Gần đây, cộng đồng mạng liên tục rúng động vì những phát ngôn gây sốc của nhiều thành viên trẻ tuổi. Họ hồn nhiên thể hiện cái tôi ích kỷ, tin rằng mình là 'cái rốn của vũ trụ' và họ biết cách lợi dụng các diễn đàn công khai, tự do ngôn luận để thể hiện điều đó.
Gần đây, cộng đồng mạng liên tục rúng động vì những phát ngôn gây sốc của nhiều thành viên trẻ tuổi. Họ hồn nhiên thể hiện cái tôi ích kỷ, tin rằng mình là "cái rốn của vũ trụ" và họ biết cách lợi dụng các diễn đàn công khai, tự do ngôn luận để thể hiện điều đó.
Nhưng hầu hết những người trực tiếp tung lên mạng phát ngôn gây sốc lại không nhận biết được hậu quả từ việc làm của mình, bởi họ chỉ là những học sinh, sinh viên bình thường, cho đến ngày hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người biết tới họ qua những lời nói thiếu suy nghĩ.
Không vui là lên mạng chửi cha, mắng mẹ
Nguyên nhân của những đứa con đăng đàn chửi cha mẹ thường là mâu thuẫn gia đình, cha mẹ và con cái không hiểu nhau, dẫn đến cãi vã. Điển hình là vụ việc lên mạng chửi cha, chửi mẹ, hồi tháng 3 vừa rồi.
Đứa con trai tự cho mình quyền mắng chửi người đã sinh thành, nuôi nấng đúng vào dịp cả thế giới tôn vinh người phụ nữ, ngày 8/3. Với lí do là người mẹ giám sát quá chặt chẽ và cáu giận với con, khiến cho chàng trai bực tức, phải lên mạng xã hội chửi rủa xả xì trét.
Phát ngôn của chàng trai này được đăng ở trang cá nhân dưới dạng status (tâm trạng) nhưng nhanh chóng được cư dân mạng biết tới nhờ vào việc chụp màn hình, tung ảnh lên các diễn đàn. Cộng đồng mạng gọi sự việc này là "đứa con chửi mẹ ngày 8/3" và gắn cho nó các từ khoá đi kèm “vô giáo dục”, “láo toét”, “mất dạy”…
Hầu hết những trường hợp đăng đàn chửi cha mẹ đều không được cộng đồng mạng dung thứ. Ngược lại, dân mạng còn sục sôi đi tìm danh tính thật sự của nhân vật chính để mắng chửi, thậm chí là đe doạ, dạy dỗ đứa con bất hiếu. Chàng trai có phát ngôn gây sốc ngày 8/3 cũng đã phải tìm cách lẩn trốn rất kĩ mới thoát khỏi sự truy lùng của cộng đồng mạng.
Đầu tháng 6 này, thêm một sự việc tương tự đã diễn ra, khiến cư dân online lại dậy sóng. Lần này, phát ngôn được tung lên mạng bởi một bạn trẻ hâm mộ đến cuồng Kpop, còn trong độ tuổi học sinh.
Sự việc được suy đoán rằng: bố mẹ của bạn trẻ trong câu chuyện đã không cho phép treo tranh ảnh thần tượng trong phòng, cũng như ngăn cấm việc theo đuổi các ca sĩ xứ Hàn (một nhóm nhạc 13 thành viên, có thể là nhóm Super Junior), dẫn đến việc nhân vật này lên diễn đàn thoá mạ cha mẹ mình và ca thán về cuộc sống tù túng không được theo ý thích.
Sau khi phát ngôn này lan tràn trên mạng, nickname Black devil cũng trở nên nổi tiếng. Giới trẻ lại săn lùng danh tính của Black Devil để "ném gạch, ném đá". Tuy nhiên, sau nhiều vụ việc fan Kpop chửi cha mẹ xuất hiện trên mạng, nhiều người tỏ ý hoài nghi rằng những phát ngôn sốc kiểu này đã trở thành hình mẫu cho những kẻ ham hố sự nổi tiếng mà không cần quan tâm đó là tiếng tốt hay tiếng xấu.
