Thực phẩm "bẩn" là nỗi lo thường trực của người dân TP.HCM. Trong ảnh là một sạp bán cá tại quận Thủ Đức, TP.HCM |
Theo đó Ban điều phối sẽ có 8 thành viên, do ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban. Tổ Công tác giúp việc gồm có 10 thành viên do Trưởng phòng Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Tổ trưởng.
Ban điều phối có nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng bộ tiêu chí và lộ trình áp dụng các tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn kỹ thuật địa phương đối với sản phẩm rau, thịt an toàn nhằm nâng cao chất lượng nông sản cung cấp cho TP.HCM trong giai đoạn 2015 – 2020.
Ngoài ra nơi này còn có nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các chợ đầu mối, siêu thị, nhà hàng… tiêu thụ sản phẩm rau, thịt có ghi nhãn, chứng từ rõ ràng để truy xuất nguồn gốc khi sản phẩm không đảm bảo an toàn.
Ban điều phối cũng sẽ phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế và các tỉnh, thành khác để thiết lập và kết nối các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, thịt an toàn của những tỉnh này với các nơi tiêu thụ tại TP.HCM.
Trong khi đó Tổ công tác giúp việc có nhiệm vụ tham mưu cho Ban Điều phối trong công tác lãnh đạo và xây dựng tiêu chí, lộ trình áp dụng đối với sản phẩm rau, thịt an toàn. Nơi này cũng sẽ đưa ra các chính sách khuyến khích tiêu thụ và tổ chức quảng bá sản phẩm chuỗi rau, thịt an toàn đến người tiêu dùng.
Trước đó vào ngày 17/6/2015 Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM đã có công văn gửi 21 tỉnh thành thuộc khu vực, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long để đề nghị những nơi này góp ý vào dự thảo Thỏa thuận cung cấp rau thịt sạch cho TP.
Theo thỏa thuận, các tỉnh sẽ phối hợp với TP.HCM để phát triển chuỗi sản phẩm rau, thịt được đảm bảo về nguồn gốc từ cơ sở sản xuất cho đến khi tới tay người tiêu dùng. Trong khi những cơ sở đạt chuẩn cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn vì đưa vào tiêu thụ tại TP.HCM.
Theo Infonet