ADN lật tẩy nhà ngoại cảm dỏm

Thứ bảy, 09/06/2012, 10:13
Nhiều người nhờ nhà ngoại cảm tìm hài cốt người thân, song kết quả giám định ADN của Trung tâm giám định pháp y TP HCM cho thấy chỉ có một trong số 11 trường hợp là đúng.

Phân tích ADN để giám định hài cốt.
 

Thạc sĩ Đặng Mai Anh Tuấn, phòng Sinh học phân tử, Trung tâm Giám định pháp y TP HCM, cho rằng hài cốt do các nhà ngoại cảm tìm được chỉ là bước đầu, bước tiếp theo phải xác định ADN có đúng là hài cốt người thân thật sự hay không. Theo thống kê của trung tâm, từ đầu năm đến nay đã có 13 mẫu hài cốt đến xin giám định ADN, trong đó có 11 ca liên quan đến nhà ngoại cảm, nhưng chỉ có một trường hợp xác định được có quan hệ huyết thống theo dòng mẹ.
 
Mới đây, một người đàn ông ở Thái Bình đưa bộ hài cốt đến Trung tâm Giám định pháp y TP HCM nhờ xác định ADN. Ông kể có người thân hy sinh năm 1971 tại chiến trường Tây Ninh. Mặc dù xác định được cấp bậc, đơn vị chiến đấu và chiến trường hy sinh nhưng ông không thể tìm ra hài cốt. Sau nhiều năm tìm kiếm không có kết quả, người em (cùng cha khác mẹ với liệt sĩ) nhờ nhà ngoại cảm đi tìm và bốc một bộ hài cốt ở Bình Phước mang về Thái Bình an táng.
 
Thấy bất thường vì người hy sinh ở Tây Ninh chứ không phải Bình Phước, ông nhờ một nhà ngoại cảm nổi tiếng khác đi tìm. Nhà ngoại cảm này miêu tả đúng ngôi nhà liệt sĩ sống lúc sinh thời và chỉ địa điểm ngôi mộ ở Tây Ninh. Lúc người nhà ông đến ngôi mộ được nhà ngoại cảm miêu tả, họ cắm chiếc đũa và đặt quả trứng lên, quả trứng đứng yên không rơi xuống. Nhà ngoại cảm cho rằng đây là dấu hiệu chắc chắn đúng mộ người thân của người đi tìm.
 
Kết quả phân tích STR (sinh học phân tử) hài cốt này sau đó cho thấy chỉ hiện diện 7/13 vùng khảo sát. Điều này thể hiện hài cốt không phải liệt sĩ mà người đàn ông kia cần tìm, kể cả kiểm tra ADN theo dòng cha cũng không phải. “Hiện chúng tôi đang thử ADN theo dòng mẹ nhưng kết quả có lẽ không khả quan”, Thạc sĩ Tuấn nói.
 
Sau vụ cháy xe vào ngày 7/11/2011 ở Bình Thuận làm 10 người chết, có hai nạn nhân không nhận dạng được nên một gia đình đã nhờ nhà ngoại cảm đến chỉ xác người thân. Giám định ADN tại Trung tâm Giám định pháp y TP HCM, kết quả thi thể này cũng không phải người thân của gia đình họ.
 
Theo ông Tuấn, hiện nay khi nhiều người thất bại trong việc xác định hài cốt người thân theo con đường chính thống (giám định tại các trung tâm nhà nước) thì tìm đến các trung tâm tư nhân. Tuy nhiên, những nơi này chỉ tìm được quan hệ huyết thống theo dòng mẹ (mang gien mẹ), nghĩa là người chết có thể mang gien giống người thân trực tiếp nhưng cũng có thể giống với người trong dòng họ cách đến 9-10 đời.
 
Cũng theo ông Tuấn, có trường hợp vì lý do nào đó lại nhờ trung tâm chứng nhận "càn" ADN hài cốt. “Nhiều người năn nỉ chúng tôi xác nhận là người thân để họ mang hài cốt về an táng nhưng chúng tôi không đồng ý và kết quả STR không đúng”, ông Tuấn cho biết thêm.
 
Thạc sĩ Tuấn cho rằng Nhà nước nên hỗ trợ trong vấn đề giám định ADN để các gia đình tìm được chính xác mộ liệt sĩ. Tức là tiến hành giám định ADN tất cả hài cốt ở nghĩa trang liệt sĩ, để khi người thân đi tìm chỉ việc đến các thư viện lưu mẫu để đối chiếu.

Xa hơn, những người gia nhập vào quân ngũ cũng nên được lập ADN, phòng khi chiến tranh, nếu họ không còn người thân thì cũng có thể biết được ADN đó là của ai, mang tên gì. Nói chung, mỗi người sinh ra đều nên được làm ADN để bất kỳ vì một lý do nào đó (như tội phạm chẳng hạn) có thể xác định họ là ai.


Theo PLTP

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn