Thạch Kim Tuấn thất bại ở nội dung cử đẩy hạng cân 56kg. |
Không như mong đợi
Tại Olympic Rio de Janeiro 2016, Cử tạ, Bắn súng và TDDC là 3 môn được chờ đợi có thể tranh đoạt huy chương của thể thao Việt Nam. Trong số này, Cử tạ với Thạch Kim Tuấn là niềm hy vọng lớn nhất. Ở hạng cân 56kg môn Cử tạ, Thạch Kim Tuấn nằm trong tốp các VĐV hàng đầu thế giới. Thành tích của anh tại các giải tiền Olympic cũng rất khả quan, bất chấp chấn thương chưa thực sự bình phục. Kim Tuấn được chờ đợi ít nhất sẽ giành HCĐ hạng cân 56kg.
Tuy nhiên, kết quả thi đấu của đô cử TP.Hồ Chí Minh tại Thế vận hội đã kém xa so với những gì được chờ đợi. Ở nội dung cử giật, Thạch Kim Tuấn đăng ký mức tạ khởi điểm 130kg, nhưng phải đến lần giật thứ 2 mới thành công. Anh sau đó thất bại ở mức 133kg. Qua phần cử đẩy, sau khi Kim Tuấn thất bại với mức khởi điểm 157kg, BHL đội tuyển Cử tạ đã quyết định nâng mức tạ lên 160kg.
Đây được nhận định là quyết định mang tính “được ăn cả, ngã về không”. Lý do bởi ở nội dung cử giật, trong khi Kim Tuấn chỉ thành công với mức tạ 130kg, thì 3 đối thủ của anh là Long Quingquan (Trung Quốc), Om Yun Choi (Triều Tiên) và Kruaithong Sinphet (Thái Lan) đều có thành tích tốt hơn. Thấp nhất trong 3 đô cử trên là Kruaithong Sinphet cũng có mức tạ 132kg. Như vậy nếu tiếp tục đặt mức tạ 157kg ở nội dung cử đẩy, Kim Tuấn khó lòng cạnh tranh được huy chương với các đối thủ.
Tính toán của BHL đội tuyển Cử tạ Việt Nam là vậy, nhưng phần thực hiện của Kim Tuấn lại không thành công. Anh thất bại ở cả 2 lần đẩy với mức tạ 160kg. Điều này khiến kết quả của Thạch Kim Tuấn không được công nhận.
Vẫn là VĐV tiềm năng
Trước ngày khởi tranh Thế vận hội, ngành thể thao và giới mộ điệu đã một phen lo sợ trước thông tin Thạch Kim Tuấn tái phát chấn thương. Thực hư chuyện này chưa rõ ra sao, cũng như chưa thể xác định mức độ chấn thương của Kim Tuấn, nhưng chuyện này nếu có thực chắc chắn cần phải được xem xét lại. Trên thực tế, việc Kim Tuấn bị chấn thương đã được xác định từ lâu, và ngành thể thao cũng đã đầu tư quyết liệt để chữa trị cho anh. Vì sao chấn thương của Kim Tuấn vẫn kéo dài là vấn đề cần làm rõ.
Theo giới phân tích, nếu không tính đến chuyện Kim Tuấn bị chấn thương, thì việc anh thất bại ở các nội dung cử đẩy có thể xuất phát từ việc thi đấu không thành công ở nội dung cử giật trước đó. Cụ thể như trên đã phân tích, Kim Tuấn chỉ đạt mức tạ 130kg, kém tới 2kg so với người đứng thứ 3 là Kruaithong Sinphet. Kết quả này cộng với việc đã “ngã” ở mức tạ 157kg khiến cho anh chịu áp lực tâm lý rất lớn ở hai lần đẩy sau đó với mức tạ 160kg.
Trên trang cá nhân, Trưởng bộ môn Cử tạ Đỗ Đình Kháng đã thốt lên, đây là thất bại “kinh hoàng” của Cử tạ Việt Nam, đồng thời nhận mọi trách nhiệm. Xem xét trách nhiệm của những người có liên quan là một chuyện, nhưng việc cần hơn lúc này, có lẽ là ngành thể thao và môn Cử tạ cần phải có sự động viên kịp thời để Thạch Kim Tuấn sớm ổn định tâm lý tiếp tục tập luyện, thi đấu. Anh vẫn là VĐV đầy tiềm năng của Cử tạ Việt Nam, và cú vấp ngã ở Thế vận hội 2016 biết đâu lại là 1 khởi đầu cho 1 thành tích rực rỡ hơn trong tương lai.
Trên trang cá nhân, Trưởng bộ môn Cử tạ Đỗ Đình Kháng đã thốt lên, đây là thất bại “kinh hoàng” của Cử tạ Việt Nam, đồng thời nhận mọi trách nhiệm. Xem xét trách nhiệm của những người có liên quan là một chuyện, nhưng việc cần hơn lúc này, có lẽ là ngành thể thao và môn Cử tạ cần phải có sự động viên kịp thời để Thạch Kim Tuấn sớm ổn định tâm lý tiếp tục tập luyện, thi đấu. |
Theo Tiền Phong