Vị trí của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới đang có nguy cơ tụt lại vì sản lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến nay vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 3 tháng đầu năm 2016, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu có dấu hiệu tốt do thực hiện những hợp đồng đối với Indonesia, Philippines từ năm ngoái. Thế nhưng, lượng gạo xuất khẩu từ quý II năm 2016 lại giảm mạnh mà nguyên nhân chủ yếu là những đơn đặt hàng từ các thị trường chủ lực đang rơi vào bế tắc. Nhiều thị trường chính của Việt Nam như Indonesia, Philippines… đã rút lại kế hoạch nhập khẩu khiến gạo Việt lỡ nhiều hợp đồng lớn.
Xuất khẩu gạo Việt Nam giảm liên tục từ đầu năm 2016. Ảnh: VnEconomy. |
Theo đó, lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm nay khoảng 2,93 triệu tấn và 1,32 tỷ USD, giảm trên 18% về khối lượng và giảm 14% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến tháng 8/2016 thì thị trường xuất khẩu gạo càng trở nên ế ẩm khi Indonesia đã chính thức từ chối nhập gạo từ Việt Nam vì lượng gạo dự trữ tại nước này vẫn còn. Trước đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, Indonesia luôn bất nhất trong nội bộ nên thường thay đổi liên tục kế hoạch nhập khẩu gạo.
Riêng Trung Quốc, nước tiêu thụ gạo Việt Nam nhiều nhất trong thời gian qua (chiếm 35% trong tổng sản lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm) tiếp tục quản lý chặt xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch. Hơn nữa, Trung Quốc được đánh giá thị trường được đánh giá là chỉ mua gạo với giá thấp và sẵn sàng chuyển nguồn mua nếu tìm thấy nguồn cung có giá rẻ hơn…
Sản lượng gạo Việt xuất khẩu sang Trung Quốc thời gian qua không còn là con số đáng mơ ước. 6 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo sang thị trường này đã giảm 23% về khối lượng và giảm 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Điểm sáng le lói là ngày 1/9 vừa qua, Việt Nam trúng thầu 150.000 tấn gạo xuất khẩu trong đợt mở thầu đầu tiên của Philippines. Đơn hàng này rất có giá trị vì trong 6 tháng qua, các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống của Việt Nam vẫn chưa có đơn đặt hàng nào. Theo VFA, Việt Nam sẽ giao toàn bộ 150.000 tấn gạo cho Philippines trong tháng 9 và tháng 10. Tuy nhiên dù đã hơn tuần, vẫn chưa có thông báo chính thức về việc nhập khẩu gạo từ phía Phillipines.
Với những thị trường cao cấp như Nhật Bản, từ cuối năm 2013 đến nay, Việt Nam cũng không xuất khẩu được hạt gạo nào sang.
Trên sân nhà, gạo Campuchia cũng âm thầm thế chân gạo Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 3,8 triệu ha đất lúa và khoảng 7 triệu ha diện tích lúa 2 vụ. Lúa trồng ở miền Trung trở ra phía Bắc chủ yếu tiêu thụ nội địa, còn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, gạo Campuchia đang dần lấn sân tại chính nơi sản xuất gạo xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Tại vựa lúa gạo ĐBSCL, việc hỏi mua các loại gạo Campuchia khá dễ dàng. Các đầu mối sẵn sàng giao tận nơi và với số lượng lớn các loại gạo như Sa Mơ, Móng Chim, Sóc Miên,…
Cùng lúc đó, Thái Lan dự tính sẽ bán đổ gạo, điều này, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sẽ gây nhiều bất lợi cho thị trường gạo Việt Nam vốn đã quá chông chênh.
Gạo Việt thua trên chính "sân nhà" của mình. Ảnh:Sài Gòn Tiếp Thị. |
Bức tranh ảm đạm về sức mua giảm, nhu cầu nhập khẩu gạo chập chờn khiến cho công tác dự báo về hướng đi cho hạt gạo Việt trong thời gian tới vẫn là dấu hỏi lớn. VFA mới đây đã buộc phải hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2016 xuống còn 5,65 triệu tấn thay vì 6,5 triệu tấn như dự báo trước đó.
Đây là lần đầu tiên trong vòng 8 năm qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam xuống dưới mức 6 triệu tấn, một con số không mấy khả quan cho cả doanh nghiệp và VFA.
Từ lâu, câu chuyện cạnh tranh thị trường không còn là câu chuyện mới đối với các mặt hàng xuất khẩu. Riêng với gạo - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay - lại càng trở nên khốc liệt.
Không chỉ phụ thuộc vào tín hiệu mua của thị trường, các yếu tố hạn hán, xâm nhập mặn cũng như sức ép từ chất lượng hạt gạo chưa được đánh giá và quản lý tốt đã khiến gạo Việt có một cái nhìn không mấy thiện cảm từ thị trường quốc tế.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng quan ngại, nhiều DN kinh doanh trong ngành hiện nay còn “đấu đá” cạnh tranh lẫn nhau để tăng lợi nhuận. Những hành động làm giảm chất lượng hạt gạo Việt trên thị trường như tình trạng trộn gạo giữa những loại gạo có hình thức tương tự nhau đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, gây bất lợi cho gạo xuất khẩu Việt Nam.
Vấn đề được đặt lên hàng đầu hiện nay đối với gạo Việt vẫn là chất lượng của hạt gạo.
Các doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh việc tập trung xây dựng thương hiệu, ngành lúa gạo Việt Nam phải đồng thời giải quyết triệt để vấn đề dư lượng hóa chất trong sản xuất thì mới có chỗ đứng. Đây cũng là lý do đến nay gạo Việt Nam vẫn chưa có tên trên bản đồ xuất khẩu gạo tại các thị trường cao cấp như châu Âu và Nhật Bản.
Và để tháo gỡ những khó khăn này, có lẽ cần một chiến lược đường dài để hạt gạo Việt từ đồng ruộng đến thị trường quốc tế. Và con đường hạt gạo Việt khẳng định mình còn là một chặng đường cần nhiều tâm sức, dù là hiện tại hay trong tương lai.
Theo Zing