Nghịch lý Vietcombank: Càng giàu, càng thêm... lo!

Thứ tư, 13/07/2016, 10:15
Với tất cả doanh nghiệp, không thể không ăn mừng khi tài sản tăng khủng nhưng vì sao Vietcombank lại lo lắng?.

Nằm trong nhóm “tứ đại gia ngân hàng”, ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) có tốc độ tăng trưởng rất tốt theo năm, nhưng 2016 mới là năm đáng nhớ của Vietcombank khi lợi nhuận của ngân hàng này hứa hẹn tăng đột biến.

Lợi nhuận của Vietcombank tăng đột biến đồng nghĩa với việc giá cổ phiếu VCB sẽ có nhiều bứt phá,  từ đó mang lại lợi nhuận cho cổ đông và giúp vốn hóa thị trường của ngân hàng bước lên tầm cao mới.

Tuy nhiên, lãnh đạo Vietcombank nhiều khả năng sẽ đau đầu vì giá cổ phiếu VCB. Giá VCB quá cao khiến việc chọn cổ đông chiến lược trở nên khó khăn.

Tài sản tăng khủng

Trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam, VCB là cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất. Thời gian qua, cổ phiếu này có nhiều đóng góp vào đà đi lên của chỉ số VN-Index. Nghĩa là xét ở góc độ nào đó, VCB nằm trong Top các cổ phiếu dẫn dắt thị trường.

vietcombank
Đang giàu lên nhưng Vietcombank phải đối mặt với nỗi lo cổ đông chiến lược

Từ đầu tháng 7 tới 8/7, thị trường chứng khoán mới trải qua 6 phiên giao dịch nhưng VCB đã tăng 3.500 đồng/CP lên 51.000 đồng/CP. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Vietcombank tăng 9.328 tỷ đồng lên 135.916 tỷ đồng. Vietcombank nằm trong Top các doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Giá VCB được kỳ vọng sẽ có nhiều bứt phá sau khi ngân hàng này công bố kết quả kinh doanh quý 2/2016 với nhiều chỉ tiêu tăng mạnh.

Cụ thể,  trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 4.193 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ, đạt 52% kế hoạch năm 2016. Có được kết quả này là nhờ các hoạt động của Vietcombank đều tăng trưởng tốt.

Cụ thể, tính đến 30/6/2016, huy động vốn của Vietcombank đạt 535.203 tỷ đồng, tăng 6,72% so với 2015; tín dụng đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 4 năm trở lại đây khi dư nợ tín dụng đạt 437.580 tỷ đồng, tăng 10,76% so với cuối năm 2015.

Tăng trưởng tín dụng tăng trong bối cảnh chất lượng tín dụng được kiểm soát. Thu hồi nợ ngoại bảng đạt kết quả khả quan, tổng dư nợ xấu được xử lý là 2.411 tỷ đồng.

Trong các quý tiếp theo, tình hình được hứa hẹn sẽ có nhiều khả quan. Theo nguồn tin riêng của phóng viên, lợi nhuận cả năm 2016 của Vietcombank có thể đạt 7.200 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2015.

Khó tìm cổ đông chiến lược

Với các số liệu lạc quan kể trên, chắc chắn cổ đông Vietcombank sẽ hài lòng vì VCB hứa hẹn sẽ là cổ phiếu có khả năng mang lại tỷ suất lợi nhuận cao trong quá khứ cũng như trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, lãnh đạo Vietcombank lại có lý do để lo lắng vì 2016 là năm Vietcombank lên kế hoạch hoàn tất phát hành cho cổ đông chiến lược.

Mizuho-Financial-Group

Liệu Mizuho có sẵn sàng trả giá cao để tăng tỷ lệ sở hữu tại Vietcombank?

Cụ thể, Vietcombank đã thuê 1 công ty tư vấn trên thị trường quốc tế để tìm kiếm đối tác tiềm năng. Vietcombank cho biết hiện tại đã có một số cổ đông đáp ứng được yêu cầu và có ý định tham gia mua cổ phần.

Yêu cầu mà Vietcombank đặt ra cho nhà đầu tư chiến lược phải có tiềm lực tài chính mạnh, uy tín và phải hỗ trợ hoạt động của Vietcombank.

Vietcombank đã có kinh nghiệm trong việc tìm kiếm cổ đông chiến lược vì ngân hàng này đã gắn bó với Ngân hàng TNHH Mizuho (MHCB) của Nhật Bản trong suốt 5 năm qua.

Ngày 30/9/2011, MHCB và Vietcombank đã trở thành “người một nhà” khi hai ngân hàng ký thỏa thuận cổ đông chiến lược. Theo đó, Vietcombank bán 15% vốn tính trên số cổ phiếu đã phát hành đang lưu hành cho MHCB để tăng vốn 11.800 tỷ đồng (tương đương 567,3 triệu USD).

MHCB đăng ký mua 347,6 triệu cổ phiếu phổ thông mới của Vietcombank với giá 34.000 đồng/CP và chỉ định một đại diện giữ vị trí thành viên Hội đồng quản trị của Vietcombank.

Sau 5 năm MHCB trở thành cổ đông chiến lược của Vietcombank, giá VCB đã tăng 17.000 đồng/CP, tương ứng 50% so với giá mua vào. Như vậy, khoản đầu tư của MHCB vào Vietcombank tăng 5.900 tỷ đồng.

Đó còn chưa kể lợi ích mà MHCB nhận được từ Vietcombank nhờ cổ tức. Trong 5 năm, Vietcombank chi trả 56% bằng tiền mặt và 15% cổ phiếu thưởng (trong năm 2013).

Với những lợi ích lớn đó, khả năng MHCB muốn gia tăng tỷ lệ vốn tại Vietcombank là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, theo một chuyên gia tài chính, với mức giá cao ngất ngưởng như hiện tại của cổ phiếu VCB, nhà đầu tư không dễ dàng đưa ra quyết định trở thành cô đông chiến lược của Vietcombank.

Có lẽ đó là lý do tại thời điểm Vietcombank tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016, MHCB chưa có văn bản chính thức gửi tới Vietcombank. Tuy nhiên, lãnh đạo Vietcombank cho biết với những kết quả Vietcombank đạt được đến nay thì MHCB đã trình Công ty mẹ để giữ tỷ lệ thấp nhất sau phát hành riêng lẻ là 15%. Mizuho có tham gia nhưng có thể không mua hết 10%.

Theo VTC News

Các tin cũ hơn