Chiều 5/9, tại Toong Coworking Space (số 8 Tràng Thi, Hà Nội) gần 20 doanh nhân trẻ Việt Nam đã có cơ hội tiếp xúc với hai nhân vật có ảnh hưởng trong giới doanh nhân Pháp - bà Martine Pinville (Quốc vụ khanh phụ trách thương mại, nghề thủ công, tiêu dùng và kinh tế đoàn kết xã hội) cùng ông Phillipe Varin (Chủ tịch HĐQT tập đoàn trị giá 2,5 tỷ Euro Areva). Buổi nói chuyện nhân chuyến thăm tới Việt Nam của Tổng thống Francois Hollande còn có sự tham gia của đại diện nhiều doanh nghiệp lớn của Pháp.
Trong cuộc trao đổi hơn 30 phút, hai chuyên gia bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển của hệ sinh thái startup Việt. Cả ông Phillipe và bà Martine cho rằng, doanh nghiệp trẻ Việt Nam đã tận dụng tốt ưu điểm về chi phí hoạt động rẻ cũng như thị trường rộng lớn nhiều tiềm năng ở nội địa.
Ông Phillipe Varin. Ảnh: parismatch.com |
Tuy nhiên, ông Phillipe cho rằng, các startup của Việt Nam cần định hướng rõ ràng để vươn ra thế giới. Theo cựu CEO của Peugeot, các startup Việt Nam mới chủ yếu hướng tới thương mại điện tử, thực phẩm và giải khát. Đây là những lĩnh vực rất khó để đi ra thế giới vì các doanh nghiệp lớn đã chiếm lĩnh toàn bộ thị trường từ rất lâu. Nhiều startup từng “sa bẫy” ở các lĩnh vực này và không thể phát triển xa vì ý tưởng không đột phá.
Ông Phillipe cũng lo lắng khi chi phí vận hành một doanh nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng tăng, nhất là chi phí về mặt bằng, đòi hỏi các doanh nhân trẻ phải nhắm được những ngành có khả năng sinh lời cao nếu muốn chạy đường dài. “Nếu cảm thấy có sự bất ổn, khó khăn kéo dài, các bạn hãy ngay lập tức nhìn nhận lại định hướng của mình để tránh sa lầy”, ông chia sẻ.
Còn theo bà Martine, Việt Nam có thể áp dụng được nhiều chính sách mà Pháp đang thực thi nhằm giúp đỡ các dự án khởi nghiệp đứng vững trong giai đoạn đầu.
“Tại Pháp, chúng tôi có những ưu đãi về vốn, thuế cũng như thủ tục có thể kéo dài trong ba năm đầu cho các doanh nghiệp trẻ để giúp họ bước qua giai đoạn khó khăn nhất”, bà Martine cho biết.
Quốc vụ khanh cho hay, rất nhiều doanh nghiệp trẻ không thể tự quyết định đường đi của mình vì phụ thuộc vào ý kiến của các nhà đầu tư. Nhận được sự hỗ trợ về tài chính sẽ giúp các doanh nhân trẻ giảm bớt phụ thuộc yếu tố này cũng như tự chủ hơn trong các quyết định của mình.
Cuộc trao đổi có sự tham dự của khoảng 20 startup Việt. Ảnh: Toong. |
Việc tận dụng mạng lưới đại sứ, đại diện Việt Nam ở các nước cũng được hai chuyên gia đề cao. Theo họ, đây chính là con đường hiệu quả nhất để startup Việt tiếp cận các doanh nghiệp lớn của thế giới.
“Pháp luôn sẵn sàng làm cầu nối cho các doanh nghiệp trẻ Việt Nam tiến vào thị trường Châu Âu và thế giới”, nữ Quốc vụ khanh nói và chia sẻ thêm, các doanh nghiệp Việt cần mở rộng tới những lĩnh vực mà thị trường thế giới có nhu cầu.
Nuối tiếc vì cuộc gặp gỡ khá ngắn ngủi, ông Đỗ Sơn Dương, CEO của Toong Coworking Space (đơn vị tổ chức buổi gặp mặt) hào hứng với những thông tin mà hai vị khách mời chia sẻ.
Theo ông, rõ ràng các doanh nghiệp Pháp đang muốn phát triển theo hướng hợp tác với các doanh nghiệp trẻ nước ngoài. “Việc hai chuyên gia chia sẻ định hướng phát triển startup cho thấy Pháp đang cần gì ở những đối tác tiềm năng cũng như giúp các doanh nhân trẻ Việt Nam cân nhắc trước khi lựa chọn hướng đi lâu dài của mình”, ông Dương nhận định.
Tham dự buổi gặp gỡ, doanh nhân trẻ Đỗ Hồng Nhung (sáng lập công ty CP Vật liệu tre gỗ sinh thái Việt Nam) cho hay, quan điểm của hai khách mời rất thú vị. Tuy nhiên, cô muốn biết rõ hơn về cách tiếp cận thị trường Pháp cũng như thêm thông tin về đoàn các doanh nghiệp Pháp sẽ sang Việt Nam cùng Tổng thống Hollande trong chuyến thăm lần này.
"Mình rất mong Pháp – Việt sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về kinh tế cũng như tìm ra một kênh trung gian kết nối các startup trẻ của Việt Nam tới các kênh phân phối của Pháp. Đây là yếu tố còn thiếu bởi các đơn vị sản xuất trong nước rất khó tìm được đầu mối phân phối ở các thị trường nước ngoài như Pháp", cô chia sẻ.
Theo Zing