Sau hơn 30 phút chở 2.000 gốc lay ơn tới 4 địa điểm thu mua hoa dọc Quốc lộ 20 để bán tháo, mong vớt vát được “chút đỉnh” nhưng anh Nguyễn Văn Hưng (ngụ xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm đồng) buộc phải quay về nhà.
Các địa điểm thu mua hoa từ chối vì lay ơn của anh đã nở đỏ rực, không thể trữ vào kho lạnh chờ Tết bán. Để giải quyết đầu ra cho số hoa ế, anh Hưng chở ngược lên đèo Prenn, cửa ngõ đi vào TP.Đà Lạt và gọi điện cho cô con gái đứng bán lẻ cho khách đi đường với giá 1.000 đồng/cây.
Không thể mua cao giá hơn
Mùa Tết năm nay, vợ chồng anh Hưng đầu tư gần 100 triệu đồng trồng 5.000m2 hoa lay ơn. Theo tính toán của anh, chỉ cần bán với giá tương đương mùa Tết năm trước, tức khoảng 3.000 đồng/cây, với diện tích này gia đình anh có thể lời ít nhất 150 triệu đồng.
Tuy nhiên, hoa không “nghe lời” chủ, mới đầu tháng Chạp thì nhiều cây đã vươn cao và bung hoa. Đến nay, trên 80% diện tích đã nở, buộc phải thu hoạch. Với giá bán cao nhất là 1.000 đồng/cây, anh Hưng xác định lỗ khoảng 50 triệu đồng.
Dọc xã Hiệp An, người dân chở hoa ngược xuôi tìm mối bán |
Ông Lê Văn Thìn (ngụ cùng xã Hiệp An) còn bi đát hơn. Nhà nghèo không đất canh tác, quanh năm vợ chồng ông đi làm thuê nuôi 5 con ăn học. Cuối năm dư được ít tiền, ông mạnh dạn vay thêm và thuê 2.000m2 đất để trồng lay ơn bán Tết. “Hoa thế này thì chết tôi rồi. Bán không được, thương lái họ chê hoa nở sớm, không mua. Đấy! Ai lấy thì tôi cho không chứ bán là không có người mua!” - ông Thìn chua chát.
Tại xã Hiệp An, rất nhiều thương lái từ các nơi đưa xe về đây mua lay ơn. Bà Hoàng Thị Vân, thương lái đến từ tỉnh Bình Định, cho biết: “Xót xa cho người trồng quá nhưng chúng tôi không thể mua cao giá hơn được vì hoa nở hết rồi”. Tuy nhiên, cũng có tin những thương lái có kho lạnh đã đến Hiệp An tranh thủ mua lay ơn giá rẻ về trữ kho, chờ Tết tung ra bán.
Dọc Quốc lộ 20, đoạn từ xã Hiệp Thạnh đến xã Hiệp An của huyện Đức Trọng dài khoảng 15km, nhiều người dân ngược xuôi chở hoa đến các địa điểm thu mua bán tháo với giá rẻ như cho. Nhiều gia đình còn chất hoa dọc quốc lộ, chở lên đèo Prenn hoặc TP. Đà Lạt bán dạo với giá chỉ 10.000 đồng/bó 10 cây. Nhiều người trồng hoa khẳng định lay ơn đã nở tới 80% diện tích.
Buộc phải bán tháo
Tại TP.Đà Lạt, người trồng hoa cũng lâm vào cảnh tương tự. Tại đây, ước tính đã có tới 80% diện tích hoa cát tường, 40% hoa lily, 10% hoa cúc trồng phục vụ Tết nhưng hiện đã nở nên buộc phải bán tháo, chấp nhận thua lỗ nặng.
Theo ông Phan Trọng Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp An, thống kê sơ bộ mùa lay ơn Tết năm nay xã có khoảng 360ha, chưa kể người dân địa phương thuê đất ở nhiều nơi khác để trồng với diện tích rất lớn. Dân Hiệp An đã có hàng chục năm kinh nghiệm trồng lay ơn Tết nhưng năm nay, hoa vượt khỏi tầm kiểm soát của người trồng.
Hàng loạt nhà vườn trồng hoa, kiểng ở ĐBSCL cũng đang đứng ngồi không yên do chưa Tết nhưng hoa, kiểng đã đua nhau khoe sắc. Tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long và huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, hàng loạt hộ trồng vạn thọ, cúc mâm xôi phải mang hoa ra ven đường bán với giá rẻ do hoa đã nở và sắp tàn.
Anh Nguyễn Trí Tâm, một hộ trồng hoa ở xã Đông Phước (huyện Châu Thành) thắc mắc không hiểu sao mọi năm cũng xuống giống vạn thọ như năm nay nhưng nở đúng dịp Tết. Thế nhưng, năm nay còn hơn 10 ngày nữa mới đến thời khắc đón Xuân mà hàng trăm chậu cúc, vạn thọ của anh đã nở bung, vàng rực.
Tại các điểm bán hoa kiểng Tết ở TP.Cần Thơ, dù mai kiểng về chưa nhiều nhưng dễ dàng nhận thấy có không ít chậu đã nở vàng rực. Anh Quang, một người kinh doanh hoa kiểng tại chợ hoa ở bến Ninh Kiều, cho biết năm nay thời tiết thay đổi bất thường, mưa trái mùa vào những ngày cận Tết nên mai nở sớm.
Theo NLĐ