Trong cuộc họp báo quý của Bộ Tài chính diễn ra ngày 31/3, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Bộ đang chỉ đạo các đơn vị rà soát và sẽ thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về vấn đề chênh lệch thuế nhập khẩu.
Theo Thứ trưởng Mai, việc kiểm tra doanh nghiệp nào, kết quả ra sao vẫn còn phải chờ những thông tin, kế hoạch cụ thể hơn.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, doanh nghiệp không có động cơ lợi dụng để thu lợi từ khoản chênh lệch thuế này. "Khi doanh nghiệp xuất trình được C/O (giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm), chứng minh được việc hưởng thuế theo FTA đã ký kết thì cơ quan hải quan sẽ theo quy định hoàn thuế".
Các doanh nghiệp xăng dầu sẽ sớm được thanh tra về việc tuân thủ quy định thuế. Ảnh:Lê Quân. |
Theo Bộ, việc thanh tra kiểm tra các doanh nghiệp xăng dầu cũng là việc làm thường xuyên hàng năm. Đây là mặt hàng năng lượng có vai trò hết sức quan trọng, là đầu vào của sản xuất kinh doanh, cũng là tác động đến tiêu dùng của người dân nên để minh bạch, Bộ vẫn thanh tra hàng năm.
"Cùng lúc có việc chênh lệch thuế 3.500 tỷ đồng này thì việc rà soát, xem xét cẩn thận càng cần thiết. Việc thanh tra sẽ tập trung vào chấp hành pháp luật tài chính và thuế, rà soát cụ thể trên cơ sở quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp trong ngành", đại diện Bộ nhấn mạnh.
Trước đó, trong báo cáo của mình, Bộ Tài chính cho biết đã hoàn số thuế nhập khẩu lên tới 3.500 tỷ đồng với các doanh nghiệp xăng dầu. Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp được hoàn thuế, người tiêu dùng lại phải mức giá bán lẻ cao, do biểu thuế để tính giá cơ sở hiện cao hơn so với thuế thực tế.
Bộ Công Thương sau đó cho biết đã áp dụng đúng quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, và thừa nhận sự chậm trễ thay đổi của quy định này đã tạo ra chênh lệch, và sẽ sớm có sự điều chỉnh.
Bộ Tài chính thì cho rằng Bộ Công Thương là cơ quan có trách nhiệm chính trong việc chủ trì và quyết định việc đề xuất điều chỉnh biểu thuế. Không lâu sau, Bộ Công Thương có văn bản chỉ rõ Bộ đã thực hiện đúng chức năng, và vấn đề này phải được cả 2 Bộ phối hợp thực hiện, chứ không thuộc về trách nhiệm của một bên nào.
Trong khi đó, các chuyên gia đều cho rằng, thay vì đổ lỗi cho nhau, hai Bộ cần làm rõ số tiền hoàn thuế 3.500 tỷ đồng có đúng luật, và có nên trả lại cho người tiêu dùng hay không.
Theo Zing