“Thiên đường” hàng Trung
Những ngày cuối năm này, đến khu chợ đêm Hạnh Thông Tây (Gò Vấp) sẽ dễ dàng thấy cảnh kẹt xe ngay từ ngoài cổng chợ. Những gian hàng san sát, người mua tấp nập. Đến chợ này người ta có thể mua đủ thứ từ quần áo, giày dép, túi xách, đồ phụ kiện như đồng hồ, thắt lưng (hàng người lớn, trẻ em đủ cả), thậm chí trong chợ còn khá nhiều cửa hàng chuyên phụ kiện điện thoại, máy tính…
Và có một điều dễ nhận thấy là hàng hóa ở đây giá thành rất hợp túi tiền, chỉ dao động từ vài chục ngàn đến khoảng hơn ba trăm ngàn, nhưng mẫu mã rất phong phú. Và người ta cũng công khai những mặt hàng này là Trung Quốc chứ chẳng phải e dè.
Những mặt hàng đồ chơi trẻ em Trung Quốc rất độc hại nhưng vẫn được bày bán tràn lan, lý do: hàng đồ chơi nhập từ các nước khác quá đắt, hàng Việt Nam không rẻ nhưng đơn điệu cả về mẫu mã lẫn tính năng.
Có chăng chỉ có một vài mặt hàng quần áo, giày dép trẻ em được gắn mác “made in Vietnam” hoặc “made in Cambodia”, bởi tâm lý chung của hầu hết phụ huynh là mình mặc hàng Trung Quốc được nhưng con thì không.
Những mặt hàng đồ chơi trẻ em Trung Quốc rất độc hại nhưng vẫn được bày bán tràn lan, lý do: hàng đồ chơi nhập từ các nước khác quá đắt, hàng Việt Nam không rẻ nhưng đơn điệu cả về mẫu mã lẫn tính năng.
Không chỉ riêng khu chợ này mà dọc con đường Quang Trung (quận Gò Vâp) cứ tối đến là những gian hàng nho nhỏ được bày bán dọc vỉa hè. Công an, quản lý thị trường đến thì dẹp, còn không vỉa hè trở thành nơi buôn bán rất sầm uất. Và đương nhiên, người bán cũng chỉ kinh doanh phần đa là hàng Trung Quốc.
Những khu chợ bán hàng Trung Quốc hay những con đường bán hàng Trung Quốc kiểu như vậy khá phổ biến ở TP.HCM. Như con đường Nguyễn Trãi (quận 5) mỗi tối đến cũng la liệt hàng quán. Đôi khi để người tiêu dùng an tâm họ cũng gắn những cái mác “made in Vietnam”, còn hàng có phải của Việt Nam hay không người mua chỉ biết “bắc thang lên hỏi ông trời”.
Thậm chí, ngay trong những khu trung tâm mua sắm như Saigon Square, nơi thường được biết đến là chỗ bán hàng Việt Nam xuất khẩu nhưng thực chất cũng chẳng khó khăn gì để tìm mua các mặt hàng Trung Quốc.
Mặt hàng đồ chơi trẻ em Trung Quốc rất độc hại nhưng vẫn được bày bán tràn lan. |
Với các mặt hàng thời trang, việc công khai hàng Trung Quốc với tiểu thương là chuyện bình thường vì người tiêu dùng vẫn cứ mua. Nhưng với những mặt hàng ăn uống như bánh, mứt, kẹo… người buôn có phần dè chừng hơn và đa số cố bọc hàng hóa của mình những cái mác hàng Việt Nam, hàng của cơ sở nhỏ gia công.
Dễ thấy nhất là ở khu chợ Bình Tây (quận 6), cuối năm cũng được xem là mùa làm ăn của những tiểu thương khu chợ này. Những quầy hàng bánh, kẹo, mứt san sát, hàng hóa thường được để trong những bịch lớn, bán cân, không hề có nhãn mác (cũng có loại có nhưng mác lại là chữ Hoa), đặc biệt ít khi có hạn sử dụng. Nhưng điều kỳ lạ là gần như người mua cũng không quan tâm chất lượng.
Họ dường như đã là những mối rất quen của nhau. Phần lớn khách vào chợ này mua buôn về bán tại các tỉnh, thành khu vực miền Tây. Kiểu bán hàng cân ký này cũng dễ dàng thấy khi đến chợ An Đông (quận 5) hay thậm chí ngay chợ Bến Thành (quận 1).
Nhập khẩu vẫn lớn
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 11, cả nước chi 44,99 tỉ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Với kết quả trên, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc trong 11 tháng vượt cả mức nhập khẩu của cả năm 2014 tới 1,29 tỉ USD. Như vậy, trung bình mỗi tháng của năm 2015 cả nước chi gần 4,1 tỉ USD để nhập hàng Trung Quốc.
Song đó chỉ là những con số chính thức được Tổng cục Hải quan thống kê, còn hàng nhập theo đường tiểu ngạch cũng không ít nhưng chưa thể thống kê được. Chỉ biết mỗi ngày ra đường vẫn đối mặt với rất nhiều những sản phẩm Trung Quốc.
Những ngày gần đây, trên một số trang mạng có rao bán sản phẩm dưa lê Thần Tài, với mức giá chỉ vài chục ngàn đồng một quả nên thu hút được nhiều sự quan tâm. Và đáng quan ngại, nhiều người khẳng định đây là hàng Trung Quốc, thậm chí có nhiều thông tin còn cho rằng mặt hàng này rất độc hại nhưng một số người tiêu dùng lý giải chỉ mua về chưng, không ăn nên cũng không lo.
Thực ra, nói về những sản vật nông sản đặc sắc cho ngày Tết, Việt Nam có rất nhiều như dưa hấu thỏi vàng, bưởi hồ lô… và mới đây nhất là sản phẩm trái dừa tươi mang chữ tài lộc do một nông dân Bến Tre tạo ra.
Song, điểm chung của những sản phẩm này là giá quá cao, từ vài trăm ngàn đến vài triệu, thậm chí cả chục triệu đồng, mà mức giá này không hợp túi tiền với phần đông người tiêu dùng. Giá rẻ có lẽ là nguyên nhân đầu tiên khiến hàng Trung Quốc vẫn có thể đứng vững tại thị trường Việt Nam. Và như đã nói, phần nhiều phụ huynh chỉ ưu tiên mua hàng tốt cho con, còn bản thân mình sao cũng được.
Hiện nay, biết được tâm lý lo ngại hàng Trung Quốc độc hại, nhiều người bán hàng, nhất là bán hàng online, đang chuyển hướng để giảm bớt lo ngại cho người tiêu dùng. Đó là vẫn nói hàng Trung Quốc nhưng là hàng Trung Quốc xuất khẩu sang phương Tây, an tâm chất lượng.
Đúng là hàng ở nước nào cũng có loại này, loại kia, ngay cả Trung Quốc cũng thế. Nhưng với những người bán buôn ở chợ hay những người bán hàng trên các mạng xã hội, làm sao kiểm chứng họ lấy hàng Trung Quốc “xịn”. Vì thế, để giảm thiểu sự hiện diện của hàng Trung Quốc, không còn cách nào khác DN Việt Nam phải vào cuộc mạnh mẽ hơn.
Theo Đầu tư tài chính