Lọc dầu Dung Quất kêu cứu, Bộ Tài chính cân nhắc 'gỡ khó'

Thứ hai, 14/03/2016, 09:25
Việc đề xuất của Bình Sơn, theo Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn là hoàn toàn cần thiết và hợp lý, đảm bảo các nguyên tắc bình đẳng giữa các sản phẩm trong nước và nhập khẩu.

Theo Thứ trưởng Tuấn, bắt đầu từ năm 2016, nhất là khi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực, mặt hàng xăng từ mức thuế suất 20% xuống 10% tạo nên sự chênh lệch lớn giữa thuế suất thuế nhập khẩu theo mức thông thường và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo mức ưu đãi đặc biệt của các Hiệp định FTA.

“Do vậy, việc đề xuất của Bình Sơn (đơn vị quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất - PV) chúng tôi thấy hoàn toàn cần thiết và hợp lý, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các sản phẩm từ cơ sở sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu”, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng, điều này cũng đảm bảo được mức bảo hộ hợp lý theo đúng các cam kết quốc tế khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại.

“Quan điểm của chúng tôi cho rằng, việc thực hiện các chính sách vừa qua đối với Bình Sơn hoàn toàn không phải ưu đãi mà là nghĩa vụ của Bình Sơn đối với ngân sách nhà nước. Do vậy để thực hiện nghĩa vụ này thì nhà sản xuất trong nước phải được bình đẳng với nhà nhập khẩu từ Hàn Quốc”, Thứ trưởng Tuấn khẳng định.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Trước câu hỏi cho rằng, dưới góc độ bình đẳng của thị trường tại sao chúng ta không đề cập đến câu chuyện nếu như nơi nào giá rẻ người tiêu dùng, doanh nghiệp đầu mối được phép mua sản phẩm tại nơi đó thay vì do Bình Sơn là doanh nghiệp trong nước nên phải hỗ trợ mua sản phẩm của doanh nghiệp này, Thứ trưởng Tuấn cho biết, vấn đề bình đẳng không phải do Bình Sơn quan trọng mà sự bình đẳng được đề cập đến là sự bình đẳng chung của tất cả các sản phẩm hàng hoá trong đó có sản phẩm xăng dầu do Bình Sơn sản xuất.

“Có nghĩa các sản phẩm trong nước cũng phải được đối xử bình đẳng như sản phẩm được nhập khẩu”, Thứ trưởng giải thích thêm.

Thứ trưởng Tuấn cũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ sửa cơ chế tài chính phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay và đảm bảo bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.

Đề xuất chỉnh sửa theo hướng doanh nghiệp Bình Sơn thực hiện nghĩa vụ thuế hoàn toàn theo các Luật thuế, theo quy định của nhà nước hiện nay và bỏ cơ chế nếu thuế nhập khẩu hạ xuống dưới mức 7% thì nhà nước bù.

Trước đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã liên tục gửi 2 công văn tới Văn phòng Chính phủ, Liên Bộ Công Thương - Tài chính để “kêu” khó cho hoạt động của nhà máy lọc dầu Dung Quất do tác động của giá dầu và cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định thương mại với Hàn Quốc, ASEAN khiến thuế nhập khẩu xăng, dầu chênh lệch ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của sản phẩm nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Theo PVN, mặc dù Công ty Bình Sơn đã đàm phán, thuyết phục khách hàng và cũng đã giảm giá bán để bù đắp một phần chênh lệch thuế nhập khẩu, song mức giá bán đối với dầu diesel và Jet-A1 của Dung Quất vẫn không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp đầu mối lớn chỉ ký hợp đồng với thời hạn 2-3 tháng đầu năm 2016 và giảm khối lượng mua để “chờ đợi” phương án giảm thuế của Chính phủ, Bộ Tài chính.

PVN cho rằng, đây là những rủi ro tiềm ẩn lớn đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong việc lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch mua dầu thô, xây dựng phương án tiêu thụ sản phẩm cũng như mục tiêu đảm bảo an toàn vận hành. Thậm chí, nếu mặt hàng diesel không tiêu thụ được thì Dung Quất sẽ không thể duy trì công suất ổn định, bắt buộc phải giảm công suất hoặc tạm dừng hoạt động.

Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét đưa ra những giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho Dung Quất.

Theo Bizlive

Các tin cũ hơn