Minh chứng cho giả thuyết này, một fan hâm mộkhác của Kpop cho biết: "Chưa chắc là là fan Kpop thật, có thể là những kẻ anti Kpop (kẻ ghét thần tượng Hàn Quốc) bày trò để được mọi người chú ý và bôi bẩn danh dự của các anh, để làm cho phụ huynh và cộng đồng có cái nhìn xấu xí về fan Kpop. Bản thân mình và các bạn trong ELF (chỉ những người hâm mộ nhóm Super Junior) Việt Nam, không có ai như vậy".
Những lời lẽ khó có thể chấp nhận của một đứa con dành cho cha mẹ.
Thể hiện cái tôi hay là a dua theo cái xấu?
Không dừng lại ở việc bộc lộ cảm xúc nhất thời, phát ngôn của giới trẻ ngày càng để lại hậu quả nghiêm trọng hơn khi nó thể hiện nếp nghĩ, xu hướng hành động thực tế của họ.
Một cô gái đã viết lên trang cá nhân của mình những lời lẽ chê bai bạn trai không đủ tiền chu cấp cho những sinh hoạt vui chơi của hai người. Cùng với hàng loạt sự kiện gần đây của các ngôi sao (người mẫu bán dâm, hoa hậu ham tiền...), phát ngôn này một lần nữa cho thấy xu thế của một bộ phận phụ nữ trẻ tuổi coi trọng tiền bạc hơn tình cảm.
Dĩ nhiên ai cũng có quyền thể hiện quan điểm của mình, song chính những phát ngôn "thẳng thắn" như thế này lại đang cho thấy tình trạng đáng báo động thói suy đồi đạo đức vì đồng tiền trong giới trẻ ngày nay.
Hơn thế nữa, cách cô gái cường điệu hoá ngôn từ, văng bậy liên tục trong đoạn viết ngắn chỉ khoảng trăm từ khiến nhiều cư dân mạng bức xúc. "Hết thuốc chữa. Nếu là người bạn gái tốt thì sẽ không bao giờ có những lời nói chướng tai đến như thế để dành cho bạn mình" - một bạn trẻ bình luận.
Không chỉ a dua theo lối suy nghĩ sai lệch, lười lao động, ham hưởng thụ của một vài "con sâu làm rầu nồi canh", giới trẻ còn tự tạo nên những trào lưu ghét bỏ khá vô duyên bằng chính phát ngôn của mình mà không biết hệ quả khôn lường, thậm chí có thể bị pháp luật xử lý.
Vụ việc của H. sinh viên năm nhất ĐH Quốc gia, người đã thành lập Hội ghét dân Thanh Hoá là một ví dụ điển hình. Cậu sinh viên và các bạn của mình hiện đang rất hối hận vì hành động thiếu suy nghĩ, bởi đối với các bạn những lời nói đó chỉ là một trò tiêu khiển mua vui.
Song, những phát ngôn tỏ ý bài xích người dân Thanh Hoá của các bạn trẻ đã bị lên án gay gắt bởi cộng đồng mạng nói chung và gây ra làn sóng phẫn nộ. Dù các bạn trẻ đã thành khẩn xin lỗi nhưng vụ việc chưa kết thúc và H. - người sáng lập hội này có khả năng bị truy tố pháp luật vì kì thị vùng miền.
Tạm kết, với sự thông thoáng và cởi mở của thế giới internet, mọi người đều có quyền nói lên suy nghĩ cá nhân của mình, nhưng bạn trẻ cần phải biết đâu là đúng, đâu là sai để tránh việc phát ngôn của bản thân trở thành cái hố tự mình đào sẵn mà hại mình, hại người.