Chăm sóc vườn hoa sử dụng giống cấy mô tại làng hoa Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc, Đồng Tháp. |
Những ngày gần đây, các làng hoa kiểng Tết ở khu vực ĐBSCL như Cái Mơn (Bến Tre), Mỹ Phong (Mỹ Tho, Tiền Giang), Sa Đéc (Đồng Tháp)... đang trong không khí tất bật vào mùa sản xuất hoa kiểng.
Tuy nhiên khác với mọi năm, nhà vườn không còn tập trung vào các loại hoa kiểng Tết truyền thống mà giới thiệu nhiều giống hoa mới, vừa chưng Tết vừa dùng cho trang trí văn phòng và có thể xuất khẩu.
Những ngày qua, thương lái từ Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long tìm đến cơ sở hoa kiểng của ông Trần Văn Phương (P.Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc) đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm lily trồng chậu mặc dù ông chỉ mới gieo trồng được vài ngày.
Theo Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp, vụ hoa Tết năm nay trung tâm cung cấp cho nông dân trên địa bàn khoảng 150.000 cây giống cấy mô, chủ yếu là các loại cúc mâm xôi, cúc tiger, hoa đồng tiền, hoa chuông... |
Ngoài ra, ông cũng trồng hơn 50.000 giỏ dạ yến thảo theo đơn đặt hàng của đối tác.
Tương tự, ông Trần Văn Tiếp (xã Tân Khánh Đông) cho biết đã chuẩn bị khoảng 60.000 giỏ hoa các loại, trong đó 30.000 giỏ hoa chuồn chuồn đã được một đối tác lớn tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) đặt hàng. Ngoài ra, ông cũng sẽ trồng hai giống mới là dạ yến thảo và cúc Zinnia (giống Nga) với đường kính hoa lên đến 13 cm.
Dạo quanh nhiều nhà vườn trồng hoa tại P.Tân Quy Đông và xã Tân Khánh Đông (TP.Sa Đéc) có thể nhận thấy nhiều giống hoa, cây kiểng mới được nhập từ Hà Lan, Mỹ như ớt Peter, hoa Mimulus, dâu tây trồng chậu, lily Robina, lily Conca D’or...
Đặc biệt, nhiều nông dân tại làng hoa Sa Đéc đã sử dụng cây giống cấy mô nhằm có nhiều giống mới, hoa đẹp hơn.
Theo ông Đỗ Văn Thậm - trưởng Phòng kinh tế TP.Sa Đéc, các giống cấy mô đều được tiêu thụ mạnh, tìm được đầu ra ổn định vì chất lượng tốt, giá cả phải chăng hơn so với các giống truyền thống.
“Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái như những năm trước, nhiều nhà vườn trên địa bàn cũng làm ăn trực tiếp với doanh nghiệp và đối tác, trồng hoa theo đơn đặt hàng” - ông Thậm cho biết.
Dẫn chúng tôi thăm quan vườn cúc mâm xôi gần 3.000 giỏ được trồng bằng giống cấy mô, anh Trần Quốc Hưng (xã Tân Khánh Đông) cho biết dù mới xuống giống được hơn hai tháng nhưng vườn cúc đã vươn cao, cây phát triển đồng đều, các cơi đọt xanh tốt. Đây là năm thứ ba anh chuyển sang trồng giống cấy mô.
Ông Phạm Phước Lợi, giám đốc Hợp tác xã hoa kiểng Tân Quy Đông, cho biết năm nay hợp tác xã đã đặt hàng hơn 10.000 cây hoa đồng tiền cấy mô, hiện cây giống đang phát triển tốt, dự định cung ứng ra thị trường đúng dịp Tết.
“So với giống truyền thống, kỹ thuật trồng hoa cấy mô không quá khác biệt. Nhu cầu thị trường ngày càng thay đổi, phải trồng nhiều giống hoa đẹp, giá cả phải chăng mới thu hút được khách hàng”, ông Lợi chia sẻ.
Anh Sơn, một người trồng tắc kiểng nổi tiếng ở huyện Chợ Lách, cho biết dù vẫn tiếp tục trồng tắc kiểng và đầu tư vào loại cây này khá nhiều nhưng cũng dự phòng trồng thêm một số mặt hàng khác như mai, cúc... “Nếu lỡ tắc không bán được thì còn mặt hàng khác bù lỗ”, anh Sơn nói.
