10 năm chăm vợ u não, chưa một lần kêu ca

Thứ năm, 07/06/2012, 14:08
"Hơn 10 năm, kể từ khi tôi phát hiện bị u não, mổ xong đôi mắt gần như không nhìn thấy gì, chồng tôi chăm sóc tận tụy, chưa một lần kêu ca. Nhiều chị em bảo tôi rằng họ khoẻ nhưng lại chẳng may mắn có được người chồng như tôi", chị Phạm Thị Bích Hà cảm kích kể về người chồng của mình.

Hai vợ chồng anh Khánh, chị Hà
 
Chồng nấu mỳ đưa đến tận giường

Đến thăm chị Bích Hà (Cầu Giấy, Hà Nội), dù đã được giới thiệu trước, tôi vẫn ngạc nhiên trước một người phụ nữ mắt gần như lòa hẳn mà vẫn săm sắn đi lại, làm mọi việc như người sáng mắt với nụ cười rất tươi.

Tai họa ập đến với chị Hà cách đây 11 năm. "Bỗng dưng tôi đau từ cổ lên đỉnh đầu, chân tay run không cử động được, lúc được đưa đi viện thì tôi mê man không biết gì. May mắn, gặp đúng lúc một vị chuyên gia nước ngoài sang giảng kỹ thuật mới tôi mới thoát chết. Nhưng chưa kịp mừng thì đã lại buồn vì đôi mắt bị teo gai thị sau mổ, gần như người mù", chị Hà bùi ngùi.

Lúc đó, cả hai vợ chồng chị đang làm trong một công ty xuất nhập khẩu, hai con còn nhỏ... mọi thứ bỗng dưng đảo lộn hoàn toàn với cô Hà. Cô nghỉ việc, dò dẫm học cách sống của một người khiếm thị. Mọi gánh nặng kinh tế đổ lên vai chồng.

"Cũng may tôi gặp được một người chồng biết thương vợ. Kể từ khi tôi bị bệnh, tới khi mắt mũi tôi như thế này, anh ấy lúc nào cũng vui vẻ, động viên vợ, chưa một lần cáu gắt, kêu ca, than phiền". Chị Hà bảo, chính tình cảm đó ở chồng, khiến chị có nghị lực vượt lên nỗi buồn hỏng mắt.

Những lúc chồng rảnh chị Hà thường được chồng dắt đi tập thể dục vòng quanh Công viên Thủ Lệ. Thi thoảng ngày nghỉ, anh lại chở chị về quê chơi tận Thái Bình. "Ai hỏi thăm vợ dạo này thế nào, anh ấy toàn bảo khoẻ lắm, khoẻ như voi. Buổi sáng, dù vội đi làm và có các con, anh ấy vẫn tự nấu mỳ bê tới tận giường cho tôi", chị Hà không giấu nụ cười hạnh phúc.
Yêu vì vợ "chuẩn"

Chị Hà bảo, 10h đêm chồng cô mới đi làm ca về. Thôi thúc bởi trí tò mò về người chồng "không biết cằn nhằn" của cô Hà, tôi phi xe ra Khách sạn Cầu Giấy, nơi anh Nghiêm Xuân Khánh làm việc.

"Anh nhà tôi cao lớn, khá đẹp trai, về hình thức thì hơn tôi, vậy mà ngay cả khi tôi bị bệnh thế này, tôi vẫn luôn có cảm giác yên tâm, không hề lo về việc anh trăng gió bên ngoài", khi gặp anh Khánh, tôi thấy dường như chị Hà đã không quá lời về chồng mình.

Giọng nói nhỏ nhẹ, anh Khánh chậm rãi nói về lý do chăm vợ mà theo chú là "lạ lùng" với khá nhiều người của mình. "Lúc vợ mới lâm vào cảnh như thế, mình cũng sốc, cũng buồn. Nhưng rồi nghĩ, ngoài mình ra, giờ chẳng ai có thể làm chỗ dựa cho vợ con. Tôi chuyển công tác về gần nhà để tiện chăm sóc gia đình. Đi chợ, nấu cơm, tắm rửa cho con... thành công việc hằng ngày".

Nhưng sự vất vả của công việc không ngại bằng miệng tiếng những người xung quanh. "Nhiều người bảo tôi giỏi thật đấy, kiên trì thật đấy, tôi biết đó không phải là lời khen, nhưng chỉ buồn vì không được thông cảm thôi, còn chẳng nghĩ gì".

Và cái lý do đặc biệt khiến anh Khánh "chẳng nghĩ gì" ấy xuất phát từ chính người vợ. "Bởi vì cô ấy chuẩn", anh Khánh cười. Anh bảo chú yêu, chọn chị Hà làm vợ vì biết chị sẽ là người phụ nữ của gia đình. Anh đã không nhầm. Đến giờ dù chú bảo chị đừng làm, nhưng chị luôn thu vén, cố gắng để gia đình không thấy vắng bàn tay phụ nữ.

Tôi chợt liên tưởng tới ngôi nhà ngăn nắp, sạch sẽ vừa mới đến và nghĩ tới lời của chị Hà "nhiều chị em bảo chúng em khoẻ nhưng lại chẳng được chồng như chị".


Theo Bee.net

Các tin cũ hơn