Nếu có một kỷ lục Việt Nam cho người "mắn đẻ" và giỏi nuôi dạy con thì danh hiệu ấy rất có thể thuộc về cụ Nguyễn Thị Tính (phường Tích Sơn, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Trong 23 năm, cụ hạ sinh 17 người con và đến nay tất cả đều khá giả.
Cụ Tính bế chắt nội Khánh Ngọc trong ngày đầy tháng. Niềm vui của cụ bây giờ
là được vui vầy bên con cháu.
Ở tuổi 77, cụ Tính vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn, với vóc người hơi đậm và khuôn mặt tròn phúc hậu, niềm nở. Nhớ về quãng thời gian đã qua trong cuộc đời mình, cụ nói một lèo, không ngừng nghỉ.
Cụ Tính sinh ra trong một gia đình có 8 chị em nhưng chỉ còn 4. Bố lại mất sớm nên ngay từ nhỏ cụ đã phải buôn thúng bán bưng kiếm sống. Trong những năm đi chợ ấy, cụ gặp và yêu ông Trần Bạch Vân, hơn cụ 4 tuổi, đến năm 18 tuổi thì cưới.
Lấy chồng năm 1955 thì một năm sau cụ Tính hạ sinh cô con gái đầu lòng, và từ đó liên tiếp mang bầu. Đến năm 1979, người con thứ 17 ra đời.
Con trai lớn của cụ - ông Trần Hồng Điệp nói: “Mẹ tôi mang thai những 19 lần, đẻ được 17 chị em, nhưng mất hai người. Thành thử bây giờ gia đình tôi chỉ còn 15 người, trong đó có 6 trai, 9 gái”.
Quá trình sinh nở của cụ Tính cũng rất dễ dàng. Cụ cười hồn nhiên nói: “Tôi cứ lao đầu vào làm rồi lại lao đầu vào đẻ. Hôm nay đẻ, mai lại vội đi kiếm miếng cơm cho chúng, chứ không kiêng cữ gì”.
Nhiều lần chứng kiến cảnh sinh nở của cụ, bà Nguyễn Thị Tĩnh (64 tuổi, thành phố Vĩnh Yên) kể: “Có lần tôi đỡ đẻ cho bà ấy, từ lúc bà ấy la đau đến khi đẻ xong chưa được…5 phút. Trộm vía, bà ấy vất vả mà sinh đứa con nào cũng trên 4kg, trắng trẻo, bụ bẫm hết”.
Ở Vĩnh Yên, ai cũng biết nhà cụ Tính nhiều con nhưng cụ không nổi tiếng vì "mắn đẻ" mà chính ở tài nữ công gia chánh của mình.
Nhiều người hàng xóm của cụ Tính kể rằng ông Vân - chồng cụ vốn có thân hình thấp bé. Ông làm cán bộ xã, cả ngày lo việc làng xã không lương, cũng không làm kinh tế được. Dạy con, nuôi con và tích lũy cho gia đình đều một tay cụ Tính làm hết.
“Hằng ngày, tôi dậy từ rất sớm, chất hàng lên xe thồ đi chợ bán. Chiều lại lao ra đồng làm 1,5 mẫu ruộng, rồi sau đó gom hàng mai đi chợ. Tối về tôi mới tắm rửa cho con. Tôi làm không ngừng nghỉ, không biết mệt. May trời thương phú cho tôi sức khỏe dẻo dai”, cụ tâm sự.
Song song với chuyện chửa đẻ, cụ Tính cũng luôn phải tính kế làm ăn: "Hôm nay đẻ, ngày mai tôi đã tự bưng bê lên xuống đến 2 tạ rau đi bán. Nhiều lần không có tiền mua gạo cho con, tôi đành bấm bụng đi vay. Tôi dùng tiền đó mua rất nhiều hàng. Sau buổi chợ, tôi thu lại vốn trả nợ, mua được nhiều đồ ăn cho con, lại có tiền dư cho ngày hôm sau".
Không chỉ chợ búa, cụ Tính còn nhận khoán sản rất nhiều, từ nuôi ao cá, lò gạch, trồng lúa, làm rau, đậu, lạc, khoai tây… “Cả làng Vĩnh Yên này họ 'hốt' tôi. Không có ai ăn khỏe, làm khỏe, lại đẻ nhiều bằng tôi. Đúng là trời sinh voi, sinh cỏ nên tôi làm gì cũng thuận lợi”.
