Ông Trịnh Xuân Thanh cũng được cho là có dính líu đến những tiêu cực ở dự án Khu đô thị Thanh Hà trước đây |
Hơn 800 nạn nhân bị lừa đảo
Vụ án lừa đảo này tuy lớn nhưng diễn biến không phức tạp lắm, bởi hành vi lừa đảo trong dự án bất động sản này là khá rõ ràng, hậu quả hơn 400 nạn nhân bị lừa đảo với số tiền hơn 800 tỉ đồng. Những đối tượng lừa đảo này lại lấy hơn 200 tỉ đồng trong số tiền nêu trên để mua toàn bộ cổ phần một dự án bất động sản khác. Trong vụ mua bán cổ phần này lại dẫn đến một số đối tượng bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong đó, ông Trịnh Xuân Thanh bị tố chỉ đạo việc việc “ăn chia” này.
Cuối năm 2009, biết Cty cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 (Cty Cienco5 Land) được thực hiện dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây, các khu đô thị hoàn vốn trong đó có khu đô thị Thanh Hà – Cienco5 ( thuộc tỉnh Hà Tây cũ), lãnh đạo Cty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1.5 (Cty 1.5) đã gặp gỡ để đàm phán hợp tác đầu tư.
Từ kết quả đàm phán, ông Lê Hòa Bình – Chủ tịch HĐQT Cty 1.5 – chỉ đạo Nguyễn Mạnh Cường – Tổng giám đốc Cty 1.5 – ký bản Hợp đồng vay vốn số 01 ngày 19.1.2010 với nội dung: Cty 1.5 cho Cienco5 Land vay 200 tỉ đồng để sử dụng vào mục đích chi phí đầu tư giai đoạn 1 Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây. Còn Cty 1.5 được hưởng quyền ưu tiên hợp tác đầu tư vào khu đô thị Thanh Hà A – Cienco5 do Cienco5 làm chủ đầu tư, Cienco5 Land là doanh nghiệp dự án.
Theo phụ lục số 01của hợp đồng này, sau khi thực hiện hợp đồng vay vốn số 01, Cty 1.5 được ưu tiên thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư trên diện tích khoảng 55.000 m2 thuộc khu đô thị Thanh Hà A – Cienco5. Theo thỏa thuận của 2 bên, bản phụ lục này được được niêm phong, giao cho Cienco5 land cất giữ và nó chỉ có hiệu lực khi Cty 1.5 thực hiện xong hợp đồng vay vốn số 01.
Tuy nhiên, khi chưa thực hiện Hợp đồng vay vốn số 01, Cty 1.5 đã sử dụng hợp đồng này cùng phụ lục số 01 để huy động vốn của dân dưới hình thức “Hợp đồng giao vốn”. Dựa vào “Hợp đồng giao vốn” và các trích lục bản đồ, Cty 1.5 thu của tiền của các cá nhân trị giá 30% giá trị của lô đất mà họ đã chọn. Dù đã bị Cty Cienco5 Land ra thông báo hủy hợp đồng vay vốn vì Cty 1.5 không thực hiện hợp đồng, nhưng Cty 1.5 vẫn huy động vốn của các nhà đầu tư cá nhân.
Phát hiện dấu hiệu lừa đảo, cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án hình sự. Đến lúc này, đã có 429 người bị lừa đảo với tổng số tiền bị chiếm đoạt trên 800 tỉ đồng.
Trong tổng số tiền hơn 800 tỉ đồng nêu trên, lãnh đạo Cty 1.5 đã chi trên 264 tỉ đồng để mua toàn bộ cổ phần của Cty cổ phần dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương (Cty Xuyên Thái Bình Dương) – đơn vị được cấp giấy phép xây dựng Dự án tổ hợp công trình Nam Đàn Plaza trên diện tích 9.584 m2 tại xã Mỹ Đình (nay là đường Phạm Hùng), huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Đây cũng là nguồn cơn của vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với những lời khai về sự “ăn chia” của ông Trịnh Xuân Thanh và các “đệ tử” ruột của ông ta mà chúng tôi muốn đề cập trong loạt bài này.
Ăn chia tới 1/3 giá trị hợp đồng
Cty Xuyên Thái Bình Dương được thành lập năm 2007 gồm 5 cổ đông, trong đó Cty Cổ phần bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP land) là cổ đông lớn nhất, sở hữu 12.120.000 cổ phần (chiếm 50,5%).
Còn Cty PVP land có 4 cổ đông, trong đó, TCty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (TCty PVC) là cổ đông lớn nhất, nắm 14.000.000/ 26.500.000 cổ phần. Với cổ phần chi phối nêu trên, ông Trịnh Xuân Thanh – Tổng Giám đốc TCty PVC - cử ông Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh giữ đại diện quản lý vốn ở Cty PVP land với chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc.
Dự án khu đô thị Thanh Hà đã từng có nhiều vụ bê bối |
Để thực hiện chủ trương mua toàn bộ cổ phần của Cty Xuyên Thái Bình Dương, với sự môi giới của Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, ông Lê Hòa Bình gặp gỡ, đàm phán với Đặng Sỹ Hùng (trưởng phòng Kinh tế kế hoạch, đại diện Cty PVP land ) và đại diện của một số cổ đông. Kết quả, hợp đồng đặt cọc ngày 27.3.2010 được ký kết giữa bên mua do Lê Hòa Bình – Chủ tịch HĐQT Cty 1.5 - làm đại diện với bên bán là 05 cổ đông của Cty Xuyên Thái Bình Dương. Trong 5 cổ đông đó có đại diện của Cty PVP land là Đặng Sĩ Hùng theo ủy quyền của Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Sinh.
Nội dung bản hợp đồng này thể hiện giá thống nhất cho 24 triệu cổ phần (100% cổ phần của cả 5 cổ đông) là 20.756,34 đồng/cổ phần tương đương 52 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza (về sau chúng tôi chỉ đề cập giá đất cho dễ hình dung - pv).
Sau khi ký hợp đồng đặt cọc, đại diện Cty 1.5 ký hợp đồng với từng cổ đông. Điều rất không bình thường là việc 4/5 cổ đông đều ký bán cho Cty 1.5 với đúng giá hợp đồng đặt cọc, riêng với Cty PVP land, Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Sinh ký hợp đồng số 66 thì giá bán chỉ có 34 triệu đồng /m2 (như vậy, giá bán giảm tới hơn 1/3 so với giá chung)!?
Tổng giá trị hợp đồng số 66 (giữa Cienco5 Land và Cty 1.5) trị giá gần 192 tỉ đồng, so với mức giá bán chung (52 triệu đồng/ m2) thì tổng giá trị hợp đồng này bị giảm hơn 87 tỉ đồng. Vậy 87 đồng chênh lệch này đã vào túi những ai? Và những ai có thể nhận được những đồng tiền vênh giá này?
Trong bài sau, chúng tôi đề cập đến những lời khai của các bị can, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc chỉ đạo “ăn chia” của ông Trịnh Xuân Thanh (chủ tịch HĐQT PVC) và Nguyễn Ngọc Sinh (Tổng giám đốc PVP land) trong số tiền 87 tỉ đồng chênh nêu trên. Bởi, nhiều dấu hiệu cho thấy, những vị này là những người “đầu trò” trong vụ ăn chia số tiền nêu trên, nhưng đã né ngoạn mục khỏi vành móng ngựa như thế nào.
Theo Dân Trí