Bỏ bánh ngọt, Kinh Đô bán bánh bao

Thứ năm, 18/08/2016, 08:47
Kem và bánh bao được xếp vào ngành chủ lực của Kido. Trước đó, doanh nghiệp gốc bánh kẹo này tuyên bố đầu tư mạnh vào dầu ăn.

Trao đổi với báo chí ngày 17/8, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Kido, ông Trần Lệ Nguyên cho biết, Kido đã bắt đầu mở rộng sản xuất mảng bánh bao từ cuối năm 2015. Đến nay, công suất bánh bao của công ty đã đạt trung bình 120.000 cái/ngày.

Như vậy sau mì gói, dầu ăn, doanh nghiệp này lại tiến thêm một bước lớn vào thị trường thực phẩm thiết yếu khi đầu tư sản xuất bánh bao.

Cùng với kem đang mang lại doanh thu, lợi nhuận lớn, Kido xếp bánh bao vào ngành chủ lực của mình. Dù cho biết bánh bao hiện chưa mang lại lợi nhuận lớn, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định đây là sản phẩm có biên lợi nhuận rất tốt, với khoảng 40%.

Với thế mạnh đã có 60.000 điểm được trang bị tủ kem cùng hệ thống xe vận chuyển trên cả nước, doanh nghiệp này cho biết sẽ phân phối bánh bao theo kem. 60.000 tủ kem này sẽ được bày bán bánh bao cấp đông và hấp lên khi bán cho khách mua.

Từng tuyên bố sẽ đứng top 3 thị trường mì gói, nhưng chỉ sau một năm đầu tư, lãnh đạo Kinh Đô thừa nhận thị trường này không dễ và không còn ưu tiên. Ảnh: BH

"Với 60.000 thùng bán kem, nếu mỗi điểm chỉ bán 10 cái bánh bao trong ngày thì mỗi ngày tôi bán 600.000 cái. Thị trường này rất tiềm năng. Bởi bánh bao không có yếu tố thời vụ. Hiện mỗi ngày chúng tôi làm khoảng 120.000 cái và không đủ bán", ông Trần Lê Nguyên nói.

Từ bỏ mảng bánh kẹo vào cuối năm 2014, Kinh Đô quyết tâm thâm nhập vào thị trường có quy mô lớn gấp 12 lần, là thực phẩm thiết yếu.

Để hiện thực hóa kế hoạch, Kinh Đô đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Kido (KDC) và triển khai chiến lược chiếm lĩnh thị trường dầu ăn, vốn đã có sự góp mặt của rất nhiều ông lớn. Doanh nghiệp này ký kết với nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới đến từ Malaysia thành lập liên doanh sản xuất dầu cọ lớn nhất Việt Nam. Việc hợp tác này được cho là sẽ giúp liên doanh mới chiếm thị phần nhanh và mạnh hơn tại Việt Nam, đặc biệt là lợi thế về giá dầu nguyên liệu nhập khẩu.

Về mì gói, đầu năm 2015, khi công bố tham gia vào thị trường này, ông Trần Lệ Nguyên tự tin cho biết, mục tiêu là đứng ở top 3 thị trường mì gói, với thị phần 10% trong vòng 3 năm tới. Cơ sở để khẳng định sẽ trở thành thương hiệu dẫn đầu là hợp tác với Công ty TNHH Saigon Ve Wong, đơn vị gắn với thương hiệu mì A-One.

Kinh Đô cho rằng, sự kết hợp giữa thế mạnh về sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm của Saigon Vewong, cùng với kinh nghiệm cũng như lợi thế trong phát triển ngành hàng, phân phối, quảng bá sản phẩm của Kinh Đô, sẽ đưa mì gói mang thương hiệu liên doanh này nhanh chóng đứng top đầu thị trường.

Đại diện liên doanh này cho biết, sẽ thâm nhập vào cả 3 phân khúc khách hàng, bao gồm phổ thông, cao cấp và siêu cao cấp, với giá 3.500 đồng, 6.000 đồng và 10.000 đồng một gói.

Ông lớn bánh kẹo cũng tự tin với khả năng tài chính của mình khi bước chân vào lĩnh vực này. Gần 8.000 tỷ đồng thu về từ việc bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại cuối năm 2014, Kinh Đô cho biết trích hơn 300 tỷ đầu tư cho mì gói. Và định hướng sẽ đạt 1.000-2.500 tỷ đồng doanh thu đóng góp từ mảng này, chiếm 25% cơ cấu doanh thu của công ty.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, sản phẩm mì gói của Kinh Đô ở phân khúc bình dân với tên gọi Đại Gia Đình đã không còn phát triển rầm rộ như thời kỳ đầu. Doanh nghiệp này thừa nhận, thị trường mì gói quá "gai" và hiện đã chậm lại, nên dù không rút hẳn nhưng sẽ không tập trung đầu tư để đưa thành sản phẩm thế mạnh.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích