>>Dạo bước trên đồi nho nổi tiếng nhất nước Ý
>>Hà Nội: Nữ nhân viên quản lý con dấu chiếm đoạt gần 7 tỉ
>>Mùa bão 2012: Ngư dân Phan Thiết không còn lo nơi tránh bão
Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà mở rộng năm 2012 diễn ra tại địa điểm sân vận động Trung tâm huyện Bắc Hà, nội dung thi đấu là đua ngựa tranh giải cá nhân và giải đồng đội với cự ly đường đua là 2000m.
Thành phần tham dự cuộc thi bao gồm các vận động viên của huyện Bắc Hà thuộc các xã Bản Phố, Na Hối, Tà Phẻo, Tả Van Chư... và huyện Sín Mần (Hà Giang).
Chọn ngựa cũng lắm công phu
Bắc Hà là nơi sinh sống của đồng bào Tày và Mông, từ lâu đã nổi tiếng về địa danh nuôi ngựa chiến. Ở thời điểm hiện tại, nhiều chú ngựa được nâng giá lên cao hơn bình thường từ 5 đến 10 triệu đồng/con.
Tuy nhiên ai cũng háo hức quyết "săn" những chiến mã tốt nhất. Một lái buôn ngựa tại chợ Bắc Hà cho biết: "Phiên chợ họp vào chủ nhật hàng tuần với hàng trăm con ngựa là nơi tranh giành ngựa chiến của những người yêu thích đua ngựa".
Tay đua vô địch năm 2010, Lý Seo Áo (người Bản Phố, Bắc Hà) chia sẻ: "Chọn ngựa tốt trước hết phải có dáng to cao, béo, chân thẳng, thon chắc, răng trắng đều, lông đều. Mua ngựa tốt nhất nên cưỡi thử chạy mấy vòng quanh bãi bán.
"Nếu ngựa chạy về mà thở đều, không khục khoặc hoặc thở dốc là ngựa có sức khoẻ tốt, còn muốn biết tuổi ngựa thì xem răng, Răng ngựa đủ và trắng là ngựa nuôi từ 4 đến 6 năm, đây là lúc ngựa sung sức nhất".
Năm nào cũng vậy, đua ngựa Bắc Hà diễn ra rất sôi nổi. Ảnh: Lê Hiếu.
Hầu hết những chiến mã đều được chủ nuôi dùng thồ hàng, tuy nhiên khi gần đến cuộc đua ngựa, người chủ sẽ thay đổi cách ăn uống và huấn luyện cho tuấn mã của mình trở thành một chú ngựa đua thực sự.
Trước khi đua 2 tháng, chủ ngựa thường cho chiến mã nghỉ ngơi, và cho ăn với chế độ đặc biệt gồm cỏ tươi và cám ngô. Người dân ở đây cho biết, đua ngựa đối với thanh niên vùng cao, là dịp để chứng tỏ sức mạnh nam nhi và truyền thống văn hoá, hầu hết thi đấu vì tinh thần bản làng. Giải thưởng cho mỗi cuộc thi thường được người thắng cuộc đem về khao bản làng, chỉ trong vài ba ngày là hết số tiền đó.
Hoàng Văn Thức, tay đua từng đoạt ngôi vô địch năm 2009 tâm sự: "Đua ngựa không phải là nghề, hoặc chơi để thắng - thua, mà đây là thú chơi thể thao thượng võ của thanh niên người Tày, Mông, Nùng... ở vùng cao Bắc Hà, truyền thống này có từ rất lâu rồi". Để cho ngựa chạy "bốc lửa", người đua còn đeo tai nghe nhạc sàn vào bờm con ngựa, anh Thức nói.
Những kỵ sĩ chân đất
Chắc không có nơi nào trên thế giới, các kỵ sĩ cưỡi tuấn mã lại có bộ dạng đơn sơ đến vậy. Họ cưỡi ngựa không yên cương và không bàn đạp giữ chân, chỉ có một miếng vải lanh hình chữ nhật buộc phủ trên lưng ngựa, có hai móc sắt buộc vào dây hai bên hàm để điều khiển. Kỵ sĩ không thể cầm roi quất ngựa mà hai tay phải cầm dây cương vừa điều khiển vừa giữ thăng bằng.
Lý Seo Áo, người chiến thắng trong cuộc đua ngựa năm 2010. Ảnh: Lê Hiếu.
Muốn giữ được thăng bằng, họ cần phải biết cách ngồi vào đúng điểm lõm gần vai ngựa, hai chân phải kẹp chặt vào bụng ngựa và nhấp nhổm lên xuống theo nhịp phi, nếu chẳng may có mất thăng bằng mà ngã thì cũng phải có "võ ngã” mới mong không bị thương.
Trên đường đua, việc ngã ngựa hay mất cương là chuyện bình thường, tuy nhiên không nản chí, họ vẫn đứng dậy khống chế ngựa và đua tiếp. Không ít kỵ sĩ bị chấn thương nặng như gãy tay, rạn xương. Trung tâm y tế huyện Bắc Hà luôn cử người túc trực để chăm sóc sức khỏe cho kỵ sĩ mỗi khi ngã ngựa.
Trong thời gian diễn ra giải đua ngựa Bắc Hà, sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc như thổi lửa lại chảo thắng cố kỷ lục Việt Nam tại chợ văn hóa Bắc Hà, trưng bày hàng nông sản và ẩm thực với sự tham gia của các huyện Bảo Yên, Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà (Lào Cai), Sín Mần (Hà Giang), mở các tour du lịch thăm dinh thự Hoàng A Tưởng, thủ phủ rượu ngô Bản Phố...
Trước cách mạng tháng Tám, giải đua ngựa ở Bắc Hà thường được tổ chức vào mùa xuân, đường đua lấy điểm xuất phát từ ngã ba chợ cũ và đích là bãi đất trống trước dinh thự Hoàng A Tưởng. Các kỵ sĩ khi đến đích phải nhảy xuống bắn 5 phát súng vào bia sau đó lên cướp quả cầu đỏ và lại nhảy lên ngựa phi quay lại điểm xuất phát. |
Theo Infonet