Ảnh minh họa |
Samsung vừa chính thức thông báo sẽ ngừng sản xuất Galaxy Note7 đồng thời sẽ hoàn tiền cho khách hàng đã mua Galaxy Note7 trên thị trường toàn cầu, một quyết định bắt buộc phải đưa ra khi lỗi khiến Galaxy Note7 có nguy cơ cháy nổ vẫn không thể khắc phục.
Đây được xem là quyết định không thể nào khác của Samsung và cũng khiến hãng công nghệ Hàn Quốc chịu không ít thiệt hại. Các nhà đầu tư đã lập tức có phản hồi trước quyết định này khi cổ phiếu của Samsung sụt giảm đến 8%, mức sụt giảm thấp nhất từ năm 2008, khiến giá trị thị trường của Samsung bị “bốc hơi” 17 tỷ USD.
Việt Nam vốn được biết đến là một trong những cứ điểm sản xuất lớn của Samsung với hai nhà máy đặt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, hiện cung ứng khoảng 35% tổng sản lượng thiết bị di động của Samsung trên toàn cầu.
Trên thực tế, giới chuyên gia vẫn cho rằng, nền kinh tế Việt Nam "trông" vào Samsung rất nhiều, mỗi biến động của Samsung đều tác động tới Việt Nam. Theo đó, việc Note 7 dừng sản xuất chắc chắn sẽ tác động tới nền kinh tế nói chung và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nói riêng.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, "cơn ác mộng" của Samsung chắc chắn sẽ tác động tới lớn nền kinh tế Việt Nam bởi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Samsung. Tuy nhiên, theo ông Long, tác động ra sao và như thế nào còn phải phụ thuộc vào tỷ trọng xuất khẩu của sản phẩm Note 7 và các tác động khác gây ra do việc ngừng sản xuất sản phẩm này.
Trao đổi với PV sáng nay 12/10, đại diện truyền thông của Samsung từ chối đưa ra con số cụ thể về số lượng Note 7 được sản xuất tại Việt Nam cũng như tỷ trọng xuất khẩu của Note 7 của nhà máy của hãng này tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo một số liệu được Bộ Công Thương công bố hồi giữa tháng 9 cho thấy, số lượng điện thoại Galaxy Note 7 đã bán ra trong khoảng thời gian này tại thị trường Việt Nam lên tới 12.633 chiếc.
Số liệu được Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu lại giảm 6,8% (tương đương 1,1 tỷ USD). Và một trong những nguyên nhân được nhắc tới liên quan tới tình hình xuất khẩu sản phẩm Galaxy Note7 của Samsung.
“Tháng 8, Samsung có ra mắt sản phẩm Galaxy Note7 nên kim ngạch xuất khẩu điện thoại tăng mạnh. Nhưng sang tháng 9, do sản phẩm bị lỗi pin nên Samsung phải thu hồi sản phẩm để khắc phục sự cố, vì vậy đã ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu. Chỉ riêng xuất khẩu điện thoại và linh kiện đã giảm 506 triệu USD trong tháng 9”, Tổng cục Thống kê cho biết.
Vấn đề này cũng được đặt ra tại hội thảo công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Quý III do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức hôm qua (ngày 11/10).
Trao đổi tại buổi hội thảo này, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, Samsung là nhà đầu tư nước ngoài có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ở nhóm hàng điện thoại, linh kiện điện tử.
"Việc Tập đoàn Samsung thu hồi điện thoại Galaxy Note 7 là một hiện tượng đáng lưu ý và rất có thể sẽ tác động xấu đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việc thu hồi sản phẩm do nguy cơ cháy nổ, nhiều nước có thể cấm nhập khẩu sản phẩm này và nếu xuất khẩu của Samsung chững lại sẽ tác động tới nền kinh tế Việt Nam", ông Tuyển cho biết.
Còn theo Tiến sỹ Vũ Đình Ánh: "Ba năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào Samsung. Tôi không biết sản phẩm Galaxy Note 7 có sản xuất ở các Khu công nghiệp Samsung ở Thái Nguyên, Bắc Ninh hay không? Nếu sản xuất ở đây, việc thu hồi sản phẩm sẽ tác động rất lớn đến kim ngạch xuất khẩu năm 2016 của Việt Nam".
Trao đổi với báo chí, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư lại cho rằng, tác động có thể không quá lớn, do đã vào cuối năm và cũng do Galaxy Note 7 chỉ là một trong số rất nhiều dòng sản phẩm của Samsung. Tuy nhiên, sự cố này có thể khiến Việt Nam càng khó đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm nay trong bối cảnh tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sau 9 tháng chỉ đạt mức 6,7%.