“Đàn ông ai cũng phải mê một cái gì đó, không thì vứt”. Với tuyên ngôn này, nhiều ông chồng làm vợ cảm thấy bị bỏ rơi vì chỉ toàn tâm toàn ý với đam mê của mình.
Mê chim hơn mê vợ
Với chồng Hằng, những chú chim cảnh hấp dẫn hơn vợ.
“Người thương của anh ơi, lại đây cho anh cưng một chút nào”. Hồi mới về nhà chồng, buổi sáng sớm nghe câu nói ngọt như mía lùi đó của ông xã, Ngà hí hửng chạy lại, nhí nhảnh dụi đầu vào vai anh, nhưng đức lang quân chẳng mảy may để ý, vì còn bận chăm chú vào cái lồng chim cảnh. Lũ chim trở thành tình địch của cô từ ngày đó, và những trận chiến diễn ra khi âm thầm, lúc dữ dội nhưng chẳng lúc nào ngừng.
Hồi còn yêu nhau, Quân cũng đã liên mồm kể về những chú chim vàng ngọc nhà anh, nhưng Ngà chỉ coi đó là một thú vui tao nhã của anh chứ không nghĩ sẽ đến lúc mình phát khóc vì nó.
Chồng cô đi làm ngày gần 12 tiếng đồng hồ, về đến nhà chỉ quẩn quanh bên mấy cái lồng, chăm sóc lũ chim, không có thời gian hay tâm trí để tâm sự, bàn bạc gì với vợ chứ đừng nói là giúp việc nọ việc kia. Ngay cả đến khi có con, mấy đứa trẻ cũng không cạnh tranh được với lũ chim cảnh.
“Có lần, thằng lớn bắc ghế trèo lên để nghịch phá mấy con chim, bị ông ấy đánh cho lằn cả đít. Còn thằng bé cũng vài lần bị mắng tơi tả vì hét to quá làm một con chim sợ”, Ngà kể tội.
“Vợ đổi tông ăn mặc từ quần dài sang váy ngắn, từ tóc dài sang đầu tém thì cả tuần sau ông ấy mới để ý hỏi thăm, còn con chim thì rụng một sợi lông cũng nhận ra ngay. Nhiều lúc mình tức quá chỉ muốn ông ấy đi vắng để bóp chết mấy con chim ấy cho hả dạ”.
Dĩ nhiên người như Ngà không bao giờ làm chuyện tàn nhẫn như vậy, nhưng chuyện cô ghen với mấy con chim của chồng là có thật.
Còn Thu Hằng vốn cũng yêu loài vật nhưng dần dần cũng trở thành ghét chim cảnh, chỉ vì chồng dồn hết sự quan tâm cho chúng. Sau những ngày tức tối, cô nghĩ ra một kế để hòa hợp hơn với đam mê của chồng: phải tỏ ra cũng thích bọn chim, giúp chồng chăm sóc chúng.
Một buổi đi làm về, chồng Hằng thấy vợ đang hăm hở cầm vòi nước tắm cho chim, hoảng hốt hét toáng lên: “Trời ơi em điên à? Định giết chim của anh à?”. “Giết gì? Không nhìn thấy à? Em tắm cho nó”. “Giời ơi con xin bà, bà dừng tay cho con nhờ. Phun cả vòi nước vào người nó thế kia nó sống làm sao nổi”, anh rên lên rồi xông vào giật vòi nước trong tay vợ.
Rồi suốt buổi, anh cứ xuýt xoa, rền rĩ vì xót cho chú chim, lườm nguýt vợ, làm Hằng tức điên. Đúng là làm phúc phải tội, từ đó cô cạch mặt lũ chim, gọi chúng là “bọn mắt xanh mỏ đỏ có cánh”.
Mặc vợ đẻ, lao về nhà cho cá ăn
Siêu giàu, đẹp trai, hiền lành và không mê gái, Nam được coi là ông chồng trong mơ, nhất là với một cô “xinh vừa vừa, con nhà nghèo” như Huyền. Nhưng sau 6 năm lấy nhau, cô đã chán. Chỉ vì Nam không còn biết gì trên đời này nữa ngoài mấy con cá rồng.
Cá rồng của anh toàn loại khủng, giá hàng trăm triệu đồng. Riêng cái bể mà anh xây cho mấy chú cá cưng ở cũng đã tiền tỷ. Mỗi lần đi nước ngoài, xong chuyện công việc, nếu như những ông khác lo tìm mua quà cho vợ hay đồ công nghệ cao cho mình thì Nam chỉ chăm chăm đi tìm cá, xem cá rồng và nếu ưng con nào là mua ngay, cho dù giá có chát đến mức nào chăng nữa.
Nhà có công ty và xưởng sản xuất riêng nhưng từ hồi cưới nhau, Nam giao hết cho vợ quản lý để tập trung chăm nom lũ cá, chẳng mấy khi bén mảng đến công ty. Có mấy giúp việc nhưng tất tần tật những chuyện liên quan đến lũ cá, từ cho ăn, chăm sóc khi ốm đến dọn bể, anh nhất thiết phải tự tay làm.
Anh rất hiếm khi đi đâu xa vì sợ không ai đủ tin tưởng chăm cá hộ mình, nếu cực chẳng đã phải đi thì cố gắng rút ngắn số ngày một cách tối đa, và gọi điện về nhà liên tục, không phải để hỏi han con cái mà hỏi thăm bọn cá, nhắc nhở người nhà chăm sóc chúng đúng cách.
Ban ngày cả nhà đi vắng thì chớ, ban đêm Nam cũng không thiết đến vợ con. Anh ngồi mấy tiếng đồng hồ trước bể cả, ngắm một cách say sưa mê mẩn không bao giờ biết chán. Nếu Nam có bật máy tính và lên mạng thì cũng chỉ để tìm kiếm các thông tin về cá rồng mà thôi.
“Nhiều lúc em tự an ủi mình rằng cá là tài sản lớn, bán một con đủ trả lương công nhân một tháng, nhưng mà cũng ức lắm. Nhớ có lần ông ấy ốm, không ăn uống được, phải đi viện truyền nước. Mới truyền được nửa chai ông ấy đã tháo ra, tất tưởi bắt taxi về nhà vì có một con cá mấy bữa nay có vẻ không khỏe”, Huyền kể.
“Nhưng tệ nhất là lần em đi đẻ, vào viện gần 5 tiếng đồng hồ vẫn vật vã chưa sinh được. Đúng lúc em đau đớn và cần chồng nhất thì ông ấy bảo trời ơi lâu thế này thì ai cho cá ăn. Thế là ông ấy bỏ em về nhà với cá, mãi đến lúc đẻ xong, bị chuyển sang phòng khác mới thấy ông ấy hớt hải đi tìm”.
Vợ Nam từng đề nghị anh đi bác sĩ tâm lý xem có vấn đề gì không, nhưng bị cả nhà chồng mắng cho một trận.
Bị vợ bỏ vì chim cây cá cảnh
Vợ trách móc, ông nào cũng phản pháo: “Tôi không cờ bạc rượu chè, không gái mú, có mỗi thú chơi lành mạnh này mà cô cũng kêu là sao? Vợ gì mà ích kỷ, vô lý thế?”. Không ông nào nhận ra rằng khi họ không quan tâm đến gì khác ngoài thú chơi lành mạnh kia thì cuộc sống hôn nhân cũng dần dần mất đi vẻ lành mạnh, để trở nên bất thường, lạnh lẽo và rạn nứt, khi người vợ không còn chịu nổi sự vô trách nhiệm và ích kỷ của người chồng.
Anh Phương ở Gia Lâm, Hà Nội từng suýt mất vợ vì chẳng những dành hết thời gian cho chim cây cá cảnh, anh còn tiêu hết tiền, thậm chí vay cả số tiền lớn để mua những “món độc” về chơi, trong khi nợ từ lần kinh doanh thất bại trước đó của gia đình vẫn còn gần 1 tỷ đồng chưa trả.
Sự kiện anh lấy 20 triệu tiền hàng người ta vừa trả để “đầu tư” thêm một chậu cảnh tuyệt đẹp là giọt nước tràn ly, khiến vợ anh đâm đơn ly dị. Phương phải khóc lóc thề thốt nhiều lần, huy động hai bên cha mẹ khuyên giải, vợ anh mới thôi.
Còn anh Nam mê cá rồng thì đã hoàn tất xong thủ tục ly dị. Khi vợ đưa đơn, anh cũng chả thiết, ký ngay lập tức, vì “cô yêu tôi mà không dung nổi mấy con cá của tôi thì hẹp hòi quá”. Còn vợ anh khóc nghẹn hỏi chị chồng: “Bị vợ bỏ cũng không thèm quan tâm, có phải anh ấy yêu cá quá nên không còn khả năng yêu người không chị?”.
Ly dị xong, Nam thậm chí còn thấy nhẹ cả người vì hết người cằn nhằn, gây gổ với anh. Anh tha hồ đắm say với lũ cả, chẳng thiết đến bóng hồng nào. Chẳng biết sau này, có lúc nào anh nhìn ra sự trống trải, hoang vắng trong ngôi biệt thự mà cảm thấy mình cũng cần đến con người hay không.