Mua thịt sạch ở đâu?

Thứ năm, 21/01/2016, 10:58
Nhu cầu sử dụng thịt sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là rất lớn

Đây là câu hỏi của hầu hết người dân TP.HCM trước tình trạng sử dụng chất cấm tràn lan trong chăn nuôi.

Theo thông tin mới nhất, chỉ qua 9 ngày kiểm tra số lượng heo sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị phát hiện lên đến gần cả ngàn con, chiếm tỷ lệ đến 30% tổng số heo bị kiểm tra, tăng gấp 2 - 3 lần so với trước kia, khiến nhiều người tiêu dùng càng thêm lo lắng cho bữa ăn hằng ngày của gia đình mình. Vì thế, nhu cầu tìm mua thịt sạch càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ.

Người tiêu dùng mua thịt tại cửa hàng VietGAP của An Hạ

Trả tiền trước để mua được thịt sạch

Cửa hàng thịt heo theo tiêu chuẩn VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở VN) đầu tiên ở TP.HCM được khai trương ngày 9-10-2015 tại chợ Hòa Bình (Q.5). Thịt được bán ở đây đảm bảo truy xuất nguồn gốc an toàn từ trại nuôi đến người tiêu dùng.

Đây là chương trình thuộc dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP), do Sở NN-PTNT TP.HCM phối hợp UBND Q.5, Công ty TNHH dịch vụ An Hạ (Công ty An Hạ) tổ chức. Cửa hàng đi vào hoạt động đã hút được một lượng khách hàng rất lớn.

Trong vai một người tiêu dùng, chúng tôi trở lại cửa hàng để tìm hiểu tình hình kinh doanh. Có khoảng 5 - 7 khách đang quây quanh gian hàng lựa mua thịt, mỗi người mua cùng lúc vài ba loại, mỗi loại từ 1 - 2kg. Thấy một nhân viên đang cân miếng sườn khoảng hơn 5kg, chúng tôi chen vào hỏi mua 1kg sườn thì người này cho biết: “Hôm nay sườn đã hết hàng, số sườn này của khách đặt từ hôm qua”.

Thấy miếng sườn khá lớn, chúng tôi nài “Chia bớt cho em một ký đi” thì một chị đứng cạnh ngắt lời: “Cái này chị đặt mua và trả tiền trước từ hôm qua rồi, không chia cho em được đâu”. Ngoài sườn, chị này còn mua thêm 1,5kg thịt cốt lết, 2,5kg thịt đùi “để ăn dần”. “Mấy lần trước do không đặt hàng thường không mua được loại thịt như mong muốn. Mua ở các cửa hàng khác thì không yên tâm” - chị này nói thêm.

Theo quan sát của chúng tôi, khách ở đây đều là những người bình dân, các bà nội trợ đúng nghĩa. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng thịt sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là rất lớn. Đó là nhu cầu của tất cả người tiêu dùng chứ không riêng một bộ phận hay tầng lớp nào trong xã hội. Theo nhân viên cửa hàng, mỗi ngày họ bán khoảng 300kg thịt các loại và đến khoảng 9 giờ đã hết sạch.

Kiểm soát chặt nguồn thịt

Hiện nay, An Hạ có 9 cửa hàng (8 ở TP.HCM và 1 ở Bình Dương) kinh doanh thịt heo VietGAP. Ngoài ra, công ty còn nhận đặt hàng qua điện thoại và giao hàng tận nơi cho khách. Bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty An Hạ, cho biết: “Hiện số lượng heo theo tiêu chuẩn VietGAP còn có hạn, mỗi ngày chỉ cung ứng ra thị trường được khoảng trên 200 con. Vì thế, nhiều tiểu thương muốn nhận thịt của An Hạ về bán nhưng do họ không đảm bảo được các yêu cầu về an toàn vệ sinh nên công ty không dám giao, vì sợ họ trộn thịt khác vào bán đánh lừa khách hàng”.

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, cho biết thành phố đang nỗ lực trong việc quản lý, kiểm tra kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng thịt. “Chúng tôi đã triển khai trên địa bàn và phối hợp với các tỉnh xây dựng chuỗi kiểm soát an toàn thực phẩm từ khâu chăn nuôi đến khâu sơ chế, giết mổ và phân phối. Đến nay, đã công nhận 8 công ty tham gia chuỗi trứng gà với lượng cung cấp hơn 1,1 triệu quả/ngày. Bên cạnh đó có 8 công ty tham gia chuỗi thịt gà, lượng cung cấp 24.350 con/ngày và 8 công ty tham gia chuỗi thịt heo, lượng cung cấp 915 con heo/ngày” - bà Cúc nói.

Cũng theo bà Cúc, đối với việc phối hợp kiểm soát tiêu thụ thịt heo được chứng nhận VietGAP, hiện An Hạ ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 749 hộ chăn nuôi thuộc dự án LIFSAP với lượng thu mua bình quân mỗi ngày khoảng 200 con. Trong khi đó, Công ty Vissan có thu mua nguồn heo VietGAP từ dự án LIFSAP Đồng Nai và các trang trại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre.

Các doanh nghiệp phải đăng ký các trại, hộ chăn nuôi và bản sao giấy chứng nhận VietGAP cho cơ quan thú y giám sát khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, có đóng dấu nhận diện và phối hợp kiểm soát nguồn heo cũng như sản phẩm thịt từ nguồn được chứng nhận VietGAP.

Cần tiêu hủy đàn heo khi phát hiện chất cấm

Về thông tin Chi cục Thú y thành phố kiểm tra phát hiện 3 lô heo có chất cấm ở lò mổ An Hạ, trao đổi với PV hôm qua, bà Nguyễn Hồng Thắm khẳng định “các lô heo này là của thương lái mang vào lò mổ của chúng tôi gia công rồi tự phân phối, không phải heo của An Hạ”.

“Trước đây, chúng tôi chỉ kinh doanh dịch vụ giết mổ, nhưng gần đây tham gia dự án LIFSAP chúng tôi mới mở rộng sang hoạt động kinh doanh thịt heo sạch VietGAP. Tôi đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng 2 vấn đề: Một là khi kiểm tra phát hiện vi phạm đề nghị tiêu hủy ngay đàn heo, không cho lưu lại chờ thời gian để heo đào thải chất cấm rồi cho giết mổ.

Thứ hai, khi phát hiện vi phạm phải nêu tên cụ thể đối tượng vi phạm (thương lái) chứ không nêu tên lò mổ như hiện nay, vì lò mổ như chúng tôi chỉ làm dịch vụ” - bà Thắm nói và cho biết hiện công ty đang làm thủ tục tách và đổi tên cơ sở giết mổ An Hạ thành Xuyên Á; còn Công ty An Hạ sẽ chỉ kinh doanh mặt hàng thịt heo sạch VietGAP.

Các điểm kinh doanh thịt, trứng an toàn, đã được cấp chứng nhận chuỗi

* Thịt heo

Công ty TNHH dịch vụ An Hạ: Chợ Hòa Bình: sạp 122D-123D-124D chợ Hòa Bình, Q.5; cửa hàng VGFOODS: 201-203 Nguyễn Tri Phương, Q.5; cửa hàng Nga Foods: 242 Nguyễn Thiện Thuật, Q.3; cửa hàng Ngọc Đản: U4 đường Bạch Mã, P.15, Q.10; cửa hàng Thủy Mộc: 89 Nguyễn Hữu Cầu, Tân Định, Q.1; 177 Nghĩa Phát, Q.Tân Bình; cửa hàng Safoha.com: 68 Nguyễn Cửu Vân, Q.Bình Thạnh; Công ty TNHH thực phẩm Gatata: 384 Thạch Lam, Q.Tân Phú; hệ thống siêu thị BigC.

Công ty Vissan: Siêu thị Bình Hòa số 290A Nơ Trang Long, P.12, Q.Bình Thạnh; hệ thống siêu thị Co.opmart; hệ thống cửa hàng tiện lợi của Vissan.

* Thịt gà

Công ty TNHH MTV chăn nuôi Bình Minh: Hệ thống siêu thị Co.op mart, Lotte, BigC, Metro, Aeon và cửa hàng kinh doanh Bình Minh (chợ Tân Phú).

Công ty Long Bình: Cửa hàng Gà Việt: 53 Đỗ Quang Đẩu, P.Phạm Ngũ Lão (Q.1); cửa hàng Long Bình: 5 Nguyễn Thái Học, P.Cầu Ông Lãnh (Q.1).

Công ty Phạm Tôn: Cơ sở kinh doanh Tôn Thanh Thủy: 5/4 Nguyễn Văn Lượng, P.16 (Q.Gò Vấp).

* Trứng gà

Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Thanh niên Xung phong (ADECO): Hệ thống các siêu thị, cửa hàng Adeco: 30/18 QL50, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh.

Công ty TNHH Ba Huân: Cửa hàng số 30 Nguyễn Đình Chi, P.9, (Q.6); chợ đầu mối Bình Điền (sạp H1.044 nhà H1) và hệ thống siêu thị Co.op mart, Maximart.

Công ty TNHH SX TM dịch vụ Vương Huỳnh: Cơ sở trứng Thu Mai: 82/6/19 Lý Chính Thắng, P.8, Q.3.

Công ty Trứng Nhiên: Cơ sở Trứng Việt: 981 tỉnh lộ 43, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức.

Công ty Metro Cash & Carry: Siêu thị Metro Q.2, 6, 12.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn