Nhiều năm qua, chất lượng và thương hiệu gạo Việt Nam đã được cải thiện nhưng vẫn chỉ tiêu thụ ở Trung Quốc, ASEAN mà chưa thế xâm nhập thị trường EU. |
Thị trường EU: muốn nhưng không dễ
Mới đây, trong hội nghị với các tham tán thương mại do Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM, nhiều giám đốc doanh nghiệp gạo cho biết họ có thể liên kết với nông dân, hợp tác xã để sản xuất gạo có chất lượng, có thể tìm cách xây dựng thương hiệu gạo nhưng bán gạo cho ai là một chuyện khác.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong số 8 triệu tấn gạo mà Việt Nam xuất khẩu (chính ngạch và tiểu ngạch) hằng năm, thị trường nhập khẩu nhiều nhất vẫn là Trung Quốc. tiếp đến là những thị trường khu vực ASEAN như Philippines, Indonesia, Malaysia. Xa hơn là các thị trường châu Phi, Nam Mỹ... Tất cả đều là những thị trường tương đối "dễ tính", đòi hỏi chất lượng sản phẩm không cao. Còn những thị trường như EU, Mỹ, gạo Việt Nam gần như khó xâm nhập.
Trong khi đó, doanh nghiệp Campuchia xuất khẩu gạo sang châu Âu không gặp trở ngại gì; thậm chí EU là thị trường tiêu thụ số lượng lớn gạo xuất khẩu của quốc gia này. Vậy tại sao Campuchia làm được điều này trong khi nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới như Việt Nam lại "gặp khó"?
Gạo Campuchia tốt hơn gạo Việt?
Theo Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, gạo của Campuchia xuất khẩu mạnh vào châu Âu không phải do chất lượng hay thương hiệu gạo nước này mà nhờ sự hậu thuẫn của chính sách.
Cụ thể, theo thỏa thuận sáng kiến thương mại EBA (Everything But Arms - Mọi thứ trừ vũ khí) mà Liên minh châu Âu dành cho những nước nghèo như Campuchia, tất cả hàng hóa xuất sang thị trường này, trừ vũ khí, đều được hưởng thuế suất 0%. Từ năm 2010, Campuchia đã tận dụng lợi thế này để xuất khẩu gạo sang EU.
Theo một báo cáo dày 40 trang với tiêu đề "Gạo Campuchia –Tiềm năng và chiến lược", từ năm 2013, mỗi năm Campuchia xuất khẩu 400.000 tấn gạo, trong đó 62% là qua thị trường EU.
Ông Nguyễn Bảo, Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho biết, hiện Campuchia đang cần 300 triệu đô la Mỹ đầu tư vào nông nghiệp và đây là cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đầu tư, và từ thị trường này sẽ tiếp cận thị trường EU dễ dàng hơn.
Theo thông tin mà PV có được, hiện có một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam đang tìm hiểu các thủ tục đầu tư để sản xuất, kinh doanh gạo tại Campuchia. Có hai hướng mà doanh nghiệp gạo Việt Nam đang cân nhắc là mở các nhà máy xay xát, chế biến gạo xuất khẩu, hoặc đầu tư vào khâu sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn mà Việt Nam đang áp dụng.
Phía doanh nghiệp cho biết, việc đầu tư vào lĩnh vực lúa gạo của Campuchia tuy là một bước đi vòng nhưng đảm bảo chắc chắn về đầu ra.
“Với thực tế lâu nay, doanh nghiệp gạo Việt Nam tiếp cận thị trường EU một cách trực tiếp luôn gặp những trở ngại ngoài khả năng, nhưng nếu chuyển hướng đầu tư sang Campuchia sẽ dễ dàng hơn vì bên mua là châu Âu hiển nhiên là đã chấp nhận bên bán rồi”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết.
Theo TB KTSG