Nhu cầu đối với sản phẩm chocolate trên thế giới đang tăng mạnh, đặc biệt là tại các nước Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng sản lượng nguyên liệu ca cao lại đang đi xuống. Điều này khiến giá ca cao tăng gần 40% kể từ năm 2012.
Theo Euromonitor, nhu cầu chocolate toàn cầu năm 2015 đã tăng 0,6% lên 7,1 triệu tấn. Riêng thị trường Châu Á đã tăng 5,9%.
Trong khi đó, sản lượng ca cao lại giảm 3,9% xuống 4,2 triệu tấn. Dù thành phần của chocolate còn có đường và sữa nhưng ca cao vẫn là nguyên liệu chủ yếu để làm sản phẩm này.
Trong mùa thu hoạch ca cao chính năm 2015, sản lượng của Ghana, nước trồng ca cao lớn thứ 2 thế giới, đã giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng của quốc gia trồng ca cao lớn nhất thế giới là Bờ biển Ngà cũng chỉ tăng nhẹ 2,8%.
Tổng sản lượng ca cao của 2 nước trên chiếm 60% sản lượng toàn cầu và nhiều chuyên gia dự báo vụ thu hoạch năm nay sẽ thấp hơn năm trước.
Thời tiết, môi trường và kỹ thuật canh tác
Nguyên nhân đầu tiên cho tình trạng trên là tuổi thọ của các cây ca cao đã qua thời cho năng suất đỉnh cao. Chính phủ Ghana ước tính khoảng 40% số cây ca cao tại đây cho năng suất không hiệu quả bởi đã quá già hoặc bị lây lan các loại bệnh dịch.
Sau nhiều năm trồng cây ca cao theo phương pháp thủ công, người nông dân tại Ghana hay Bờ biển Ngà đang phải đối mặt với thực trạng xói mòn đất đai. Những cánh đồng trồng ca cao của họ không còn được màu mỡ như trước đây.
Hơn nữa, phương pháp canh tác thủ công truyền thống của người dân cũng đem lại hiệu quả không cao. Dù chính phủ và các công ty thu mua ca cao đã cố gắng trang bị kiến thức cũng như công nghệ cho người dân nhưng truyền thống này xem ra khó bị thay đổi.
Bình thường một cây ca cao cần 2-4 năm để có thể thu hoạch nên dù muốn thì người nông dân cũng không thể tăng sản lượng trong ngắn hạn.
Trong khoảng 2011-2013, hãng sản xuất bánh kẹo và chocolate nổi tiếng Hershey kết hợp cùng Hiệp hội ca cao quốc tế (WCF) đã thực hiện dự án gửi các thông tin về thời tiết cũng như marketing cho nông dân thông qua tin nhắn và email để tăng năng suất. |
Tuy vậy, kết quả đạt được không thật sự khả quan khi người dân đã quen canh tác theo phong cách truyền thống.
Chính phủ một số nước như Ghana cũng không thực sự đồng tình với các kỹ thuật mới. Họ cho rằng quan điểm trồng ca cao trên những cánh đồng rộng lớn theo phương pháp hiện đại có thể tăng năng suất nhưng cũng dễ dàng lây lan các loại bệnh dịch nếu không chăm sóc cẩn thận.
Ngoài ra, kể cả được hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ thì người dân các nước trồng ca cao vẫn phải đối mặt với vấn đề thời tiết.
Hiện tượng El Nino, nhiệt độ toàn cầu tăng lên và những luồng gió nóng từ sa mạc Sahara đã ảnh hưởng đến sự phát triển của các cây ca cao, qua đó khiến sản lượng giảm xuống ở các nước trồng ca cao chủ chốt.
Việc suy giảm năng suất, thậm chí là mất mùa đã khiến nhiều nông dân tại Ghana hay Bờ biển Ngà bán đất cho những công ty khai thác vàng để lên thành phố kiếm việc. Xu thế này lại càng khiến sản lượng ca cao đi xuống hơn nữa.
Bên cạnh đó, động thái nâng giá thu mua ca cao của chính phủ Ghana nhằm khuyến khích người dân dùng số tiền dư đó để mua thêm phân bón và đầu tư vào trang trại cũng đem lại tác dụng ngược.
Lý do là bởi chính phủ đã phân phát miễn phí cho nông dân một lượng phân bón nhất định và việc mua thêm hay không đối với người dân trở nên không thực sự cần thiết.
Hậu quả là nhiều người nông dân không dùng khoản tiền dư đó để đầu tư vào trang trại mà giữ cho bản thân hoặc chi tiêu vào các thứ khác. Chính phủ Ghana sau đó đã phải rút lại quyết định này vào năm 2015.
Đầu cơ
Trong khi giá hầu hết các loại hàng hóa nông sản và nguyên vật liệu suy giảm trong năm 2015, giá ca cao lại tăng khoảng 10%. Đây là loại hàng hóa có biểu hiện tốt nhất trong chỉ số đo lường các hàng nông sản S&P GSCI Index.
Tình trạng ca cao tăng giá đã khiến các hãng sản xuất chocolate hàng đầu thế giới như Hershey, Nestle hay Lindt & Sprungli tăng giá bán sản phẩm của mình.
Việc giá ca cao tăng cũng không khiến các trang trại trồng ca cao có nhu cầu tăng sản lượng bởi họ được mua hạt giống từ chính phủ với mức giá cố định, khiến việc đầu cơ tạo tình trạng khan hiếm giả trên thị trường có lợi hơn.
Khác với ngô và bột mì không để được quá lâu, hạt ca cao càng để lâu có giá càng cao, tạo điều kiện cho các thương lái tích hàng trong kho đẩy giá lên cao hơn.
Lao động trẻ em
Một khó khăn nữa mà các trang trại trồng ca cao đang phải đối mặt là vấn nạn lao động trẻ em. Nghiên cứu mới đây của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tỷ lệ bóc lột lao động trẻ em tại Ghana và Bờ biển Ngà đã tăng 18% trong khoảng 2008 - 2014.
Hệ thống giám sát lao động trẻ em của Nestle cũng ghi nhận khoảng 4.000 trẻ em đang bị bóc lột tại Bờ biển Ngà trong năm 2013.
Trẻ em lao động tại trang trại ca cao Tây Phi |
Chính phủ của cả Ghana và Bờ biển Ngà đều cấm lao động trẻ em nhưng họ không thể kiểm soát hết tất cả các trang trại. Tại nhiều vùng nông thôn, trẻ em buộc phải lao động để kiếm sống cho bản thân và gia đình.
Theo một khía cạnh khác, nhiều người cho rằng việc trẻ em lao động tại các trang trại trồng ca cao là một điều tốt trước tình trạng thanh thiếu niên ngày càng bị thu hút lên thành phố làm việc.
Việc thu nhập từ trồng ca cao không thực sự cao đang khiến lao động bỏ đi làm việc khác. Dù yếu tố này khiến giảm sản lượng và tăng giá bán nhưng lại không phải là thông tin tích cực trong dài hạn.
Theo Tri Thức Trẻ