Tạm dừng nhập khẩu chất tạo nạc trong chăn nuôi

Thứ tư, 02/12/2015, 15:46
Cục Quản lý dược - Bộ Y tế mới có văn bản số 21590/QLD-KD gửi Tổng cục Hải quan, trong đó ghi rõ tạm dừng nhập khẩu các nguyên liệu Salbutamol và Clenbuterol kể từ ngày 20/11/2015 cho đến khi có thông báo mới.

Được biết đây là các nguyên liệu sản xuất thuốc đang bị sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi (để tạo nạc).

Cục Quản lý dược cũng yêu cầu các công ty chỉ được dùng các nguyên liệu Salbutamol và Clenbuterol đã nhập khẩu để sản xuất thuốc tại công ty hoặc bán cho các công ty khác có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc phạm vi sản xuất thuốc hoặc phạm vi bán buôn nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về dược.

Các công ty phải thực hiện đầy đủ cung cấp thông tin liên quan đến 2 nguyên liệu trên khi các cơ quan chức năng yêu cầu.

Salbutamol - một trong 3 chất thuộc nhóm beta-agonist, bị cấm sử dụng trong chăn nuôi từ năm 2002. Không chỉ tại Việt Nam, từ lâu, Salbutamol là chất đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi theo quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc.

Các xét nghiệm lâm sàng đã chứng minh tác hại nghiêm trọng đối với người tiêu dùng thực phẩm tồn dư Salbutamol. Trường hợp ngộ độc nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Salbutamol được dùng để điều trị một số bệnh như: suy tim, hen suyễn, bệnh phổi mãn tính... Theo quy định, loại thuốc này phải được quản lý nghiêm ngặt từ khâu bào chế đến khâu lưu thông. Tuy nhiên, tại các chợ thuốc, bất kỳ ai cũng có thể mua Salbutamol với số lượng không hạn chế và không cần phải có đơn thuốc của bác sĩ.

Một số chuyên gia cảnh báo, nếu ăn thịt tồn dư Salbutamol một thời gian dài, phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú, suy yếu hệ thống miễn dịch...

Clenbuterol trong khi đó là chất có tác động kích thích tăng nạc (giảm mỡ) giống như thuốc, nhưng không là hợp chất hữu cơ có chứa steroid. Nó được xếp vào vào nhóm thuốc có tính gây nghiện mạnh thuộc nhóm beta-2-agonists, tính chất tương tự như adrenaline và amphetamines có tác dụng phụ làm gia tăng nhịp tim, tăng huyết áp và đổ nhiều mồ hôi.

Chất Clenbuterol đã được khởi đầu sử dụng nhằm đảm bảo sức khỏe của ngựa, như: điều trị viêm phổi và làm nhẹ bớt những triệu chứng gây ra do hội chứng bệnh suyễn trên ngựa. Ngoài ra, clenbuterol có tác dụng chính là làm giảm nhanh lượng mỡ trong cơ thể động vật (bằng cách giải phóng acid béo tự do từ mô mỡ) và tăng khối lượng cơ.

Việc sử dụng clenbuterol trong chăn nuôi gia súc đã bị cấm ở Liên minh châu Âu. Lệnh cấm này cũng áp dụng cho việc nhập khẩu thịt ở các nước thành viên EU và nhiều nước khác trên thế giới.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn