Thiếu trầm trọng bác sĩ sản khoa

Chủ nhật, 10/06/2012, 15:51
Trước một ca sinh nở, bác sĩ phải đối diện với hai mạng người, nếu một trong hai có vấn đề sẽ gây ra tai biến. Do đó, nhiều bác sĩ sau khi ra trường nếu không tìm được chỗ làm tốt, sẽ chuyển sang làm nghề dược.
Tại các bệnh viện tuyến quận/huyện của TP.HCM đang thiếu trầm trọng bác sĩ sản khoa, cá biệt có bệnh viện không có bác sĩ sản nào, phụ trách khoa sản là một bác sĩ nội khoa.

Thế nhưng theo bác sĩ Lê Quang Thanh, phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ, không chỉ bệnh viện tuyến quận/huyện của TP.HCM mà bệnh viện các tỉnh cũng thiếu trầm trọng bác sĩ sản phụ khoa, có nơi cần đến mười người nhưng không tuyển được. Ngay cả các tỉnh giáp ranh TP.HCM như Bình Dương, Long An, Đồng Nai cũng không đủ bác sĩ sản phục vụ người dân.
 
Ths.BS Vương Thị Ngọc Lan, giảng viên bộ môn sản đại học Y dược TP.HCM, cho rằng việc thiếu bác sĩ sản khoa hiện nay thực sự là thiếu ảo. Bởi các bác sĩ sản khoa sau khi học xong, nếu không xin được về bệnh viện lớn thì sẽ không về tuyến quận/huyện làm, do công việc này nếu thao tác ở đây sẽ dễ gặp rủi ro.

Trước một ca sinh nở, bác sĩ phải đối diện với hai mạng người, nếu một trong hai có vấn đề sẽ gây ra tai biến. Do đó, nhiều bác sĩ sau khi ra trường nếu không tìm được chỗ làm tốt, sẽ chuyển sang làm trình dược viên hoặc làm tại các công ty dược.
 
Đồng tình với quan điểm trên, một bác sĩ khác lý giải, do bệnh viện tuyến dưới không đủ cơ sở vật chất, máy móc phương tiện hỗ trợ, nên cả bác sĩ lẫn nữ hộ sinh cảm thấy không yên tâm để làm việc, không vào làm. Vì vậy mới có khoa sản không có bác sĩ sản khoa.
 
Thực tế hiện nay, nếu như bệnh viện quận/huyện của thành phố mỗi ngày chỉ khám vài chục ca sản và phụ khoa, thì ở bệnh viện phụ sản Từ Dũ và Hùng Vương mỗi bác sĩ phải khám 80 – 100 ca mỗi ngày.

Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Kiều Oanh, trưởng khoa khám bệnh bệnh viện Từ Dũ, cho biết: nếu những năm trước đây phòng khám thai dịch vụ của bệnh viện khám 7.000 – 8.000 bệnh nhân/tháng, thì năm nay số người đến khám lên tới 10.000 bệnh nhân/tháng, trong đó số ca khó, bất thường chiếm khoảng 20%.

Nhiều ca từ tuyến dưới chuyển lên kêu bất thường nhưng các bác sĩ của bệnh viện Từ Dũ khám thì vẫn thấy bình thường, cho thấy khả năng chẩn đoán ở tuyến dưới còn nhiều hạn chế.
 
Được biết, trường đại học Y dược TP.HCM là trường đào tạo về sản khoa nhiều nhất ở khu vực phía Nam. Theo thống kê của bộ môn sản trường này, mỗi năm trường đào tạo khoảng 150 bác sĩ sản phụ khoa, trong đó, chương trình sau đại học đào tạo khoảng 100 bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 khoảng 20 – 30 người, thạc sĩ – cao học khoảng 20 người, tiến sĩ khoảng 3 – 5 người. Cùng lúc, trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM mỗi năm cũng đào tạo khoảng vài chục bác sĩ sản.
 
Vụ Sức khoẻ sinh sản (bộ Y tế) đã thực hiện khảo sát thực trạng và năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản tại tuyến huyện và tuyến xã trên cả nước, kết quả cho thấy: đối với tuyến huyện, trung bình tại mỗi bệnh viện có 24 cán bộ chuyên môn đang làm việc tại khoa sản, khoa nhi.
 
Số cán bộ này chủ yếu có trình độ trung cấp, bao gồm: điều dưỡng trung cấp (7,19 người/bệnh viện); nữ hộ sinh trung cấp (6,33 người/bệnh viện); và y sĩ đa khoa (2,5 người/bệnh viện). Bác sĩ chuyên ngành sản định hướng có trình độ thạc sĩ, bác sĩ, chuyên khoa 1 sản hoặc tương đương mới đạt 54,8%. Như vậy, trung bình mỗi bệnh viện mới có 0,81 bác sĩ chuyên khoa 1.
 
Theo bác sĩ Lê Quang Thanh, việc thiếu bác sĩ chuyên khoa sản ở các bệnh viện tuyến dưới đó là vấn đề không chỉ của riêng ngành y tế mà còn là vấn đề chung của toàn xã hội, phải có chế độ, chính sách làm sao để người bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới ổn định cuộc sống, có cơ hội để nâng cao tay nghề, chế độ đãi ngộ... để họ gắn bó với bệnh viện hơn.


Theo SGTT

Các tin cũ hơn