Dưa hấu 2.000 đồng/kg: Mát ruột khách, đắng lòng nông dân

Thứ bảy, 29/03/2014, 14:39
Trong vòng một tuần qua, nhiều nông dân trồng dưa hấu ở các tỉnh miền Trung và ĐBSCL như “ngồi trên lửa” vì dưa rớt giá thảm hại, không tiêu thụ được.  

Giá dưa hấu bán tại ruộng từ 4.500 đồng/kg ở Quảng Ngãi đã tụt dốc giảm còn 1.500 đồng/kg, thậm chí 1.000 đồng.

dưa hấu
Dưa hấu chất đống ngoài lộ ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam.

Bán rẻ như cho

"Không chỉ Quảng Ngãi thu hoạch dưa mà rất nhiều tỉnh khác cũng thu hoạch, cung vượt cầu dẫn đến việc ùn ứ trong tiêu thụ. Cộng với việc Trung Quốc không nhập dưa dẫn đến việc thương lái không mua, giá dưa giảm trầm trọng thêm"

Ông Nguyễn Thế Nhân
(phó chủ tịch Hội Nông dân Quảng Ngãi)

Trưa 28/3, tại cánh đồng dưa rộng cả trăm hecta nằm giữa sông Trà Khúc (xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), trời nắng như đổ lửa nhưng nhiều người dân vẫn đội nắng ngóng chờ xe để bán dưa.

Ông Võ Cần, một chủ dưa ở bãi sông Trà Khúc có 24 sào (500m2/sào), dưa đã được “nậu” dưa đặt cọc tiền từ 15 ngày trước, theo giao kèo dưa của ông phải thu hoạch cách đây vài ngày.

Thế nhưng, đến nay vẫn không có người đến hái. Những dây dưa bắt đầu khô dần, nhiều trái đã không còn bóng. “Giá xuống thảm quá và xuất không được nên chắc họ bỏ cọc để cắt lỗ” - ông Cần than thở.

Nhiều hộ trồng dưa ở bãi sông Trà Khúc cũng rơi vào cảnh thê thảm như ông Cần. Một số hộ quyết định vẫn cho thu hoạch, chất dưa nhiều như núi chờ người mua.

Anh Lê Văn Sơn, một chủ dưa, cho biết: “Chúng tôi hái lên bãi, chờ thương lái cho xe tới chở đi Trung Quốc mà vẫn không thấy tới”.

Hàng chục đống dưa ngổn ngang phơi mưa nắng nhiều ngày, một số hư hỏng phải bỏ. Giá dưa từ 4.500 đồng/kg tuần trước đó, đến trưa 28/3 giảm còn 1.500 đồng/kg nhưng “nậu” vẫn không mua.

Thậm chí nhiều chủ dưa chấp nhận bán về các chợ để bán lẻ với giá 700 đồng/kg, song tiêu thụ chỉ vài ba trăm ký. Theo ông Cần, nhiều năm nay dưa hấu ở đây phần lớn “đi” Trung Quốc, còn thị trường trong nước tiêu thụ không bao nhiêu, “khi họ “hắt hơi” thì mình “sổ mũi” chứ biết làm sao!”.

Theo tính toán của ông Võ Cần, hiện đồng dưa bãi sông Trà Khúc khoảng 100ha (2.000 sào), với sản lượng từ 1,5-2 tấn/sào thì số lượng dưa tồn trên bến dưới ruộng lên đến vài nghìn tấn.

Ông Cần nói: “Mọi năm giá dưa khoảng 5.000 đồng/kg thì một sào lời được vài triệu đồng, còn nay thì...”. Hiện mỗi sào nếu bán với giá 1.900 đồng/kg đã lỗ 500.000 đồng/sào, chưa kể công chăm sóc. Nếu tính giá 700 đồng/kg thì người trồng dưa lỗ khoảng 2 triệu đồng/sào.

dưa hấu
Ông Nguyễn Mẫn trồng dưa hấu ở bãi sông Trà Khúc (xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), đã thu hoạch 12 tấn dưa từ năm ngày qua nhưng không có thương lái đến mua, khiến dưa bắt đầu thối rữa.

