>> WAGs Nhật Bản: Vô địch về khoản chiều chồng
>>Thà ế còn hơn lấy chồng quê
Có những bà vợ chẳng may lấy phải tấm chồng đỏng đảnh, tiểu thư. Các chị khốn khổ chiều chuộng chồng, hệt như đang nuôi trong nhà những cô gái mới lớn khó chiều…
Chiều chồng hơn chiều con
Đến bây giờ, khi nhìn lại cuộc hôn nhân của mình, Hà (Quảng Ninh) hối hận vì đã quyết định lấy chồng quá sớm. Tính toàn bộ thời gian từ lúc quen đến lúc lấy Lâm, chồng Hà bây giờ, chỉ gói gọn trong đúng 3 tháng. Khi ấy, bố mẹ nói Hà quá vội vàng, Hà cười bảo: "Lấy nhau về rồi yêu nhau sau. Yêu xong mới cưới thì dễ chán nhau".
3 tháng không đủ để biết và hiểu về một con người. Khi yêu, Lâm hết sức chăm sóc và chiều chuộng Hà. Hễ Hà muốn gì là anh cũng sẵn sàng đáp ứng và chẳng bao giờ kêu than dù yêu cầu đó có quá quắt đến đâu.Nhưng yêu là một chuyện, lấy nhau, về ở với nhau lại là chuyện khác. Lâm khi là chồng khác hẳn với Lâm khi là người yêu.
Lâm là một công tử nhà giàu, quen được bố mẹ yêu chiều. Từ lớn đến bé chưa một lần phải vào bếp nên lẽ dĩ nhiên, anh không biết chút gì về chuyện nấu nướng. Lâm quen được chiều, việc gì cũng theo ý mình, ỷ lại vào bố mẹ nên khi Hà về làm vợ anh, Lâm cũng muốn mình được vợ chiều y như bố mẹ đã chiều anh từ nhỏ đến lớn. Hễ không vừa ý là Lâm dỗi. Cái sự dỗi của Lâm làm Hà vô cùng mệt mỏi.
Khi yêu nhau, Lâm chẳng ngại đưa đón Hà đi làm nhưng lúc lấy nhau thì vai trò này bị đảo ngược. Vì Hà đi làm sẽ đi qua công ty của Lâm nên hai vợ chồng thống nhất đi một xe để tiết kiệm xăng và để thắt chặt tình cảm vợ chồng. Những ngày đầu, Hà rất ủng hộ việc này nhưng sau thì nó gây ra cho chị đủ thứ phiền hà. 5 giờ là hết giờ làm. Lâm chỉ cho vợ đúng 15 phút để đi từ công ty vợ đến đón anh. Trừ đi thời gian tắc đường, anh đồng ý du di cho Hà thêm 10 phút.
Nếu Hà đến trễ hơn giờ quy định chỉ 2 - 3 phút thôi thì y như rằng chị nhận được bộ mặt xị ra như đưa đám của chồng. Hà có cố bắt chuyện thế nào chồng cũng mặc kệ, coi như không hề nghe thấy gì. Tuy nhiên, đó mới chỉ là dỗi vợ ở mức độ nhẹ.
Nếu Hà có việc công ty không qua đón Lâm được, để Lâm phải đi taxi về nhà thì Hà phải xác định trước, hôm ấy về nhà chắc chắn sẽ không thấy chồng mình ở nhà vì Lâm đã dọn dẹp bỏ về nhà bố mẹ mình vì anh dỗi vợ. Hà vừa buồn cười vừa tức chồng vì trần đời, chị chưa từng nghe chuyện chồng giận vợ rồi bỏ về nhà bố mẹ bao giờ.
May cho Hà là bố mẹ chồng biết tính con trai nên không bao giờ trách cứ con dâu. Nếu thấy con trai xách túi về nhà, bố mẹ Lâm sẽ vồn vã đón con rồi để con ở nhà vài ngày, sau đó sẽ tìm cách dỗ dành để con về nhà ở với vợ. Hà cũng phải xuống nước sang xin lỗi chồng để đón chồng về nhà dù chị thấy mình hoàn toàn chẳng có gì sai.
