Bệnh nhi bị bỏng nước sôi đang điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia.
Năm nào số lượng trẻ bị bỏng trong dịp hè cũng tăng từ 40-60%. Nguyên nhân chính vẫn là do sự lơ là, bất cẩn của người lớn.
Sốc với trẻ bỏng
Nhiều người đến Khoa Bỏng, Bệnh viện Saint Paul, ngày 6/6 không cầm được nước mắt khi nhìn bé N., 11 tuổi (Hoàng Mai, Hà Nội) toàn thân quấn băng trắng toát, khuôn mặt sưng phồng, biến dạng do bị bỏng.
Cách đây 1 tuần do mất điện, cháu N. đã châm nến (loại nến to, xuất xứ từ Trung Quốc) để đọc sách. Không may cây nến phát nổ, lửa bám vào quần áo bùng cháy dữ dội. Đáng tiếc là khi thấy cháu bị bỏng, người thân mất bình tĩnh, vội vàng lột mạnh quần áo khiến nhiều mảng da bị trượt theo vải.
Nguy hiểm hơn, gia đình còn đổ mỡ trăn vào các vết bỏng khiến vùng bỏng không còn nguyên hiện trạng, bị nhiễm trùng nặng hơn, gây khó khăn cho điều trị. Các bác sĩ cho biết bé N. bị bỏng 40%, trong đó có nhiều vết bỏng sâu. Hiện tại, bé N. đã qua cơn nguy kịch, nhưng phải điều trị thêm thời gian khá dài mới có thể phục hồi.
Không may mắn như cháu N., bé V., 3 tuổi, ở Lạng Sơn, đã tử vong do bị bỏng nước sôi, cũng chỉ vì sự bất cẩn, chủ quan của người lớn. Khi bé bị bỏng đây 2 tháng, thay vì đưa con đến bệnh viện, bố mẹ V. lại đưa cháu đến thầy lang gần nhà đắp thuốc chữa bỏng. Thời gian đắp lá kéo dài nhưng vết bỏng không lành, đến ngày 4/6, gia đình mới đưa bé đến cấp cứu tại Viện Bỏng quốc gia.
Bác sĩ Ngọc Minh, khoa Hồi sức cấp cứu, cho biết, các bác sĩ đã bị sốc khi tiếp nhận bệnh nhi, bởi dù diện tích bỏng chỉ khoảng 15% ở lưng, nhưng bé lại bị suy kiệt trầm trọng, cân nặng chỉ khoảng 5 kg, tương đương bé trai 2 tháng tuổi. Chỉ sau một ngày nhập viện, bé rơi vào tình trạng hôn mê và tử vong do bệnh quá nặng.
Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Saint Paul, cho biết tai nạn bỏng trẻ em đặc biệt gia tăng về mùa hè, cả về số lượng và mức độ bỏng. Trung bình mỗi ngày bệnh viện khám và điều trị cho 15 - 17 cháu, trong đó có tới 2/3 phải nhập viện. Tại Viện Bỏng Quốc gia, bác sĩ Nguyễn Văn Vân, khoa Chữa bỏng trẻ em, cho hay, cứ đến dịp hè là số trẻ bị bỏng phải nhập viện tăng mạnh. Hiện tại, khoa đang tiếp nhận và điều trị cho 42 cháu.
Nên sơ cứu đúng cách
Các bác sĩ cảnh báo, tai nạn bỏng ở trẻ em nguy hiểm hơn ở người lớn rất nhiều, có thể đe dọa tính mạng trẻ do mất nước, mất điện giải, sốc bỏng, nhiễm khuẩn vết thương, nhiễm khuẩn máu, suy giảm miễn dịch… Điều đáng lo ngại là sau điều trị trẻ có nguy cơ cao gặp một số di chứng nặng nề về tâm thần và thể chất như hẹp lồng ngực, khiến thể tích phổi không phát triển; biến dạng xương, lệch cột sống; rối loạn sắc tố da; trầm cảm vì tự ti.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, việc sơ cứu ban đầu ở nhà khi trẻ bị bỏng có ý nghĩa rất quan trọng. Cha mẹ cần nhanh chóng cởi bỏ quần áo cho trẻ, nhưng nếu quần áo đã bị cháy dính vào da thì dùng kéo cắt nhẹ nhàng, tuyệt đối không thao tác mạnh dễ lột da trẻ. Sau đó khẩn trương làm lạnh bằng cách ngâm vùng bỏng vào nước lạnh, nước máy, nước sạch ở nhiệt độ từ 8 - 25 độ C trong 30 phút; không xối nước mạnh vì có thể làm trợt da trẻ gây đau đớn.
Nếu bị bỏng vùng mặt, cổ không được dìm trẻ vào nước lạnh vì có thể khiến trẻ bị sặc nước, mà dùng khăn ướp dấp lên. Tiếp theo che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn hoặc vải sạch rồi khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không được dùng nước mắm, giấm, kem đánh răng, mẻ,… hoặc các loại thuốc mỡ bôi để đắp lên vết bỏng.