Đội bóng nào sẽ đăng quang tại Euro 2016? |
Trước hết hãy nói về Tây Ban Nha, đội đương kim vô địch EURO. Vẫn dễ dàng vượt qua vòng loại nhưng La Roja không còn mạnh mẽ như khi họ thống trị tại Euro 2008 và 2012 (giữa đó là chức vô địch World Cup 2010). Đội bóng xứ bò tót hiện tại gồm nhiều cầu thủ “lạ hoắc” và không còn áp dụng lối chơi tiqui-taca vốn đã lạc điệu trong thời gian gần đây.
Nếu như ở trong những năm tháng đầy hào quang của mình, Tây Ban Nha được xây dựng dựa theo lối chơi của Barcelona với thường xuyên 7-8 cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo La Masia trong đội hình chính thì hiện tại Del Bosque đã bổ sung nhiều gương mặt đa dạng hơn. Nhưng vì mất đi bản sắc là “lối chơi tiqui - taca” nên thậm chí ngay trước giờ xuất quân sang Pháp, tờ AS đã nói Tây Ban Nha hiện tại không còn là “chú bò mộng dũng mãnh và hung dữ” như thường thấy mà chỉ là “con bò nhà, ốm o, quặt quẹo”.
Đội vô địch World Cup 2014, Đức cũng không khá hơn. Đội bóng được đánh giá cao bởi tinh thần đồng đội và lối chơi tập thể đang dính vào cuộc khủng hoảng nhân sự khá trầm trọng. Việc người thủ lĩnh Lahm từ giã đội tuyển đã để lại một khoảng trống lớn. Ngoài ra là các chấn thương của những trụ cột như Hummels, Boateng hay lời chia tay đầy tiếc nuối của Marco Reus ngay trước thềm EURO 2016 khởi tranh.
4 năm trước Italia là đội Á quân nhưng giờ chẳng ai dám tin thầy trò Conte có thể làm nên điều gì trên đất Pháp lần này. Azzurri hiện tại là một tập thể các cầu thủ mới chỉ dừng ở tầm triển vọng và còn khá vô danh. Anh cũng tương tự khi Roy Hodgson mang tới Euro lần này một đội hình trẻ bậc nhất trong lịch sử. Báo chí xứ sương mù như thường lệ vẫn tung hô Tam Sư như một ứng viên tiềm tàng cho chức vô địch nhưng bầy “sư tử non” thật khó lòng làm nên chuyện.
Ronaldo dù đã tỏa sáng giúp Real Madrid đoạt chức vô địch Champions League nhưng phong độ phập phù ở màu áo đội tuyển khiến Bồ Đào Nha chẳng được mấy tin tưởng. Bỉ với đội hình nhiều ngôi sao nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia bóng đá họ chỉ là “con hổ giấy” bởi không có nhiều kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao.
Trong bối cảnh “so bó đũa, chọn cột cờ” ấy đội chủ nhà Pháp nổi lên như một kẻ thách thức cho ngai vàng EURO 2016. Lịch sử dường như đang đứng về phía Les Bleus khi họ là đội chủ nhà gần nhất đoạt được chiếc Cúp bạc (năm 1984). Nước Pháp cũng rất biết tận dụng những thời điểm chính mình đăng cai để tỏa sáng.
Chức vô địch World Cup năm 1998 đưa cả thế hệ Zidane, Dechamps, Desailly bước lên đỉnh vinh quang với nghi án Ronaldo “béo” bị động kinh trước thềm trận chung kết là một ví dụ. Bỏ qua yếu tố “địa lợi” thì thầy trò Dechamps cũng thực sự đáng gờm dù trong đội hình không có chân sút xuất sắc cỡ Benzema.
Nhưng EURO có một điểm khác với World Cup, đó là tính đột biến cực cao. Nói cách khác giải đấu này là mảnh đất màu mỡ nảy sinh ra những “câu chuyện cổ tích”. Năm 1992, Đan Mạch đăng quang khi được mời vào phút chót thay thế Nam Tư do bị nội chiến. Năm 2004, Hy Lạp đã viết nên câu chuyện thần tiên của xứ sở những vị thần bằng lối chơi chắc chắn, khắc kỉ để tiến thẳng tới chức vô địch.
Nếu nhìn suốt chặng đường vòng loại có thể thấy trình độ bóng đá châu Âu đang xích lại gần nhau. Các ông lớn thì suy yếu trong khi những đội bóng nhỏ vươn lên mạnh mẽ. Ý tưởng mở rộng EURO lên 24 đội đã giúp cho những Iceland, Hungary, Albania, Bắc Ireland hay Xứ Wales có cơ hội tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất châu lục.
Không còn những “ông kẹ” kiểu như Tây Ban Nha 2 kỳ EURO trước, ngai vàng EURO đang thực sự rộng mở trong một cuộc đua hấp dẫn và cực kỳ khó lường. Biết đâu đấy, một Đan Mạch hay Hy Lạp mới sẽ xuất hiện tại xứ lục lăng. |
Theo Tiền Phong