Chuyện bị chồng dỗi dần dần trở thành "chuyện thường ngày ở huyện" đối với Hà. Mới đầu khi lấy nhau, bị chồng dỗi thì Hà còn hoảng hốt, sau thì chị thấy quen nhưng điều đó không có nghĩa là Hà không cảm thấy khó chịu và mệt mỏi với những cơn giận dỗi vô lý của chồng.
Hà thích để tóc dài, làm xoăn rồi nhuộm màu đỏ trầm nhưng Lâm lại thích vợ để tóc ngắn, nhuộm hạt dẻ. Hà không nghe theo vẫn quyết đi làm tóc theo ý của mình. Hà về nhà với tóc mới, Lâm nhìn thấy lập tức tỏ thái độ. Anh ôm gối sang phòng khác ngủ để "không phải nhìn thấy mái tóc gớm ghiếc của em". Kể từ ngày Hà đi làm tóc về, Lâm kiên quyết không trò chuyện với vợ.
Anh tìm mọi cách để không phải gặp vợ trong chính nhà của mình. Hà có bắt chuyện thế nào, Lâm cũng không nói. Anh nhắn tin cho vợ, nói: "Chừng nào em chưa sửa lại tóc theo đúng như anh muốn thì chừng đó, anh chưa nói chuyện với em". Sau đúng một tháng trời không trò chuyện cùng chồng, không chịu nổi, Hà đành đi cắt tóc và nhuộm lại. Phải đến khi ấy, Lâm mới bắt chuyện với vợ và cười nói vui vẻ hệt như chưa có chuyện gì xảy ra.
Cái sự dỗi của Lâm đến lúc Hà sinh con mới càng thêm trầm trọng. Lâm ghen với cả con, nói Hà có con thì bỏ bê chồng, không quan tâm xem chồng sống chết thế nào, lúc nào cũng chỉ biết có con. Để nhờ được Lâm bế con hộ là một điều vô cùng khó khăn đối với Hà. Bố mẹ Lâm có nói, Lâm cũng không sửa được cái tính hờn dỗi, đỏng đảnh con gái.
Để hòa giải giữa bố và con, Hà áp dụng chính sách bình đẳng. Hễ Hà mua một món đồ mới cho con thì Lâm cũng sẽ nhận được một món đồ mới. Nếu Hà mua quần áo mới cho con thì Lâm cũng có quần áo mới. Nếu Hà nấu món ngon cho con thì Lâm cũng sẽ được ăn món ngon.
Tất nhiên, việc này khiến Hà vô cùng mệt mỏi. Lúc đầu chị còn cố chiều chồng để chồng không ghen với con. Sau thì chị mặc kệ chồng vì "chăm con còn sướng hơn vì con không dỗi còn chồng thì ngày nào cũng dỗi". Bố mẹ chồng cũng đồng ý với chiến lược này của Hà.
Ông bà phân tích, sở dĩ tính nết của Lâm quái gở như vậy là do từ trước đến nay anh vẫn quen được chiều chuộng và hễ anh dở chiêu bài dỗi ra là ai cũng phải sợ mà làm theo ý anh nên giờ, mọi người quyết định mặc kệ. Lâm đương nhiên vì thế mà bị rơi vào thế cô lập. Không ai quan tâm đến các nhu cầu của anh nữa, cũng không ai sợ khi anh dỗi nữa.
Hà đã có con nên cô không cần nói chuyện với anh cũng thấy vui. Ông bà nội cũng chỉ quấn quýt với cháu. Lâm dỗi cả nhà nên khi ăn cơm, cả nhà cũng không gọi anh cùng ăn. Quần áo của Lâm cũng không ai giặt cho. Anh đi đâu, làm gì cũng chẳng ai hỏi.