Theo anh Sơn, do chỉ tập trung mỗi loại tắc kiểng, mùa hoa Tết năm ngoái anh đã bị thất bại nặng.
“Chiều 30 Tết (18/2), gian hàng của tôi ở chợ hoa Bến Bình Đông (TP.HCM) vẫn nguyên 100 cây tắc trái xum xuê. Mời chào khản cả cổ họng cũng không ai mua, cuối cùng tôi phải chịu lỗ bán đổ bán tháo để kịp về ăn Tết”, anh kể lại.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Thu, chủ vườn kiểng Hoàng Duy (quốc lộ 57, xã Hưng Khánh Trung, Chợ Lách, Bến Tre), thay vì tập trung cho mùa hoa Tết như mọi năm, năm nay gia đình bà còn đầu tư vào các loại cây văn phòng và xuất khẩu hoa ra nước ngoài.
Theo bà Thu, xu hướng chưng cây cảnh trong dịp Tết của người dân đã chuyển từ các loại cây cảnh công trình qua cây cảnh văn phòng có kích cỡ nhỏ và cây dây leo.
Do đó, ngoài việc tập trung cho cây phát tài búp sen - loại cây được người dân miền Nam ưa dùng để chưng trong nhà dịp Tết, vườn bà Thu còn có các loại cây như dứa phụng hoàng, phú quý, đinh lăng, vạn phúc, phước lộc...
Đặc biệt, hiện nay mỗi tháng vườn kiểng của bà Thu đã xuất sang thị trường Nhật Bản mỗi tháng 5.000-10.000 giỏ cây hạt dưa, đôla... doanh thu khoảng 100 triệu đồng một tháng.
Ông Trương Văn Nhung, chủ nhiệm Hợp tác xã hoa kiểng Mỹ Phong (Mỹ Tho, Tiền Giang), cho biết đây là năm đầu tiên làng hoa Mỹ Phong đầu tư trồng hoa cát tường (lấy giống từ Đà Lạt) với khoảng 80.000 chậu, thay vì tập trung vào các loại hoa Tết truyền thống.
Ngoài ra, theo Phòng kinh tế TP.Mỹ Tho, năm nay phòng cũng hỗ trợ nông dân một số giống mới phục vụ Tết như cà chua, ớt chuông, dâu tây... với hy vọng loại “hàng độc” này sẽ làm phong phú thêm cho vùng hoa, từ đó hút khách hơn.
Bà Nguyễn Thị Ngọc - Chủ tịch UBND P.Tân Quy Đông - cho biết trước khi vào vụ trồng hoa Tết năm nay, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng các hợp tác xã, hiệp hội hoa làm việc với các nhà vườn, đồng thời khuyến cáo giảm diện tích những loại hoa truyền thống như cúc mâm xôi, cúc đồng tiền để chừa diện tích trồng hoa hồng, cây công trình và cây trang trí nội thất.
“Với sự chuyển hướng mới này, hy vọng người dân trồng hoa, cây cảnh không còn lo bị dội chợ như trước đây”, bà Ngọc nói.
Nên kéo dài thời gian cho chợ hoa TếtÔng Dương Văn Huyền, chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ - sản xuất kinh doanh cây giống và hoa kiểng Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre), cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dội chợ hoa Tết những năm gần đây là do một số điểm bán đóng cửa ngay sáng ngày cuối cùng của năm cũ để làm vệ sinh. Trong khi tâm lý của người dân thường đi mua sắm trong ngày cuối cùng này để mua được hàng giá rẻ. Do đó, theo ông Huyền, nên tạo điều kiện cho người dân được bán hoa đến hết ngày cuối cùng của năm cũ. “Các nhà vườn sẵn sàng chấp nhận trả thêm 300.000-500.000 đồng/ngày ngoài tiền thuê chỗ để trả công cho công nhân vệ sinh dọn dẹp, nhằm kéo dài thời gian cho người bán hoa được bán thoải mái hơn trong ngày cuối năm cũ”, ông Huyền đề xuất. |
Theo TTO