảnh báo cho những người buôn bán gia cầm phía trong chợ tẩu tán thịt bẩn. Thậm chí, nhân viên Thú y đến tận nơi, gõ cửa và nhờ Công an địa phương đến nhưng những người trong nhà vẫn cố thủ không ra.
Các trạm kiểm dịch được xem như "lá chắn" đầu tiên trong việc đánh ngăn chặn thịt bẩn tuồn vào thành phố |
“Người trực tiếp buôn bán họ dùng nhiều thủ đoạn để chống đối với chúng tôi. Khi bị kiểm tra, thu giữ hàng thì họ hô hào, kéo nhiều người trong gia đình ra quây và gây sức ép với đoàn kiểm tra. Nếu làm căng thì sẽ xảy ra xô xát nên chúng tôi phải báo lại công an để họ cùng vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, đến lúc đầy đủ lực lượng thì họ đã tẩu tán hết hàng” – Một nhân viên Trạm thú y huyện Bình Chánh kể.
Từ câu chuyện ghi nhận tại một số trạm KDĐV và trạm thú y cho thấy, những “lá chắn” chống phế phẩm, gia súc lậu đang rất mong manh trước sức tấn công ồ ạt của thịt bẩn. Về cuối năm, cuộc chiến này càng trở nên căng thẳng, cam go.
Lãnh đạo Trạm thú y huyện Bình Chánh cho rằng, việc xử lý hiện nay vẫn là tịch thu tiêu hủy tang vật và xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe. Để chấn chỉnh trong thời gian tới, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở. Nên có đầy đủ lực lượng chức năng, nhất là có công an thì người vi phạm mới chấp hành. Thực tế nhiều lần, nhân viên kiểm dịch đến kiểm tra, thu giữ thịt gia súc vi phạm đã gặp phải sự chống trả quyết liệt của các đối tượng manh động.
Một nhân viên thú y (đội mũ bảo hiểm trắng) bị các đối tượng côn đồ tấn công khi kiểm tra xe khách chở động vật hoang dã - |
Ông Phạm Ngọc Chí, Trưởng trạm Kiểm dịch động vật quận Thủ Đức khuyến cáo: “Để góp phần ngăn chặn những tay kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không an toàn, đề nghị người dân nên mua thực phẩm đã qua kiểm dịch, có dấu kiểm dịch đóng trên sản phẩm. Đây cũng là một thói quen tốt nhằm bảo vệ sức khỏe cho người thân và gia đình. Đồng thời góp phần đầy lùi tình trạng buôn bán hàng gia súc, gia cầm không có chất lượng, hàng trôi nổi chưa kiểm dịch”.
Theo Dân Trí