Hà Nội: Đi 100 km để tìm mua rau, thịt sạch

Thứ hai, 11/06/2012, 07:56
Để yên tâm với sản phẩm mình mua, nhiều người đã lựa chọn cách đến tận nơi sản xuất để thẩm định chất lượng. Có chuyến đi 100 km chỉ để tận mắt, yên tâm mua vài kg thịt lợn và mấy bó rau xanh.
Tìm tận gốc nguồn thực phẩm
 
Nghe bạn bè giới thiệu chỗ bán lợn rừng và lợn rừng lai chất lượng cao, nhân dịp cuối tuần, Dương Hữu Tùng (cán bộ ở UBND quận Đống Đa) cùng cậu bạn quyết định về tận nơi chăn nuôi lợn để biết thực hư việc chăn nuôi.

7h30 phút sáng ngày thứ 7, hai người có mặt tại ngõ 204, phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để lên xe về tham quan nơi chăn nuôi lợn. Mất khoảng hơn 2 tiếng, Tùng và mọi người có mặt tại Trang trại Núi Ngôi, bản Sạng, xã Kì Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
 
Đến nơi, Tùng được thấy đàn lợn hơn 100 con đang chạy kiếm ăn trong khoảng diện tích rừng 10ha. Theo giới thiệu và quan sát trực tiếp tại trang trại Núi Ngôi, Tùng biết hàng ngày đàn lợn được ăn một bữa ăn chính vào buổi chiều tối (thức ăn cho lợn gồm có cám gạo, nước, muối, sắn xay nhỏ và cỏ xay nhỏ), và ăn rau rừng (cỏ, cây hoa rừng...) vào buổi sáng và trưa.

Những lúc còn lại, lợn tự vào rừng tìm đồ ăn. Giống lợn rừng tại đây sau 1 năm chỉ tăng được khoảng chục kg và có thể xuất chuồng.
 
Yên tâm về chất lượng, Tùng đã mua 2 con lợn để về ăn và chia cho mọi người. "Mình thấy giống lợn này sử dụng chủ yếu thức ăn tự nhiên, không có tăng trọng. Vì thế, mình mua luôn hai con lợn về để mọi người làm thịt và chia nhau ăn. Thịt lợn ngon, đảm bảo chất lượng, không tăng trọng... mua ở Hà Nội không dễ", anh Tùng nói.
 
Cùng con chọn và học cách phân biệt rau sạch, rau bẩn. (Ảnh: CG).

Chị Bùi Hồng Nga (khu chung cư Lilama, Minh Khai, Hai Bà Trưng) cho hay: "Mình hay ăn rau sạch tại siêu thị nhưng hôm vừa rồi được bạn bè giới thiệu có rau hữu cơ Thanh Xuân. Vì thế, nhân cuối tuần, mình với con gái đăng ký đi tham quan trực tiếp vườn rau xem rau sản xuất như thế nào, liệu có sạch như giới thiệu hay không. Nhân đây, mẹ con mình cũng mua một ít rau để về nhà ăn dần".
 
Ngoài mẹ con chị Nga, rất nhiều các bà nội trợ cũng đang có nhu cầu tìm hiểu trực tiếp nơi sản xuất rau. Chị Đặng Thu Hằng, đại diện công ty Cổ phần Hà Nội Organic Roots đơn vị phân phối rau hữu cơ Thanh Xuân cho biết, từ năm 2009 chúng tôi có ý tưởng thực hiện các hoạt động đưa người tiêu dùng và người sản xuất lại gần nhau, hiểu nhau hơn đã được thực hiện bằng các hoạt động như: đưa nông dân đến gặp gỡ khách hàng tại các văn phòng, trường học...
 
Kết hợp vui chơi
 
Bé Xuân Nam (học sinh trường tiểu học Cát Linh, Đống Đa) vui mừng khi cầm những quả cà chua trong tay. Nam nói, lần đầu tiên cháu được đi đến ruộng rau và tha hồ được hái những gì cháu thích. Chúng cháu được các bác nông dân giới thiệu về các loại rau, cách diệt trừ sâu bọ... rất là vui.
 
Đi tham quan vườn rau sạch xong, chị Nguyễn Thúy Hà tâm sự: "mỗi tuần nhà mình ăn 300.000 đồng tiền rau hữu cơ của Công ty Cổ phần chất lượng quốc tế. Cuối tuần vừa rồi rảnh, hai mẹ con mình và bà ngoại rủ nhau đi xem cái rau hữu cơ mình hay ăn như thế nào... Bà ngoại vốn công tác trong lĩnh vực nông nghiệp, xem quy trình trồng rau thấy yên tâm lắm. Từ đó tới giờ, nhà mình toàn ăn rau hữu cơ".


Tìm đồ ăn sạch thành một tour dã ngoại lý thú. (Ảnh:CG)

 
Trong khi đó, anh Nguyễn Việt An, chủ trang trại Núi Ngô chia sẻ về phương pháp kinh doanh của mình: "Chúng tôi mong muốn người chăn nuôi và người tiêu dùng có sự hợp tác bền vững, tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, trang trại còn nhận nhận nuôi gà đen sạch, lợn thịt sạch,... rau, củ, quả theo yêu cầu của khách hàng. Các con vật nuôi ở đây sử dụng hoàn toàn thức ăn tự nhiên, không có thức ăn công nghiệp".
 
Vì thế, theo anh Anh, nếu khách có nhu cầu tham quan trang trại để mua lợn hoặc tìm hiểu, họ sẽ chở đi. Đã có rất nhiều khách hàng đi cùng hoặc tự tìm tới trang trại để tham quan.

Việc đưa khách về tận nơi để tạo sự tin tưởng cho khách đồng thời cũng là một buổi khách đi chơi, nghỉ ngơi cuối tuần. Có những gia đình đã đưa cả con nhỏ về đây. Đó là buổi các cháu được tiếp xúc trực tiếp với các con vật và gần gũi với các bác nông dân.

Theo VEF

Các tin cũ hơn