Người hùng 50 lần hiến máu

Thứ sáu, 08/06/2012, 16:50
Không chỉ tự mình hiến máu, cô Lệ Hoa còn kêu gọi được hơn 1.000 người cùng chia sẻ máu để giúp đỡ những người bệnh gặp lúc nguy nan. Cô trở thành "địa chỉ đỏ" của các bệnh viện.

>> Người đàn ông 65 lần hiến máu
>> "Khỏa thân" để kêu gọi hiến máu
>> Cha đẻ của phong trào hiến máu 
>> Hoa hậu Ngọc Hân cùng 500 cặp tình nhân hiến máu 

Trong những ngày Việt Nam và quốc tế cùng hướng đến Ngày Thế giới tôn vinh những người hiến máu, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với người phụ nữ rất đặc biệt. Cô là Kiều Thị Lệ Hoa, Ủy viên BCH Hội Chữ thập đỏ, Chủ nhiệm CLB hiến máu tình nguyện xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.
 
Trong danh sách 100 người nhiều lần hiến máu của Việt Nam, cô Lệ Hoa (sinh năm 1958) không phải là người giữ kỷ lục (đứng đầu thuộc về ông Vũ Ngọc Linh (ở TPHCM - 65 lần, tiếp theo là ông Lê Trung Hậu - 60 lần, bà Nguyễn Thị Hồng Điệp, ở Đồng Nai - 57 lần). Tuy nhiên, cô hoàn toàn xứng với chủ đề "người cho máu là người hùng" của sự kiện Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu năm nay, vì ngoài việc trao đi, cô còn kêu gọi hơn 1000 người cùng đồng hành với phong trào này.
 
12 năm đi cho máu
 
Cô Hoa cho biết, từ năm 2000, cô đã bắt đầu tham gia phong trào hiến máu. Đó là thời điểm việc tình nguyện cho người khác máu chưa được đón nhận rộng rãi như hiện nay, tuy nhiên, với cái tâm của một người giàu tình yêu thương, cô đã tham gia. Để rồi, ngay trong năm đó, cô thành lập CLB hiến máu tình nguyện ở xã.
 
"Lần đầu đi hiến máu tôi không hề thấy lo lắng gì. Mọi việc rất nhanh và đơn giản, chẳng như người khác băn khoăn. Trong gia đình mọi người khi nghe tôi kể đi hiến máu thì cũng rất ủng hộ" - cô Hoa kể.
 
Chính vì "sự nhanh và đơn giản" đó, từ năm 2012 đến nay, cô Hoa đã đi hiến máu tổng cộng 50 lần. Đây là con số hiếm hoi trong danh sách 100 người được tôn vinh năm nay.
 
"Tính ra trung bình mỗi năm tôi đi tình nguyện cho máu khoảng 4-5 lần. Đi nhiều rồi quen, đến người thân, từ các em, các cháu của tôi cũng tham gia" - cô Hoa nói.

Cô Lệ Hoa trong một lần tham gia hiến máu.
 
 
Điều bất ngờ ở cô Hoa không chỉ ở lần hiến máu, mà là những hoạt động song hành cùng với nó. Trong hoạt động xã hội, đặc biệt là thiện nguyện, bạn sẽ không thành công nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng. Và cô Hoa đã trở thành một trong những điển hình của việc tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng cùng tham gia hiến máu, biến nó trở thành một phong trào mạnh mẽ ở địa phương trong suốt 12 năm qua.
 
Hàng năm, cô kêu gọi được khoảng 130 người cùng cho máu. Tính từ năm 2000 đến nay, đã hơn 1.000 người nhờ sự vận động của cô mà đã tham gia phong trào này. Thế là, từ một người cho máu, cô đã tạo được "làn sóng" hàng ngàn người cùng chung tay vì những bệnh nhân hiểm nghèo.
 
"Thường thì khi đi kêu gọi hiến máu, mọi người sẽ bảo tôi làm trước đi, rồi họ làm theo. Vì tôi có thực hiện họ mới tin, mới thấy yên tâm, cho nên thành ra hiến máu đồng hành với việc... làm mẫu" - cô Hoa nói vui về kinh nghiệm tuyên truyền cộng đồng tham gia phong trào tình nguyện về cho máu của mình.
 
Trong hành trình này, cô Hoa còn có một bí quyết. Đó là để kết nối được cộng đồng tham gia tình nguyện, bạn phải thực sự quan tâm, chia sẻ với họ. Chính vì thế, người phụ nữ này đã kêu gọi các mạnh thường quân cùng chung tay để hỗ trợ, chia sẻ với các tình nguyện viên tham gia hiến máu, giúp đỡ họ về tinh thần, vật chất.
 
"Đôi khi chỉ là gói bánh, hoa quả, cuộc điện thoại hỏi thăm sức khỏe..., nhưng những điều đó sẽ khiến chúng tôi gần nhau hơn và mối quan hệ bền lâu" - cô Hoa nói.
 

Thanh niên tham gia hiến máu do Hội chữ thập đỏ huyện Hòa Thành tổ chức. 
 
 
Không chỉ "máu lạnh" mà còn "máu nóng"
 
Với một ai đó, máu là thứ rất quý giá. Tuy nhiên, chính những người đi hiến máu lại là người hiểu hơn ai hết về giá trị của những giọt máu.
 
Bởi, ngoài việc hiến máu trong các chiến dịch, các mùa thiện nguyện, cô còn là "địa chỉ đỏ" khi các bệnh viện cần "máu nóng". Về khái niệm "máu nóng", cô Hoa nói: ""Máu nóng" chính là máu lấy ra và truyền cho bệnh nhân luôn, thường được sử dụng trong những tình huống nguy kịch nhất. Còn "máu lạnh" là lượng máu đã được cho từ trước đó, lưu trữ ở buồng lạnh. Có nhiều sự cố không thể dùng "máu lạnh" được, và lúc đó, nếu không có những người sẵn sàng "ứng cứu" thì bệnh nhân có thể không qua khỏi".
 

"Một giọt máu - triệu tấm lòng". (Ảnh Internet)
 
 
Cũng chính vì thế mà thỉnh thoảng, dù là ban ngày hay đêm, nếu không tìm được người cung cấp gần nhất cho bệnh nhân nguy nan, Bệnh viện Hòa Thành và Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh sẽ gọi đến cô.
 
"Sau khi trao đổi, nếu tôi thấy nhóm máu mình không hợp chuẩn thì sẽ tìm người khác, kêu gọi họ hiến máu. Lúc đó, ngoài việc động viên thì tôi cũng sẽ hỗ trợ các tình nguyện viên việc đi lại, ăn uống để phục hồi sức khỏe" - cô Hoa chia sẻ.
 
Rồi cô nói, mới ngày 15/5 vừa qua, khoảng 7-8h tối, cô nhận được điện thoại của bệnh viện nhờ giúp đỡ gấp một trường hợp cần máu. Đó là sản phụ đang cần mổ, cùng nhóm máu B với cô. "Đây là trường hợp "máu nóng", nhưng tôi thì không hợp chuẩn. Sau đó tôi phải tìm và liên lạc với một người khác, họ lên và may mắn là phù hợp, cứu được sản phụ khỏi nguy nan" - cô kể về tình huống "máu nóng" mới nhất của mình.
 
Sau những giây phút "nóng" ấy, người phụ nữ này lại trở về với nhịp sống của mình. Đó là cán bộ của hội Chữ thập đỏ huyện Hòa thành. Ngày ngày, song song với các hoạt động về hiến máu, cô tham gia các hoạt động từ thiện khác.
 
Theo Infonet

Các tin cũ hơn