Kiếm bộn tiền nhờ kỳ công tạo tác bưởi tay phật độc nhất vô nhị dịp Tết Ất Mùi

Thứ sáu, 20/02/2015, 14:50
Những ngày cận Tết Ất Mùi, dư luận cả nước xôn xao bởi sự xuất hiện của một sản vật cổ tên bưởi lễ Cát Tường gọi là bưởi bàn tay Phật. Với hình dáng đặc biệt, loại quả chơi Tết này có giá cao gấp hàng chục lần bình thường. Nhiều người dự đoán, nó có thể mang về cho chủ vườn khoản lợi nhuận bạc tỷ. Thế nhưng ít người biết, loại quả vô cùng đặc biệt này ra đời lại bắt nguồn từ sự kỳ công của một lão nông miền Tây chân chất.

Từ ý tưng lạ của đơn đt hàng

Nói về trái bưởi "có một không hai" tung ra thị trường dịp Tết này, ông Võ Trung Thành (Chủ tịch CLB trái cây tạo hình, ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết: Năm 2011, một công ty ở mãi tận Hà Nội đã có lời mời ông Thành hợp tác để nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm bưởi tạo hình mới. Ý tưởng ban đầu là quả bưởi suông dài, với hình bàn tay Phật hiện rõ lên thân bưởi. Công ty sẽ làm khuôn mẫu, ông Thành nhận nhiệm vụ làm thử nghiệm. Không lâu sau đó, công ty này tiến hành ký kết hợp đồng và lấy tên là bưởi lễ Cát Tường, ông Thành đảm nhận vai trò kỹ thuật.

Bưởi lễ Cát Tường có hình dáng bàn tay Phật
Ông Thành cho biết, để bắt đầu quá trình để ra đời một sản phẩm chất lượng người dân phải chuẩn bị từ giai đoạn bưởi ra hoa. "Bưởi nguyên liệu dùng để tạo hình thì dùng bưởi Năm roi là đẹp hơn hết. Hoa bưởi được người nông dân canh đúng thời điểm để thúc hoa ra đồng loạt. Sau khi những lứa trái đầu tiên đậu, người nông dân chọn những trái đạt yêu cầu để vào khuôn. Trái bưởi đạt yêu cầu da phải bóng đẹp, không có nốt ghẻ, trái suông, cuốn đủ lá. Nhiều khi, một cây bưởi vài chục trái nhưng chỉ chọn được chục trái đạt yêu cầu là chuyện thường", vị Chủ tịch câu lạc bộ cắt nghĩa.

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong việc tạo hình trái cây, sản phẩm bưởi lễ Cát tường chỉ mất hai năm nghiên cứu thử nghiệm là có thể xuất ra thị trường. Trong khi đó, với sản phẩm bưởi hồ lô, bưởi tài lộc, lão nông này phải mất đến 6 năm trời mới hoàn thiện "đứa con" của mình. Ban đầu, thử nghiệm bưởi cát tường, khuôn được làm bằng nhựa dẻo nên kết quả không thành công, ông Thành phải bỏ công nghiên cứu và cải tiến nhiều lần. Đến nay, khuôn nhựa với thiết kế 3D đã được lão nông này hoàn chỉnh và kết quả thử nghiệm đạt 100%.

Theo quy trình sản xuất, bưởi đậu trái được khoảng 1,5 đến 2 tháng là thời điểm thích hợp để vào khuôn. Sau 3 đến 4 tháng theo dõi thường xuyên kỹ lưỡng, bưởi có thể được tháo khuôn. Sau khi kiểm tra chất lượng đảm bảo, bưởi có thể xuất ra thị trường. Những trái bưởi Cát Tường đạt chất lượng đều in rõ bàn tay năm ngón thon dài như bàn tay Phật.

Thu lợi “khủng” nhờ đi tiên phong

Việc tung ra sản phẩm bưởi lễ Cát Tường năm nay là thành công của ông và đối tác. Ông Thành cho biết sản phẩm bưởi Cát Tường năm nay tung ra thị trường cũng chỉ ở giai đoạn thử nghiệm. Nếu phản hồi tốt, việc mở rộng diện tích vườn bưởi là việc nên làm trong năm sau. Đây là bước tiến mới cho những nhà vườn trồng bưởi ở miền Tây.

Khoảng 4 năm trở lại đây, thị trường cả nước mới quen dần với khái niệm trái cây tạo hình. Tuy nhiên, ít ai biết rằng từ ý tưởng đến những sản phẩm được tung ra thị trường và cả một quá trình thấm đầy mồ hôi, nước mắt của lão nông Võ Trung Thành. Lần về quá khứ, lão nông này không khỏi bồi hồi nhớ lại những ngày tháng cơ cực nhưng tràn đầy nhiệt huyết. Gần chục năm trước, sau những thất bại trong cuộc sống, Ba Thành (tên thường gọi của ông) trở về nhà với gia tài là vườn bưởi xơ xác. “Trước đó, tôi là giáo viên tiểu học rồi bỏ ngang đi làm ăn. Thất bại thì chuyển sang xe đạp lôi. Sau này xe lôi cũng bị cấm, tôi về nhà làm nông dân”, Ba Thành nhớ lại.

Cải tạo lại vườn bưởi cũng đủ giúp cho gia đình nhỏ của ông sống qua ngày. Tuy nhiên, trong bầu nhiệt huyết của người đàn ông này, khát khao làm giàu luôn cháy bỏng. Nhưng tài sản chỉ còn một vườn bưởi và số nợ hàng chục triệu đồng như kìm nén mọi khát vọng trong con người ông lại. Việc nhen nhóm ý tưởng trái cây tạo hình đối với Ba Thành là một quá trình dài mà thiết nghĩ nếu không có sự kiên trì, quyết tâm thì khó mà thành công được.

Số là trong một dịp ra thăm vườn bưởi, Ba Thành thấy một trái bưởi bị chẹt giữa hai nhánh cây nhưng vẫn phát triển bình thường. Thấy lạ, Ba Thành để vậy theo dõi. Đến lúc thu hoạch, thấy trái bưởi này bị nhánh cây chèn biến dạng nhưng màu sắc và chất lượng bên trong thì không thay đổi. Một ý tưởng lóe lên trong đầu lão nông này, Ba Thành ấp ủ tạo hình cho bưởi. "Ban đầu, tôi tạo những hình đơn giản như hình vuông, chỉ cần lấy cái hộp nhựa bao ngoài trái bưởi. Chờ bưởi lớn tháo ra thì trái bưởi đúng vuông thật nhưng nhìn không đẹp mắt. Tôi nghĩ ra hàng loạt những kiểu mẫu không giống ai. Cuối cùng, tôi nghĩ hình hồ lô là đẹp nhất và “duyên nhất”. Ý tưởng đã có nhưng con đường thực hiện mới lắm gian nan.

Ông Thành lang thang từ Hậu Giang lên Cần Thơ rồi ngược lên Sài Gòn đi tìm nơi có thể sản xuất những chiếc khuôn hình hồ lô như mình yêu cầu. “Thời gian này tôi thấy tôi say mê với mấy trái bưởi quá, gia đình ai cũng khuyên can. Chẳng ai tin tôi làm nên kỳ tích. Lúc này tôi có hoạt động trong hội khuyến nông của ấp, cũng không ai ủng hộ cả. Nhưng tôi thì ngược lại, luôn có niềm tin mãnh liệt vào ý tưởng của mình”, ông Thành xúc động kể lại.

Vậy là sau bao nhiêu năm nghiên cứu, năm lần bảy lượt sửa đổi, cải thiện khuông sản phẩm, những trái bưởi tạo hình hồ lô được tung ra thị trường. Làng quê nghèo xã Phú Tân không ngớt bàn tán xôn xao, Ba Thành lập lên kỳ tích. Mỗi trái bưởi bình thường chỉ có khởi điểm vài chục nghìn đồng. Nay được tạo hình bán với giá vài trăm ngàn đồng. Ngay cả trong mơ, các nhà vườn ở đây cũng không nghĩ tới. Ông Thành đem sản phẩm của mình đi triển lãm, dự thi ở nhiều hội thi và đánh giá tốt, đoạt giải thưởng cao. Trước thành công đó, lão nông này quyết định đăng ký độc quyền sản phẩm này của mình.

Theo MTG

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn