Đây là lời khuyên cho năm 2014 của ông Phạm Khánh Hiệp, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành hàng cà phê.
Nhìn lại năm 2013, ông có đánh giá gì về diễn biến thị trường cà phê cũng như những vấn đề nổi cộm trong năm?
Ông Phạm Khánh Hiệp: Năm 2013 có thể coi là một năm buồn của ngành cà phê Việt Nam khi giá cà phê giảm sút, doanh nghiệp thua lỗ.
Hơn nữa, một thực tế nổi cộm trong năm 2013 là vấn đề các doanh nghiệp, cả trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều bị ảnh hưởng thuế giá trị gia tăng (VAT).
Điều này ảnh hướng lớn tới cục diện toàn ngành khi cùng một lúc trên thị trường xuất hiện hai mức giá khác nhau đối với những doanh nghiệp nợ VAT và những doanh nghiệp nộp thuế đầy đủ.
Đây cũng là nguyên nhân gây ra sự cạnh tranh thiếu bình đẳng cũng như gây méo mó thị trường . Điều này xuất phát từ thực tế là các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ dấn đến việc tìm mọi cách để tồn tại, và một trong những cách họ chọn là trốn thuế VAT.
Ngoài ra, một thực tế là các chương trình phát triển bền vững đối với cây cà phê được giới thiệu ngày càng rộng rãi đến người nông dân. Đây cũng là mặt tốt khi năng suất và chất lượng cà phê ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, phát triển bền vững phải đi đôi với việc trang bị kiến thức về thương mại cho nông dân và doanh nghiệp. Nếu không, sản lượng tăng thêm này sẽ chỉ khiến giá càng giảm. Nông dân không có lợi nhuận.
Như ông đã nói, năm 2013 được cho là một năm buồn đối với ngành cà phê trong nước khi giá thu mua của nông dân cũng như giá xuất khẩu đều giảm, doanh nghiệp thua lỗ. Vậy ngoài nguyên nhân do cung cầu thế giới, còn có nguyên nhân nào từ nội tại ngành cà phê hay không?
Đúng là ngoài diễn biến cung cầu trên thế giới, nguyên nhân quan trọng xuất phát từ kiến thức kinh doanh còn yếu kém của các doanh nghiệp trong nước. Họ chưa chú trọng tìm hiểu kiến thức kinh doanh ngành hàng mặc dù Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) đã cố gắng tổ chức các hội thảo để trao đổi về vấn đề này.
Ngoài ra, so với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp của ta ít vốn nên cần vay ngân hàng mà ngân hàng lại cần hợp đồng xuất khẩu mới cho vay. Đây là vòng luẩn quẩn của doanh nghiệp cà phê thời gian qua.
Hơn nữa, các doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm đến quản trị rủi ro, mặc dù các ngân hàng đã giới thiệu các công cụ chống rủi ro cho ngành hàng này nhưng chưa được sử dụng đúng mức hoặc chỉ đơn giản là đầu cơ trên giấy.
Mặt khác, các nhà kinh doanh nước ngoài cũng như các nhà rang xay trên thế giới không mua cà phê sớm như các năm trước nên nông dân không có cơ hội bán ra khi giá còn trên 40.000 đồng/kg. Vấn đề này là do các doanh nghiệp đã không dùng các công cụ phái sinh để phòng chống giảm giá. Đồng thời, những năm giá tăng cao thì hiện tượng không giao hàng đã xảy ra.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành cà phê, Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam đã có nhiều đề xuất với Chính phủ. Một trong những đề xuất đó là tạm trữ cà phê. Vậy theo ông đây có phải là giải pháp hiệu quả để cứu ngành cà phê.
Tạm trữ theo tôi không phải là giải pháp hiệu quả mà cần có một quỹ cà phê và một đội ngũ nhân sự có khả năng được nhà nước giao làm công tác kinh doanh, điều tiết giá cho ngành cà phê để duy trì một mức giá hợp lý cho người trồng và kinh doanh cà phê. Còn nhà nước không thể hổ trợ cho ngành cà phê khi người nông dân có lãi mà lại vẫn đầu cơ.
Theo ông, việc quan trọng nhất cần làm đối với ngành cà phê trong năm 2014 là gì?
Nhà nước đang thực hiện tái canh cà phê, đây là điều cần thiết nhưng theo tôi việc tăng diện tích trồng cà phê không theo quy hoạch còn là vấn đề lớn hơn, trong đó có việc phá rừng để trồng cà phê. Vì việc tăng diện tích, tăng năng suất cà phê không hề đồng nghĩa với việc doanh thu từ cà phê sẽ tăng lên.
Các doanh nghiệp cần phải trang bị kiến thức kinh doanh cho mình, trong đó bao gồm cả quản trị rủi ro. Ngoài ra, ngân hàng không nên cho vay theo hợp đồng xuất khẩu nữa mà nên cho vay theo phương án kinh doanh.
Các doanh nghiệp nên cùng với Vicofa cần thường xuyên gặp nhau (có thể hàng quý) để cùng nhau cập nhật thông tin thị trường vì sự biến động giá ngày càng ngắn hạn và phức tạp.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường việc kiểm tra thực hiện nộp thuế VAT của doanh nghiệp nhưng phải tạo ra cơ chế hợp lý cho các doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh.
Đồng thời, ngành cà phê cần chấn chỉnh hoạt động chứng nhận cà phê bền vững để tạo uy tín cho ngành hơn là chứng nhận nhiều nhưng không bán được.
Người nông dân nên xem xét tính toán giá bình quân bán ra đạt hiệu quả là tốt hơn là đầu cơ mà không nắm rõ thông tin thị trường.
Đối với nhà nước thì sao, thưa ông?
Về phía nhà nước, tôi cho rằng điều quan trọng nhất là cần quản lý bám sát quy hoạch diện tích trồng cà phê ở mức 500.000 héc ta.
Các cơ quan quản lý địa phương cần nghiêm khắc thực hiện việc không phá rừng để trồng thêm cà phê. Đồng thời khuyến khích tiêu dùng trong nước để tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới.
Ông có nhận định gì về diễn biến thị trường cà phê năm 2014?
Nếu nông dân còn đầu cơ chờ giá lên thì sẽ chịu rủi ro rất lớn. Theo tôi, nông dân nên bán đều ra theo nhu cầu tiêu dùng của thị trường thì sẽ an toàn hơn. Vì theo nhận định của các nhà phân tích thị trường, niên vụ cà phê 2014-2015 sẽ được mùa lớn.
Xin cám ơn ông!
Theo Bizlive