Lâm sang nhà bạn ở nhờ hẳn một tuần cũng không nhận được bất cứ cuộc điện thoại hỏi thăm nào từ gia đình. Cực chẳng đã, Lâm đành tự về nhà. Về nhà, thấy mọi người vẫn vui vẻ, Lâm mới vỡ ra, không có anh thì chợ vẫn vui. Lâm đành phải tự bắt chuyện, tự làm lành với vợ. Có lẽ, anh đã nhận ra, đã đến lúc anh phải trở thành một người đàn ông thực sự.
Chết mệt với nước mắt của chồng
Không lấy phải chồng công tử như Hà nhưng Phương (Ninh Bình) cũng khốn khổ không kém anh chồng của mình. Chồng Phương tên Dũng, hơn cô 2 tuổi. Trước khi lấy Dũng, Phương đã biết anh là người yếu đuối. Bố mẹ cô cũng không hề ưng Dũng vì "lấy nó về thế nào con cũng không nhờ nó được việc gì đâu con ơi".
Nhưng Phương vẫn quyết lấy anh chàng này làm chồng sau 2 năm yêu nhau. Phương nghĩ, tính cô vốn độc lập, mạnh mẽ thì tất yếu phải lấy một người chồng hơi yếu đuối một chút để bù trừ cho nhau. Đó là quy luật của cuộc đời. Nó cũng giống như việc chồng hiền thì lấy phải vợ đanh đá, chồng lười thì lấy được vợ chăm...
Hơn nữa, ngoài việc Dũng có phần yếu đuối ra thì chị thấy chẳng có điểm nào ở Dũng để có thể chê trách được cả. Dũng có công ăn việc làm ổn đinh, đã có nhà riêng, có ô tô riêng, kinh tế rất vững vàng. Anh là con trai thứ trong gia đình nên chắc chắn nếu làm vợ Dũng thì trách nhiệm của Phương đối với nhà chồng sẽ không nặng như làm con dâu trưởng.
Đám cưới được tổ chức. Những ngày đầu, vợ chồng Phương sống khá vui vẻ và hạnh phúc nhưng "ở trong chăn mới biết chăn có rận", ở với Dũng lâu ngày, Phương mới phát hiện ra một phần tính cách khó chấp nhận trong con người của chồng mình.
Dũng rất hay khóc. Anh không bao giờ nổi nóng với vợ nhưng hễ có việc gì không vừa ý là anh lại khóc. Mà Dũng thường khóc rất to, giọng khóc đầy vẻ hờn dỗi, tủi thân, ấm ức. Lần đầu tiên thấy chồng khóc chỉ vì Phương không đồng ý đi du lịch cùng công ty chồng, Phương đã sợ điếng người, ngỡ chồng bị đau ở chỗ nào, không chịu nổi nên khóc.
Sau khi khóc xong thì Dũng giải thích ngắn gọn rằng: "Em không đi với anh. Anh buồn nên anh khóc". Từ sau lần ấy, tấn suất hay khóc của Dũng càng ngày càng tăng lên. Động chuyện nhỏ xíu Dũng cũng có thể khóc được, hệt như anh là người bị hỏng tuyến lệ nên nước mắt rơi ra ngoài vô cùng dễ dàng.
Tuy nhiên, Dũng chỉ khóc trước mặt vợ chứ đi ra ngoài anh lại rất đàng hoàng, đĩnh đạc. Phương đem chuyện chồng hay khóc cho bạn bè nghe, chẳng ai tin, họ cười nói Phương khéo đùa. Dũng lấy nước mắt để yêu cầu vợ làm theo mọi điều mình thích. Có lần, vợ trang điểm đẹp, mặc váy đẹp đi làm vì hôm đó ở công ty có tiệc chiêu đãi, Dũng không bằng lòng, nói vợ thay đồ khác nhưng Phương không đồng ý.
Ngay lập tức, nước mắt của Dũng đã giàn giụa cả hai bên. Dũng khóc nhanh đến mức Phương không tin nổi đó là nước mắt thật. Có lần, chị đã lật tung mọi đồ của Dũng lên để tìm xem anh có cất thuốc nhỏ mắt ở đâu để dùng làm nước mắt giả uy hiếp vợ hay không.
Phương cũng không phải cô vợ vừa. Chồng khóc được thì chị cũng khóc được. Tuy nhiên, chị chỉ khóc những khi thật cần thiết. Trước, khi thấy chồng khóc, Phương lúc nào cũng hốt hoảng tìm mọi cách dỗ dành hệt như dỗ một đứa trẻ con.
Lúc nào chị cũng phải hứa hẹn sẽ làm cái này, sẽ làm cái kia cho chồng để anh chấp dứt cơn khóc của mình. Sau thì quen nên Phương mặc kệ không dỗ nữa. Nếu chồng vẫn khóc để làm tình hình căng thẳng hơn thì Phương lúc đó sẽ giở chiêu bài "khóc cùng chồng" cho Dũng sợ.
Quả nhiên, chiêu bài này rất hiệu quả vì Dũng rất sợ nhìn thấy vợ khóc. Thấy vợ khóc là anh nín luôn để quay sang dỗ vợ. Sau vài lần áp dụng chiêu này với chồng và tất cả đều mang lại hiệu quả như nhau, Phương rất thỏa mãn. Dũng dường như đã nhận ra nguyên nhân khiến vợ khóc nên cũng bớt yếu đuối hơn. Căn bệnh hay khóc của anh không biết có chữa khỏi được không nhưng chắc chắn nó có chuyển biến theo chiều hướng giảm đi. Và với Phương, như thế đã là cả một kì tích.
Chồng khó tính, vất vả lựa đường chiều
Cùng chung cảnh ngộ, Hân cũng lấy được anh chồng đỏng đảnh không kém và hơn thế, anh chồng này của Hân khó tính vô cùng. Đến mức, khi Hân về ra mắt nhà chồng, mẹ chồng còn phải gọi riêng cô ra nói chuyện rằng: "Thằng Minh nhà bác tính tình khó chịu lắm. Con phải suy nghĩ thật kĩ rồi mới quyết định có nên lấy nó hay không?".
Câu dặn này của mẹ chồng tương lai khiến Hân bật cười và chính vì câu dặn này mà cô càng vững tin khi đồng ý lấy Minh vì cô đã có mẹ chồng làm hậu thuẫn phía sau. Thế nhưng dù đã có mẹ chồng "chống lưng" đằng sau, Hân vẫn phát hoảng vì cách cư xử trong cuộc sống vợ chồng hàng ngày của Minh.
Hai vợ chồng ở riêng. Thực đơn ăn uống phải hoàn toàn chiều theo ý Minh. Anh chỉ thích ăn cá mà phải là cá rô phi. Bữa nào cũng phải có cá rô phi, thêm một món rau và một bát canh. Minh tuyệt đối không cho vợ mua bất cứ loại thịt nào ngoài cá vì anh nói chỉ có ăn cá là an toàn nhất, những thứ còn lại đều không đảm bảo.
Nếu Hân làm trái lời thì y như rằng, bữa hôm đó cô phải ăn một mình và phải nghe những lời cằn nhằn không dứt từ người chồng khó tính của mình. Đó là một chuyện. Chuyện ăn mặc của Hân cũng bị chồng quản. Hân khá xinh xắn, dáng người cao, chân thon và dài nên cô thường diện váy ngắn để làm bật lên vẻ đẹp của mình. Minh hoàn toàn không thích điều đó.
Khi yêu nhau anh không ý kiến gì nhưng khi lấy nhau, đã trở thành vợ chồng, Minh cấm vợ không được mặc váy ngắn quá đầu gối. Hễ có cái váy nào của vợ ngắn quá đầu gối là Minh vứt hết, không cần phải suy nghĩ gì cả. Ngay cả đồ ngủ ở nhà muốn mặc cái váy ngắn mỏng để ngủ cho thoải mái, Minh cũng không đồng ý. Hân dễ tính nên mỗi lần như vậy, cô đều bỏ qua để giữ cho nhà cửa được yên ấm.
Thế nhưng, Hân càng bỏ qua, Minh càng được đà lấn tới. Minh hay sĩ diện với bạn bè nên hễ có bạn đến nhà chơi thì anh nạt vợ hệt như nạt người ở. Hân bực mình nhất là chuyện gọi điện cho chồng. Buổi sáng cô gọi cho chồng. Anh chồng quát ầm ĩ trong điện thoại: "Điện cái gì mà điện. Đang giờ đi làm. Ai rảnh rang mà nghe điện thoại?" rồi cụp máy luôn.
Đến trưa cô gọi lại thì chồng vẫn gân cổ quát: "Đi làm cả sáng mới có tí giờ nghỉ trưa. Gọi điện phải lựa giờ chứ. Điện điện cái gì mà điện" rồi Minh lại cụp máy, chẳng buồn hỏi xem vợ gọi có chuyện gì. Tránh hai giờ đó ra, Hân gọi vào buổi chiều. Minh vẫn quát vợ đã lựa giờ không đúng để gọi cho chồng.
Đồng nghiệp nghe thế thì cười, nói: "Giờ nào cũng không được gọi thì anh bảo vợ anh phải gọi cho anh vào lúc nào?". Minh cười: "Tôi dạy vợ ấy mà. Không dạy thì vợ hư mất". Bị chồng quát vài bận vì tội gọi điện không đúng giờ, đúng lúc, Hân bực mình nên dù có chuyện gì xảy ra, cô cũng không gọi cho Minh nữa.
Có lần, mẹ Minh phải vào viện cấp cứu mổ ruột thừa, Hân cũng không gọi điện mà nói bố chồng gọi. Mẹ chồng biết gia đình con trai không mấy được ấm êm mà nguyên do đều từ con trai bà mà ra thì buồn lắm nhưng bà vẫn động viên Hân cố gắng: "Nó khó tính thì con cứ lựa đường mà chiều nó. Đàn ông cũng như trẻ con. Chiều chuộng tí là ngoan ngay". Hân vâng lời mẹ, cũng đành cố chiều theo tính tình khó chịu của chồng.
Hân mất công bỏ thời gian đi học nấu mấy món mà Minh thích ăn. Đầu bếp dạy chị là bếp trưởng của một khách sạn nổi tiếng. Chính ông cũng đã khen Hân nấu nướng khéo léo và rất ngon. Vậy mà khi nấu cho chồng ăn, Hân vẫn nhận được toàn lời chê rằng vụng, rằng hậu đậu, rằng nấu nướng chẳng đâu vào đâu.
Cố nhịn cục tức trong người, Hân vẫn cười nói xin lỗi chồng rồi lần sau sẽ cố gắng làm ngon hơn. Nhưng chẳng có lần sau nữa vì Hân đã chán khi cứ phải đi theo nịnh nọt chồng mình và cô chán vì chẳng thể chia sẻ cùng chồng bất cứ chuyện gì trong cuộc đời của mình. "Chúng tôi là vợ chồng mà hệt như hai người chỉ sống chung nhà với nhau. Giống như ở với nhau để chia tiền nhà vậy. Đây là một cuộc hôn nhân tồi tệ hết sức" - Hân nói.
Cũng chồng công tử nhưng vẫn hạnh phúc
Cuộc hôn nhân của Liên với Việt tới nay đã được hơn 2 năm và tới nay, Liên vẫn cảm thấy vợ chồng cô đối với nhau giống như lúc mới yêu, không khí trong gia đình lúc nào cũng vui vẻ và tràn đầy tiếng cười. Trước khi kết hôn, mẹ Liên đã cảnh báo con gái: "Lấy anh công tử này, chưa chắc cô đã sướng". Quả thật, Việt là một công tử chính hiệu, con nhà giàu, được chiều chuộng, diện đồ hiệu và đi xe đẹp, từ lớn đến bé chưa phải vất vả một ngày nào nhưng Liên nói Liên sẽ cải tạo được Việt thành một người chồng tốt và cô đã làm được điều đó.
