Ngôi làng người sống ăn ngủ cùng người chết

Thứ hai, 11/06/2012, 10:00
Hỏi có cảm giác gì khi chung sống với cõi âm, anh Tĩnh nói: “Mấy tháng đầu cũng sợ thật, ban ngày đi làm, tối đến nằm ngủ giữa bốn bề là lăng mộ thấy cũng ớn lạnh... nhưng quen rồi...”.

Hai em bé chơi đùa ngay trên lăng mộ trong nghĩa trang

Cơn lũ lịch sử năm 1999, biển xâm thực sâu hàng trăm mét, cướp đi hàng chục ha đất của bà con thuộc các thôn An Hải, Hải Thành, Minh Hải, Hải Bình, Hải Tiến của xã Thuận An (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế).

Mất đất, việc làm không ổn định, anh em đông đúc… là tình cảnh chung của nhiều người nên họ quyết định dọn đến Nghĩa trang Âm Linh để chung sống với người đã khuất.

Anh Lê Chạy (39 tuổi) cho biết, gia đình anh đến đây “lập nghiệp” từ năm 2000. Miếng đất gia đình anh đang ở trước đây là một ngôi mộ lớn của một dòng họ đã di dời sang địa điểm khác. Anh Chạy làm nghề đi biển, vợ anh bán bún trước nhà, cũng nằm trên đất Nghĩa trang Âm Linh, cuộc sống tạm bợ qua ngày.

Còn anh Lê Đình Tĩnh (33 tuổi), hàng xóm của anh Chạy cũng không hơn kém gì. Nhà anh Tĩnh chỉ vỏn vẹn 32m2, bằng phên tôn đã mục ruỗng, mái hiên đã bay mất mấy tấm. Mỗi khi trời mưa to, vợ con anh phải dắt nhau chạy nhờ hàng xóm.

Hỏi anh có cảm giác gì khi chung sống với cõi âm, anh Tĩnh nói: “Mấy tháng đầu cũng sợ thật, ban ngày đi làm, tối đến nằm ngủ giữa bốn bề là lăng mộ thấy cũng ớn lạnh, nhưng nghĩ lại, cuộc sống của mình biết đi mô nữa nên đành liều như rứa. Bây chừ quen rồi, vợ con nó cũng quen rồi”.

Điều đáng nói, cả 20 hộ dân ở trong Nghĩa trang Âm Linh này đều không có nhà vệ sinh hợp chuẩn, hàng ngày họ “giải quyết nỗi buồn” ở phía sau hè, chỉ cách nhà độ 50m. Chị Quỳnh- một cư dân ở đây lý giải: “Đây là đất của người chết, của âm linh, họ cho mình sống cùng là phúc đức lắm rồi, chứ xây nhà vệ sinh trên người họ thì chắc bị quở chết” (?!).

Ai đi qua đây chắc hẳn cũng phải rùng mình ớn lạnh khi thấy một bãi toàn là giấy vệ sinh lẫn chất thải. Thương nhất là những đứa trẻ đang từng ngày sống trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh tối thiểu, những mầm bệnh, những hiểm họa rủi ro khác rình rập các em từng giờ.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Trọng Châu – Trưởng thôn Hải Thành cho biết thêm: Trước đây, khi bà con dọn nhà đến nghĩa trang ở, chính quyền cũng có can ngăn nhưng vì đất đai cũng như một số điều kiện khác chưa cho phép nên lãnh đạo địa phương cũng lơ đi để bà con sống tạm. “Sống tạm” đã 12 năm trời, nay mấy chục hộ dân ở đây vẫn phải gồng mình để “tạm sống” tiếp.


Theo Danviet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn