Nhắm mắt bắt được lươn
Nhiều lần nghe tiếng tăm về người đàn ông sống chân dãy núi Tam Đảo thuộc xóm Dưới, xã Văn Yên (Đại Từ, Thái Nguyên) có biệt tài bắt lươn bằng tay như thần, tôi quyết định mục sở thị xem sự thực hay chỉ tin đồn.
Hỏi thăm đường vào nhà “ma lươn” Nguyễn Văn Ba, tôi được anh Lưu Sỹ Chiến, hàng xóm của Ba tâm sự: “Có lẽ cả tỉnh Thái Nguyên này không ai bắt lươn giỏi như tay Ba. Cứ chỗ nào có lươn là hắn bắt được hết. Ai đời, ao chuôm nước ngập đến cổ, hắn lội xuống hai tay lần mò vài phút đã quăng lên bờ cả chục con lươn to bằng ngón chân cái đơn giản như không vậy. Có lần, tôi đi làm đồng thấy hắn cầm hai con lươn trên tay nhảy lò cò dưới ao của làng, tưởng hắn dẫm phải mảnh chai, nào ngờ khi lên bờ thấy hắn kẹp thêm con lươn nữa ở chân trái. Chứng kiến cảnh đó, tôi và nhiều người lắc đầu bảo: Mày là con ma lươn chứ không phải người Ba ạ!”.
Đứng trên bờ quan sát |
Ngôi nhà của Ba nằm yên bình rìa cánh đồng làng dưới chân núi Tam Đảo. Khi chúng tôi đến cũng là lúc anh nghỉ ngơi xem ti vi sau một ngày mưu sinh. Thân hình nhỏ bé nhưng rắn rỏi, Ba khá ngạc nhiên khi có người tận Hà Nội nghe được tiếng bắt lươn của anh.
Sinh năm 1963 trong gia đình thuần nông nghèo có tới 11 thành viên, Ba cho biết, đời ông nội rồi đời bố anh trước kia đều sinh sống và nuôi các con trưởng thành nhờ nghề bắt lươn. Tuy nhiên, trong 9 anh chị em chỉ có duy nhất Ba theo nghề cha ông.
Ba đến với nghề bắt lươn năm 10 tuổi, ngày đó, trong 9 anh chị em Ba là người quấn bố nhất. Ngày nào cậu bé cũng xách giỏ theo bố đi bắt lươn khắp đồng trên, ao dưới. Trong quá trình theo cha, Ba dần học được những thủ thuật, kinh nghiệm của người thân sinh ra mình, vốn cũng là cao thủ bắt lươn có tiếng trong vùng. Có lẽ do bản năng có sẵn nên chỉ trong thời gian ngắn, anh đã vượt bố mình về kỹ năng và đẳng cấp bắt lươn.
Thọc tay xuống bùn |
Khi tôi hỏi làm cách nào để phát hiện ra lươn giữa biển nước mênh mông như vậy? Ba cười và bảo rằng, cái đó rất khó trả lời bởi không biết diễn tả thế nào, cảm giác đó chỉ anh mới có được. “Khi đến chỗ nào có lươn tự tôi linh cảm thấy, trong quá trình đưa tay xuống nước bắt lươn, nếu có lươn bàn tay tôi cũng cảm nhận thấy có sự khác lạ nên dân làng bảo tôi nhắm mắt bắt được lươn là họ nói đúng đấy. Quả thực, những chỗ nước sâu tôi bắt lươn bằng cảm giác của đôi tay chứ chưa bao giờ nhìn thấy chúng”, Ba tâm sự.
300/365 ngày ngoài đồng
Năm nay bước sang tuổi 50, Nguyễn Văn Ba theo nghề bắt lươn ngót nghét 40 năm. Trong ngần ấy năm trời, không một ao chuôm nào ở huyện Đại Từ anh chưa đặt chân tới. Như đã thành thông lệ, 8h sáng anh thức dậy chạy xe máy (trước là đạp xe đạp và đi bộ) lang thang khắp đồng trên, ao dưới để bắt lươn.
Trước đây lươn nhiều, mỗi ngày anh bắt được cả yến đem đổi lấy gạo ăn, giờ do nạn đánh bắt thuỷ sản bằng kích (xung) điện nên số lượng lươn suy giảm rõ rệt, anh Ba chỉ bắt từ 4 - 5 kg/ngày, vừa đủ để lo cho gia đình mà không tham lam.
“Tôi chỉ bắt lươn bằng tay và bắt những con nặng 1 lạng trở lên chứ không bao giờ bắt lươn bé vì để chúng còn lớn. Một năm có 365 ngày tôi đi bắt lươn 300 ngày. Hai tháng tôi nghỉ ở nhà là mùa nước lớn, lươn đang trong thời gian sinh sản và nuôi con.
Lập tức bắt lên một con lươn |
Bình quân, mỗi ngày tôi bắt khoảng 40 con lươn đổ lại, được 4 - 5 kg, bán ra thị trường với giá 150.000 đồng/kg là tôi có 600.000 - 800.000 đồng rồi. Dù có thể bắt được gấp ba chỗ đó nhưng nguyên tắc của tôi chỉ dừng lại ở đó vì quan điểm của tôi là không tham của giời”, Ba cho biết.
Người dân xã Văn Yên kể rằng, có lần Ba hành nghề ở xã bên gặp nhóm người đang dùng xung điện bắt lươn, đau lòng chứng kiến cảnh bắt lươn kiểu huỷ diệt đó, Ba khuyên can họ không nên dùng xung điện bởi lươn hay các loài thuỷ sinh khác nếu bị điện giật dù không chết nhưng sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Tự dưng thấy có người “chõ mõm” vào bát cơm của mình, tốp người kia vênh mặt hỏi lại Ba rằng, nếu không bắt bằng xung điện thì bắt bằng gì, chẳng nhẽ bắt bằng tay?
Nói xong, họ cười toáng lên vì nghĩ Ba sẽ “cứng họng”, nhưng không ngờ anh phản pháo lại. Ba thách đố rằng, nếu anh có thể dùng tay bắt được lươn nhanh và nhiều hơn dùng xung điện thì những người kia phải thề sẽ không dùng kích điện đánh bắt thuỷ sản nữa.
Nghĩ Ba đem trứng chọi đá nên nhóm người kia nhất trí ngay với ý định cho Ba một vố thua xấu hổ để hết đi “chõ mõm” vào công việc của người khác. Cuộc tỉ thí có một không hai đó thu hút rất đông người dân làm đồng đến chứng kiến.
Lập tức bắt lên một con lươn nữa |
Tại khu đầm giữa cánh đồng, khi tiếng hô bắt đầu được vang lên, Ba nhảy xuống đầm thục hai tay xuống nước lần theo bờ đầm và liên tục quăng lên bờ những con lươn nặng vài ba lạng như quăng củi lụt, trong khi đó phía bên kia nhóm người dùng kích điện khua sào loạn xạ, lâu lâu mới vớt được con lươn bé tí bằng đầu đũa. Kết quả, sau hơn 10 phút đồng hồ, Ba bắt được hơn chục con lươn, trong khi nhóm người kia chỉ chích điện được vài ba con lươn bé xíu. Sau bận thua thảm hại đó, trước toàn thể dân làng, nhóm người dùng kích điện kia đã phải bỏ nghề.
Chưa thực sự tin khả năng bắt lươn thần sầu của Ba, tôi đề nghị anh cho tôi tận mắt được chứng kiến. Mặc mỗi chiếc quần đùi, Ba dẫn tôi ra khu ao giữa cánh đồng làng. Thấy Ba đi bắt lươn, trẻ con người lớn hùa nhau chạy theo xem anh trình diễn.
Vừa đi trên bờ vừa quan sát, anh dừng lại ở cạnh một vũng nước, thọc hai tay xuống bùn rồi quăng ngay lên bờ một con lươn nhanh đến nỗi tôi chưa kịp chuẩn bị xong máy ảnh để tác nghiệp. Ba bảo, quanh khu vực anh đứng có đúng 5 con lươn, dứt lời Ba lại thọc tay xuống nước rồi lại nhấc lên một con lươn như anh giấu sẵn lươn ở đó vậy.
Sau khi bắt được đúng 5 con lươn trong thời gian chưa đầy 3 phút, Ba lại thả hết xuống ao vì hôm nay số lươn anh đã bắt xuống ao. Lý giải việc làm này, anh bộc bạch: “Bao nhiêu năm qua gia đình tôi có cơm ăn, áo mặc, con cái lớn khôn như ngày hôm nay đều nhờ con lươn cả nên tôi tự ý thức cần phải bảo môi trường sống. Làm nghề 40 năm qua, tôi cảm thấy buồn nhất là tình trạng đánh bắt lươn bằng kích điện như hiện nay, đây là một hành động hủy hoại môi trường vô cùng dã man”.
Theo VTCNews