Ngỡ ngàng với giá photocopy

Thứ bảy, 27/09/2014, 08:39
Từ trước tới nay, nhiều người không có thói quen hỏi giá khi vào quán photocopy vì tâm lý “chỉ vài nghìn, nhiều lắm chục nghìn đồng chứ mấy”. Cũng vì nghĩ như vậy mà không ít người bị “móc túi” đáng kể.


Các cửa hàng photocopy san sát trên đường Trần Đại Nghĩa

Cùng một yêu cầu nhưng... nhiều loại giá!

Khu photocopy ở Bách Khoa (đối diện cổng B8 của trường Đại học Bách Khoa và cạnh bể bơi Bách Khoa) được giới học sinh, sinh viên rỉ tai nhau là rẻ nhất. Tại đây, giá in thông thường ngang với giá photocopy, bởi 2 dịch vụ này đều được thực hiện thông qua máy photo. Với một tài liệu dài 20 trang, in một mặt trên giấy thường, mức giá chỉ là 3.000 đồng (150 đồng/trang). Nếu in hai mặt thì mức giá là 2.000 đồng (100 đồng/trang).

Anh Trung, chủ quán photocopy Thanh Tuyết, cho hay: “Trước kia, khi thao tác in ấn phải thực hiện qua máy in chuyên dụng thì giá đắt và tốc độ in chậm. Nhưng nay, nhờ bộ chuyển đổi nên in ấn thông thường, không có yêu cầu đặc biệt về màu sắc, độ tinh xảo… thì in qua máy photo cũng tương tự như thao tác photocopy thông thường nên giá là như nhau”. Trong khi đó, với cùng tài liệu nói trên, in giấy thường, một mặt tại quán photocopy ở gần cổng Đại học Mở (Bách Khoa), phóng viên phải trả đến…15.000 đồng (tương đương 750 đồng/trang). Khi bị thắc mắc về số tiền phải thanh toán, chủ quán hất hàm: “Giá ở đây nó thế. Làm được ở chỗ nào rẻ hơn thì làm. Giấy này là giấy thường nhưng hơn khối nơi”.

Ở một cửa hàng khác nằm tại phố Quan Nhân, yêu cầu in tài liệu như trên của phóng viên bị “hét” tới 20.000 đồng (tương đương 1.000 đồng/trang), dù thao tác in được thực hiện hoàn toàn qua máy photocopy với loại giấy thường, in một mặt.

Ngoài ra, giá những dịch vụ liên quan cũng rất vênh, chẳng hạn như ở khu photocopy ở Bách Khoa, giá đóng bìa là 3.000 đồng/quyền (có bìa bóng là 4.000 đồng/quyển), những thao tác đơn giản khác được làm miễn phí như cắt đôi tập giấy hay đóng quyển (bìa do khách hàng mang đến) thì tại những nơi khác, giá đóng quyển có thể là 7.000 đồng/quyển (thêm bìa bóng là 10.000 đồng/quyển), thao tác cắt tập giấy bị thu phí 5.000 đồng…

Bạn Đ.H.N, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bày tỏ: “Mình không ngờ giá cả lại chênh lệch như vậy. Mình đang ở ký túc xá, nên thường chỉ chọn in và photocopy ở mấy quán gần đây”.

Ai quản lý giá?

Rõ ràng đang tồn tại sự chênh lệch giá cả của các cửa hàng photocopy, nhưng thật khó để lập lại trật tự, một khi cơ quan chức năng còn bỏ ngỏ loại hình dịch vụ này. Chủ cửa hàng ở Quan Nhân có giá dịch vụ đắt đỏ bày tỏ về việc thu phí “cắt cổ” của mình: “Giá mặt bằng đắt, thuê mỗi tháng đã mất từ 5-7 triệu đồng rồi. Làm có một tí giấy thế này mà kêu đắt cái gì?”. Lý do “tiền thuê nhà cao” dường như là cách lý giải phổ biến nhất, bên cạnh đó, các chủ cửa hàng còn cho rằng “giấy thường” ở hàng mình tốt hơn chỗ khác, mực in đẹp, dù cho loại “giấy thường” ở cửa hàng có giá rẻ thậm chí còn dày dặn và trắng hơn.

Anh Trung, chủ cửa hàng Thanh Tuyết ở Bách Khoa, cho biết thêm: “Cửa hàng mình rộng 26m2, giá thuê là 16 triệu đồng mỗi tháng. Giá này khá cao vì ở khu phố này, đó là mức phổ biến. Nhưng không vì thế mà lấy đắt với sinh viên, tất cả đều có mặt bằng chung, cả dãy photocopy này đều như thế”.

Trong khi những mặt hàng hay dịch vụ khác được quản lý giá thì loại hình dịch vụ phổ biến như in ấn, photocopy lại bị bỏ ngỏ.

Theo ANTĐ

Các tin cũ hơn