Dựng chòi bán dưa

Tình trạng dưa hấu rớt giá, không tiêu thụ được không chỉ xảy ra tại Quảng Ngãi mà diễn ra ở hầu hết vùng trồng dưa đang thu hoạch rộ ở Phú Yên, Bình Định...

Ông Nguyễn Tấn Thanh - một chủ trồng dưa ở thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) - cho biết có 12 sào dưa đến kỳ thu hoạch, nhưng do không ai mua nên phải chở dưa ra ngã ba đường, chợ quê rồi dựng chòi ngồi bán.

“Giải quyết cách này còn mong gỡ gạc đồng vốn, chứ em ruột tôi thuê xe tải chở dưa ra cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) nằm chờ mấy ngày liền, đến hôm nay dưa đã chảy nước” - ông Thanh than thở.

Ông Trần Nhất ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) sau khi thu hoạch cũng phải căng bạt cạnh ngã ba đường rao bán dưa giá rẻ. “Bỏ túi được đồng nào hay đồng nấy, chứ bây giờ thuê xe chở ra cửa khẩu Tân Thanh càng lỗ nặng” - ông Nhất nói.

Tại Tiền Giang, Long An, lượng dưa thu hoạch không tiêu thụ được cũng xảy ra tương tự như các tỉnh miền Trung. Dọc tuyến quốc lộ 50 qua địa bàn huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) đang thi công, bụi mịt mù nhưng vẫn có nhiều nông dân dựng lều bán dưa ven đường.

Bà Đỗ Kim Phụng, ngụ xã Long Bình Điền, cho biết mấy ngày trước bà thu hoạch dưa nhưng thương lái chỉ lựa lấy dưa tốt, còn lại chê không mua.

Sau đó bà phải dựng lều bán đổ bán tháo gần 1 tấn dưa còn lại. Mỗi lần có khách ghé hỏi mua dưa bà đều tếu táo rao: “Dưa hấu đây, rẻ bèo, 2.000 đồng/kg, mua ăn cho mát ruột khách hàng, đắng ruột tui cô bác ơi!”.

Bà Phụng tính toán nếu bán hết được số dưa này thì 7.000m2trồng dưa của bà chỉ thu được chừng 5 tấn, với giá hiện nay bà lỗ gần 20 triệu đồng.

“Bốn vụ dưa gần đây toàn lỗ. Nào thất mùa, nào thương lái chê không mua. Họ nói không xuất qua Trung Quốc được. Ai nói gì thì nghe đó chứ tui có biết chừng nào mắc chừng nào ế. Thấy thời tiết thuận lợi, ít mưa thì bỏ hột trồng” - bà Phụng phân trần.

Gần đó là lều dưa của bà Lê Thị Bình cũng chung tình cảnh lỗ lã phải chuyển hẳn sang làm lái dưa. Vụ đông xuân vừa rồi bà thuê hơn 2ha trồng dưa với giá 24 triệu đồng/ha. Sau khi thu hoạch chẳng những không thu được vốn liếng mà còn ôm nợ hơn 70 triệu đồng.

Phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Quảng Nam, cả năm 2014, toàn tỉnh gieo trồng hơn 2.000ha dưa hấu. Riêng vụ đông xuân, toàn tỉnh gieo trồng 1.300-1.500ha.

Trong đó trồng nhiều nhất là huyện Phú Ninh có hơn 700ha, Đại Lộc 120ha, Duy Xuyên 50ha. Năng suất vụ dưa đông xuân toàn tỉnh Quảng Nam ước đạt 23.000 tấn. Hiện nông dân trồng dưa đang gặp khó khăn vì dưa được mùa nhưng rớt giá.

Ông Hồ Ngọc Mẫn, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, nhận định nguyên nhân giá dưa hấu thấp là do phụ thuộc thị trường Trung Quốc.

“Chúng tôi tiếp tục khuyến cáo nông dân sản xuất các giống dưa mà tiêu thụ nội địa, thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 60 ngày) đỡ tốn công, chi phí. Ngoài ra, Phòng NN&PTNT Đại Lộc còn hướng dẫn người dân nên hạn chế trồng dưa mà nên xen canh hoặc chuyển sang trồng một số loại cây có giá ổn định như bí đỏ hồ lô, bí đỏ bánh xe để có thu nhập” - ông Mẫn nói.

Tương tự, bà Trần Thị Nguyên, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy (Tiền Giang), cho biết diện tích dưa hấu vụ hè thu toàn huyện khoảng 220ha.

Liên quan đến giá cả, thị trường dưa hấu, bà Nguyên thừa nhận phòng không thể nào nắm được vì không có cơ chế quản lý thương lái dưa.

“Nói thiệt bây giờ giao cho phòng nông nghiệp nâng cao năng suất, sản lượng nông sản thì làm được chứ khuyến cáo người dân trồng gì, diện tích bao nhiêu thì phòng không dám” - bà Nguyên chia sẻ.

Trong khi đó ông Lê Minh Đức, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, cũng khẳng định dưa trên địa bàn tỉnh được thương lái trong nước mua và xuất đi chủ yếu thị trường Trung Quốc. Việc rớt giá lần này là đột xuất do diễn biến phức tạp trong việc chuyển dưa qua Trung Quốc gần đây, nên ngành nông nghiệp không lường trước được.

* Ông Phạm Văn Dư(cục phó Cục Trồng trọt):

Mua bán phải có hợp đồng

Tình trạng ùn ứ dưa ở cửa khẩu VN - Trung Quốc do sản xuất không gắn với tiêu thụ và chỉ làm theo phong trào. Để xảy ra tình trạng dồn ứ như thời gian qua là do các sở NN&PTNT địa phương không thông tin kịp thời về thị trường tiêu thụ để người dân có cơ sở quyết định đầu tư vụ mới. Bởi vì nông dân không có thông tin cụ thể về thị trường nên họ sản xuất theo cảm tính, dựa vào tình trạng tiêu thụ của mùa vụ trước.

Trung Quốc là một thị trường khổng lồ, ngay cả sản lượng dưa của VN tăng 100 lần thì họ vẫn có thể tiêu thụ hết nhưng do cách mua bán của họ mới xảy ra tình trạng ùn tắc. Mua bán tiểu ngạch không có hợp đồng, hàng đem đến cửa khẩu mà như đem đến chợ, người ta đến chọn mua được thì mua không được thì thôi đầy rủi ro. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu nên chủ động chuyển hướng sang xuất khẩu chính ngạch có hợp đồng với giá cả, số lượng và thời gian rõ ràng, từ đó có hợp tác với nông dân sản xuất theo nhu cầu chứ không sản xuất theo cảm tính.

dưa hấu

Người dân bán dưa loại từ Trung Quốc cho một số chủ buôn từ Bắc Giang, Bắc Ninh với giá khoảng 1.000 đồng/kg tại cửa khẩu Tân Thanh.

Xe dưa hấu về Lạng Sơn đã giảm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Đặng Thị Ngân - phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) - cho biết: “Đến chiều 28-3, chỉ tính riêng khu vực cửa khẩu Tân Thanh vẫn còn khoảng 500 ôtô tải chở dưa và một số hoa quả khác đang chờ để được thông quan. Tình trạng xe xếp thành hàng dài trên nhiều tuyến đường của tỉnh Lạng Sơn vẫn còn, tuy nhiên số lượng đã giảm so với những ngày trước”.

Bà Ngân cũng cho biết thêm: “Đây đang là tháng dưa chín rộ của một số tỉnh ở phía Nam, để xuất được hết số dưa còn lại thì phải phụ thuộc các chủ nhà vườn. Phải xuất hết số hàng tồn đọng thì chủ vườn mới nên thu hoạch tiếp vì nếu cứ thu hoạch ồ ạt thì hàng ngày càng ùn ứ. Cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn cũng đang tiếp tục làm việc với phía Trung Quốc để đẩy nhanh tiến độ xuất nhập khẩu giữa hai bên”.

Theo Tuổi Trẻ

Các tin cũ hơn