Mới đầu khi lấy nhau, Việt vẫn quen thói được người khác hầu hạ nên mọi việc nhà anh đều để cho vợ làm. Liên là cô gái khá cao tay. Sau một tuần làm việc nhà một mình, Việt nhận được tối hậu thư từ vợ. Vợ anh đã phân chia công việc nhà rõ ràng, mỗi người nhận một phần việc như nhau vì "anh với em đều đi làm như nhau nên về nhà, anh cũng phải làm việc cùng em”. Việt quả thực không biết làm gì nhưng vợ nói vậy, anh cũng hăng hái xắn tay áo.
Cái nào chưa biết thì vợ dạy. Không muốn hỏi vợ thì Việt tự tìm hiểu trên mạng rồi làm theo. Mới đầu còn lóng ngóng nhưng càng làm thì càng quen, chẳng mấy chốc mà anh Việt công tử đã biết nấu cơm hộ vợ nếu vợ bận và thậm chí là lau dọn nhà cửa nếu vợ đã nhận việc nấu cơm.
Chính bố mẹ Việt cũng ngạc nhiên về sự thay đổi của con trai: "Anh ở với chúng tôi hai mươi mấy năm mà chưa bao giờ anh nấu được cho bố mẹ một bữa cơm. Giờ mới lấy vợ được hai tháng mà đã biết nấu cơm giúp vợ". Liên cũng trị được cái tính thích gì được nấy của chồng. Anh ở nhà, chỉ cần mở miệng nói thích thứ này thứ kia là bố mẹ sẽ chiều ngay còn Liên thì phải tùy trường hợp.
Nếu nó là hợp lí thì cô đồng ý còn nếu không thì cô kiên quyết không nghe theo. Việt sợ nhất là vợ giận nên nếu thấy Liên làm căng thì anh sẽ thôi, không đòi hỏi nữa. Tuy chồng là công tử, có nhiều việc không biết làm nhưng cũng chính vì Việt là công tử nên anh đã giúp cho cuộc hôn nhân của mình không rơi vào sự nhàm chán như phần lớn các cặp vợ chồng khác gặp phải.
Việt là người rất dễ tính và ham chơi. Vì dễ tính nên vợ cho anh ăn gì cũng được, mua quần áo nào cho anh mặc cũng xong. Ham chơi nhưng đi đâu Việt cũng thích đưa vợ đi theo. Nếu vợ không đi, có khi anh cũng ở nhà. Tính Việt vẫn còn trẻ con nên ở nhà, anh nói cả ngày, trêu vợ cả ngày.
Nhà anh không lúc nào ngớt tiếng cười. Chồng trẻ con nên không bao giờ để bụng chuyện gì dù trước đó có thể đã cãi nhau tung trời với vợ. Chồng trẻ con nên Liên cũng dễ dỗ chồng hơn, chỉ cần nói ngọt vài câu là Việt lại vui vẻ ngay.
Không như mấy cô bạn cùng cơ quan cô kể, hễ vợ chồng cãi nhau, nếu lên tới đỉnh điểm thì chồng họ có thể đập phá mọi thứ trong nhà và nếu không kiềm chế được thì họ sẵn sàng động tay động chân với vợ. Việt trẻ con nên anh chẳng ngại bày tỏ tình cảm của mình với vợ. Có lúc hai vợ chồng ngồi xem phim với nhau, Việt quay sang thơm vợ rồi nói yêu rất tự nhiên.
Mới đầu, Liên còn thấy ngượng nghịu, sau thì cô thấy hạnh phúc. "Ai mà chẳng có khuyết điểm của mình. Không ai trên đời này là hoàn hảo. Chồng tôi cũng vậy. Chồng tôi trẻ con nhưng ngoài việc trẻ con và có phần công tử ra, anh cũng có những mặt đáng yêu và tôi hạnh phúc với cuộc hôn nhân này" - Liên vui vẻ nói.
Theo ANTĐ