Làng Bèo và làng Bọt, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) được bao quanh bởi một bên là sông nước, một bên là những dãy núi đá dựng đứng. Điều kiện khó khăn là thế, nhưng sự học của con em nơi đây rất đáng khâm phục.
Muốn vào làng chỉ có con đường độc đạo là đi đò qua sông.
Bộn bề khó khăn
Làng Bèo, làng Bọt là nơi định cư của 99% đồng bào người Mường. Từ trung tâm thị trấn Cẩm Thủy đến hai ngôi làng này phải mất gần 30 cây số, muốn vào được trong làng, chỉ có con đường độc đạo là đi đò qua sông.
Tiếp đó, từ bến đò phải đi bộ mất hàng giờ đồng hồ vì trời mưa, đường dốc uốn lượn quanh co, có những đoạn đá lởm chởm, có đoạn lại nhầy nhụa bùn đất... mới vào được trong làng. Từ xa, những ngôi nhà cũ kỹ nằm nép mình bên những dải núi đá dần hiện ra. Cả ngôi làng luôn vắng bóng người, hầu hết bà con đã lên rẫy, lên nương từ sáng sớm, phải đến tối mới về.
Cuộc sống của người dân nơi đây còn thiếu thốn trăm bề, không đường đi lại, không trường học, không trạm y tế, chợ búa đều ở bên kia sông. Cả hai làng có 81 hộ/371 nhân khẩu với 99% dân cư là người dân tộc Mường. Đây là hai làng nghèo nhất của huyện Cẩm Thủy. Người dân nơi đây quanh năm vất vả mưu sinh, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám, bởi mọi thứ dường như phải tự cung, tự cấp.
Gặp chúng tôi, chị Hà Thị Phương, cư dân làng Bèo cho biết: “Hôm nay mưa nhỏ còn đỡ đấy, mưa to thì cán bộ không qua sông được đâu vì nước sông lớn, mà có qua được thì cũng không thể đi vào làng vì đường nhầy nhụa bùn đất. Bên này không có đường, không có trường, bọn trẻ mùa mưa đến đều phải nghỉ học hết, đi chợ cũng phải chèo đò ra ngoài, mà 5 ngày mới có một phiên chợ”.
Từ làng Bèo đi bộ khoảng 3 km là tới làng Bọt. Con đường nối giữa hai làng nhỏ hẹp, lởm chởm những ổ gà. Bởi thế mà khi làng Bọt được ưu tiên đặt một con đò chắc chắn tại đây, người làng Bèo vẫn phải dùng con đò cũ tròng trành qua sông đầy hiểm nguy.
Các cháu mầm non phải học tạm ở nhà kho của Hợp tác xã.
Anh Trương Hồng Quân, trưởng làng Bọt cho hay: “Làng chỉ mới có điện vài năm trở lại đây, thế nhưng còn thiếu thốn nhiều lắm. Không có đường, dân đi lại khổ sở, đặc biệt là các cháu học sinh, muốn kiếm con chữ phải qua sông rồi đi gần 20 cây số mới đến được trường. Trạm y tế cũng không có nên năm ngoái, làng Bèo có một cháu nhỏ 4 tuổi tử vong vì trạm y tế quá xa, đưa được cháu đến nơi thì đã muộn. Gần đây nhất là chị Nguyễn Thị Hà, bỗng dưng bị ngất xỉu lúc 10h đêm, người nhà phải cõng bộ cả mấy cây số đường núi ra đến bến phải gọi đò mới đưa sang được bên kia, sang được đến bên kia sông phải đi hơn 10 km nữa mới đến trạm xá, chỉ chậm thêm một chút nữa là không cứu được”.
Con chữ “nảy mầm” trên đất nghèo
Cuộc sống nơi làng Bèo, làng Bọt khó khăn là thế, nhưng nói về sự học nơi đây thì thật đáng khâm phục. Hai làng Bèo, Bọt hiện có hơn 70 học sinh (HS) đang ở độ tuổi đến trường. Nhiều năm trở lại đây không có HS bỏ học. Hiện tại, cả hai làng có 100% HS trong độ tuổi đến trường. Mặc dù, để đến được trường học, các cháu ở đây phải vượt sông đầy nguy hiểm.
Trường mầm non không có, hai làng có gần 20 cháu nhỏ phải học tạm ở nhà kho của Hợp tác xã. Ngôi nhà cũ nát, tồi tàn và xuống cấp nằm chênh vênh giữa sườn núi. Cô giáo bên này sông thương lũ học trò nghèo, nên ngày ngày lặn lội chèo đò qua sông để mang con chữ cho những đứa trẻ nơi vùng núi heo hút này.
Khó khăn là thế, nhưng những đứa trẻ nơi đây vẫn rất đam mê học tập.
Với HS từ cấp I trở lên đều phải chèo đò qua sông, rồi lặn lội gần 20 cây số mới đến được trường. Dường như trong khó khăn, các em càng cố gắng vươn lên. Buổi sáng, khi con gà rừng còn chưa cất tiếng gáy, mặt trời còn chưa ló qua dãy núi đằng đông, những đứa trẻ làng Bèo, Bọt đã í ới gọi nhau đến trường, mang theo túi ni lông với nắm cơm, vài quả cà muối để ăn bữa trưa đợi đến chiều học tiếp.
Chị Bùi Thị Hà, một người dân làng Bọt tâm sự: “Thương mấy đứa nhỏ mỗi buổi đến trường phải dậy từ tờ mờ sáng, mùa hè thì không sao, mùa đông trời lạnh cắt da, chúng cũng phải dậy sớm để kịp đến trường cho đúng giờ, mùa mưa thì lại càng khổ hơn. Nhưng cũng không hiểu vì sao chúng mê con chữ đến như thế, chẳng đứa nào bảo đứa nào, chúng đều đặn mỗi ngày đến trường mà không cần ai phải nhắc nhở”.
Cu Đén, cậu bé chưa nói sỏi tiếng Kinh ngây ngô trả lời chúng tôi “thích đi học”, “thích được làm thầy giáo”… Nhìn ánh mắt ngây thơ của cậu bé, chúng tôi phần nào hiểu được câu nói của người dân nơi đây rằng “lũ trẻ làng này ham con chữ đến lạ kỳ”.
Con em hai làng đều biết nêu cao tấm gương hiếu học cho các thế hệ sau. Có một gia đình nghèo khó, cả hai đều làm rừng, làm rẫy thế nhưng có 4 con đều theo học Đại học, Cao đẳng, đó là gia đình ông Bùi Nghị ở làng Bọt, đến nay, các con của ông đã ra trường và có việc làm ổn định. Không những thế, hiện tại hai làng Bọt còn 3 cháu đang theo học Đại học.
Ông Cao Minh Tự - Chủ tịch xã Cẩm Thành cho biết: “Làng Bèo, làng Bọt là hai làng khó khăn nhất của xã, do có con sông Mã chạy qua nên hai làng biệt lập với bên ngoài. Xã cũng đang cố gắng xin kinh phí ở trên để xây dựng cho các cháu một ngôi nhà mẫu giáo để các cháu mầm non đỡ khổ. Việc đến trường tìm con chữ của các cháu là một sự nỗ lực rất lớn”.