>>Vụ 1.000 tỉ không di chúc: Rắc rối mới
>>Bắt đầu xử vụ giả mạo di chúc của tỉ phú “lòe loẹt” Hồng Kông
>>"Di chúc" đêm giao thừa
Từ Lạng Sơn về Hà Nội tìm đến văn phòng luật sư để nhờ tư vấn về thủ tục lập di chúc, anh Nguyễn Hoàng T (quê ở Lạng Sơn) ngậm ngùi tâm sự chuyện gia đình. Từ bài học đắt giá của những người đi trước, anh T quyết làm cái việc mà thường thì người sắp lìa cõi trần mới nghĩ đến.
Ảnh minh họa
Nỗi đau mang tên di chúc
Anh Nguyễn Hoàng T bộc bạch: “Năm 1991, khi bố mất, cảnh nhà nghèo khó, mẹ cùng 3 anh em chúng tôi dựa vào nhau mà sống. Đã có thời điểm, ở cùng xã có một gia đình khi cha mẹ mất đi chưa lâu đã lục đục đâm chém nhau đòi tài sản. Lúc đó, mẹ tôi vừa nói vừa thở dài: "Anh em trong nhà mà chẳng hòa thuận, mẹ có chết cũng không nhắm mắt nổi".
Cái ngày ấy sống cơ cực, cơm lo từng bữa, nghe mẹ nói thế anh em chúng tôi nắm chặt tay mẹ và hứa dù thế nào cũng sẽ hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau. Thế nhưng, cuộc đời chẳng ai lường được chữ ngờ. Khi tang mẹ chưa đủ 49 ngày, những người em trong nhà tôi đã lục đục đòi chia đất cát”.
T chia sẻ, sau anh có hai người em trai. Ngày nhỏ họ sống rất hòa thuận. Có người phải nghỉ học để cho người khác có cơ hội học tiếp. Nhưng đáng buồn thay, những gì ngày ấy là hy sinh, đùm bọc thương yêu nhau giờ lại trở thành cái lý do để tranh giành, xâu xé.
“Thằng em út đòi chiếm luôn mảnh đất 500m2 mà mẹ đã để lại. Nó quay sang khà khịa, gây sự với cả với 2 người anh”. Lý do “cậu út” muốn độc chiếm là khi mẹ mất không hề để lại di chúc, hay trăng trối gì cả.
Cuối cùng, mấy anh em đưa nhau ra tòa giải quyết phân chia tài sản theo dạng hưởng quyền thừa kế trong trường hợp không có di chúc. Tài sản thì chia rồi nhưng tình cảm anh em thì không gì hàn gắn được. Vì thế mà T quyết định lập di chúc từ khi còn trẻ để chia tài sản cho hai đứa con mới học tiểu học của mình.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người còn trẻ đã tìm đến tư vấn về thủ tục lập di chúc thừa kế tài sản cho con khi con đường công danh của họ còn đang rộng mở. Ngay cả những người trẻ tuổi cũng đến tìm hiểu về nội dung này…
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Việt Hùng – Trưởng văn phòng luật sư Kinh Đô (Hà Nội) cho rằng: “Việc nhiều người trẻ đến tìm hiểu tư vấn về việc làm di chúc không phải là chuyện hiếm gặp. Điều này phản ánh đúng “nhịp đập” của xã hội hiện đại”.
Nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình
Tránh chuyện “nồi da nấu thịt”
Lâu nay người ta quan niệm, lập di chúc là việc của những người đã “gần đất, xa trời” muốn làm. Bởi thông thường thì di chúc là nội dung một ai đó muốn muốn giải quyết những việc liên quan đến mình, hoặc tài sản của mình mà sau khi họ... qua đời.
Trò chuyện với PV, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) phân trần: “Những câu chuyện “nồi da nấu thịt” bao giờ cũng đau lòng và tàn khốc nhất”. Mượn câu chuyện anh em giết nhau chỉ vì tranh giành 48m2 đất trồng rau mới xảy ra ở Đông Anh (Hà Nội) gần đây, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng:
“Khi giá trị, chuẩn mực đạo đức bị đảo lộn, lợi ích kinh tế được đặt lên hàng đầu thì việc anh em tàn sát lẫn nhau trở thành “nỗi đau không tên”. Người ta vì lợi ích của bản thân mà trà đạp lên cả tình anh em máu mủ. Chính vì thế mới có chuyện nhiều gia đình đã lập di chúc từ khi còn rất trẻ”.
Ngày xưa, chỉ cần người trụ cột trong gia đình “cầm cân nảy mực” là con cái phải nghe theo. Ngày nay, xã hội phát triển, nhu cầu tiền bạc, mong muốn điều kiện kinh tế dư giả ngày càng rõ hơn, khao khát, thèm muốn mãnh liệt hơn. Điều đó khiến các ông bố, bà mẹ buộc lòng phải minh bạch, công khai, rành rẽ xung quanh câu chuyện thừa kế”.
TS Bình cũng phân tích thêm: “Hiện nay, xu hướng cá nhân hóa, dân chủ hóa, thừa nhận cá nhân nhiều hơn thì sự hiểu biết luật pháp chính là phương tiện để điều chỉnh chuyện phân chia các lợi ích như vậy. Khi mọi việc được luật hóa, nó thể hiện một ý thức “chín” hơn về mặt pháp luật. Đây là phương tiện điều chỉnh các mối quan hệ. Vì thế, một bộ phận muốn lập di chúc ngay khi còn sống, còn trẻ là thể hiện sự lành mạnh, biết nhìn xa…”.
Hiểu biết pháp luật thể hiện đạo đức Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Khi con người ta thực dụng hơn và vòng quay của xã hội được điều chỉnh bởi nền pháp luật xã hội thì trong chừng mực nào đó, sự hiểu biết pháp luật lại thể hiện đạo đức của thời kỳ mới. Bởi có pháp luật “căn chỉnh” thì các hành vi vi phạm chuẩn mực sẽ không có cơ hội xảy ra”. |
Theo Nguoiduatin