Nhiều người băn khoăn không hiểu mải làm kinh tế như vậy thì lấy đâu thời gian chăm con, cụ bà không giấu diếm: “Ông nhà tôi làm trên xã nên toàn nói tôi sinh con mất sữa để được mua đường, sữa giá rẻ. Những lúc tôi vắng nhà, con tôi lấy sữa cho em, đứa lớn chăm đứa nhỏ”.
Ông Nguyễn Duy Báu - Phó Chủ tịch phường Tích Sơn, Vĩnh Yên nói: “Bà Tính là một người phụ nữ đầy nghị lực, nhanh nhẹn, hoạt bát, biết làm ăn, tính toán. Tuy nhà đông con nhưng cuộc sống vẫn đủ đầy, ngăn nắp”.
Năm 1979, cụ Tính xây được ngôi nhà ngói mà theo cụ “to nhất cả phường ngày ấy”. “Người ta cứ nghĩ đông con thì để con bẩn thỉu, vạ vật, phải ăn rau, ăn cám, khi ăn phải xếp hàng mậu dịch nhưng thực tế không phải vậy. Tất cả các con tôi đều sạch sẽ, béo tốt. Tôi không cho các cháu ăn cơm độn vì nó không có chất, lại chẳng no. Ngày nào tôi cũng cố kiếm đủ 5 kg gạo. Nhà sẵn rau, củ cho các cháu ăn thêm”.
Bữa ăn của gia đình gần 20 người phải chia làm 2 ca. “Đứa lớn đi làm tôi chia 3 bát, đứa nhỏ 2 bát. Chia xong thì mình cũng hết phần. Tôi lại phải đạp xe ra chợ mua vài hào cơm, ăn với tí nước dưa rồi quay về đi làm tiếp”, cụ Tính nhớ lại.
Năm 1987, người chồng đột ngột qua đời trong khi mới có 5 đứa con yên bề gia thất, cụ Tính lại tiếp tục chặng đường đơn thân hướng nghiệp cho 10 người con còn lại.
Cụ tâm sự: "Ông ấy mất để lại cho tôi 10 đứa con lít nhít. Tôi dạy con trai đi đánh giậm, con gái chợ búa để sau này không phải nhờ chồng. Tôi cũng khuyên các con lấy vợ, lấy chồng cùng hoàn cảnh để dễ chia sẻ với nhau. Rồi lại dạy chúng biết tiết kiệm, tính toán".
Đến nay, tất cả các con cụ Tính đều có cuộc sống khá giả. Có ba cô con gái đang sinh sống ở Hà Nội, một người con lập nghiệp ở Quảng Ninh, một ở Phú Thọ, Hải Phòng, còn lại đều ở Vĩnh Yên. Đa phần họ đều nối nghiệp buôn bán của mẹ và đều có của ăn của để, có người là chủ đại lý lớn.
Các con của cụ đều có những cái tên rất đẹp, rất vần đến nỗi hầu hết người cùng thời với cụ đều nhớ, đó là: Oanh, Phương, Điệp, Phượng, Duy, Trâm, Hồng, Thảo, Dũng, Hảo, Hương, Đông, Nam, Hà, Thắng, Lợi.
Nói về chuyện đẻ nhiều, cụ Tính chia sẻ “Ngày đấy có ai biết kế hoạch là gì đâu, chửa thì đẻ, đẻ thì nuôi. Chiến tranh thì liên miên biết đến ngày nào kết thúc, đẻ thêm một con là có thêm hi vọng. Mà mỗi lần đẻ, hợp tác xã lại cho 30kg lúa nên chồng tôi cứ bảo đẻ đến khi nào hết trứng thì thôi”.
Hiện nay, cụ Tính có 32 cháu, gần 20 chắt. Trong một năm, đại gia đình này có hai lần tụ họp đầy đủ là ngày giỗ ông Vân và ngày Tết. Những lần ấy, nhà cụ phải mắc rạp đủ cho 15 đến 20 nâm cơm mà chỉ là các thành viên trong gia đình.
Cụ Tính nói rằng, cách đây 3 năm cụ vẫn nuôi lợn để tự trang trải cho mình lúc về già. Giờ đây, cụ vẫn tự hào chưa phải dựa vào con cháu, vẫn ở trong ngôi nhà xưa của gia đình, bên cạnh là nhà con cháu quây quần. Niềm vui tuổi già của người đàn bà đầy nghị lực này là "được con cháu đến thăm, thỉnh thoảng nhận những tin vui có cháu nào sắp lấy vợ, chắt nào vừa ra đời".