25 tổ chức nuôi con nuôi nước ngoài được hoạt động

Thứ sáu, 08/06/2012, 20:13
Sáng 6-6, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm “Thực thi Luật nuôi con nuôi và Công ước Lahay đại diện 24 tổ chức nuôi con nuôi đang hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi tại Việt Nam.

>> Người đàn ông mang bầu được quyền nuôi con
>>
Phụ nữ Đông Á ngày càng ít nuôi con bằng sữa mẹ
>>
Nỗi niềm đàn ông nuôi con người khác

 

Nhiều người nước ngoài nhận nuôi trẻ em Việt Nam  


Thực tế, trong lĩnh vực nuôi con nuôi, Việt Nam đã có đủ hành lang pháp lý. Luật nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành ban hành trong năm 2010 và năm 2011 đã khẳng định bước tiến mới trong hệ thống pháp luật về nuôi con nuôi tại Việt Nam, trong đó lần đầu tiên pháp luật Việt Nam quy định minh bạch các khoản lệ phí đăng ký nuôi con nuôi và chi phí nuôi con nuôi nước ngoài. Việt Nam cũng đã thông qua việc ký và phê chuẩn Công ước Lahay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.

Tuy nhiên qua hơn một năm thực thi Luật Nuôi con nuôi và bốn tháng thực hiện Công ước Lahay, quá trình thực thi còn nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết là từ phía cơ quan, tổ chức liên quan của Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ yêu cầu của Luật và Công ước Lahay. Sự chuyển đổi trong cách làm, cách ứng xử trong quá trình xử lý hồ sơ con nuôi nước ngoài của một bộ phận không nhỏ cán bộ làm việc tại các cơ quan, tổ chức có liên quan theo Luật mới còn chậm .

Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Tư pháp đã xem xét cấp giấy phép cho 25 tổ chức nuôi con nuôi nước ngoài hoạt động tại Việt Nam theo Luật mới. Tuy đã được cấp phép nhưng thực tế cho đến nay có nhiều tổ chức nuôi con nuôi nước ngoài dường như chưa chủ động hay triển khai hoạt động. Nhiều tổ chức còn có tâm lý chờ đợi hoặc hoạt động còn bỡ ngỡ, lúng túng.

Ông Nguyễn Văn Bình – Cục trưởng Cục Nuôi con nuôi –Bộ Tư pháp cho biết, các tiêu chí cấp phép hoạt động gồm năm điều kiện: đó là hoạt động phi lợi nhuận, đã có giấy phép hoạt động của cơ quan có thẩm quyền tại nước đó cho phép hoạt động nuôi con nuôi tại Việt Nam, có ít nhất ba năm kinh nghiệm hoạt động nuôi con nuôi trên thế giới, đội ngũ nhân viên xã hội, nhân viên pháp lý phải hiểu biết về văn hóa- xã hội-pháp luật của Việt Nam, người đại diện cho tổ chức đó phải có đủ tiêu chuẩn về đạo đức, nghiệp vụ. Việt Nam không cấp phép cho bất cứ tổ chức nào của Việt Nam hoạt động về vấn đề nuôi con nuôi nước ngoài.

Theo đại diện Cục Nuôi con nuôi, thời gian qua, vấn đề hạn chế cấp phép trong lĩnh vực này chưa được đặt ra. Khi nào hoạt động nuôi con nuôi nước ngoài ở Việt Nam ổn định sẽ ấn định số lượng tổ chức nuôi con nuôi theo nhu cầu và phù hợp với Công ước Lahay.

Ông Bình cũng cho biết, Việt Nam đã bác đơn xin cấp phép của một tổ chức Thụy Sỹ vì tổ chức này chưa có bất cứ kinh nghiệm hoạt động nuôi con nuôi quốc tế. Việt Nam mong muốn cấp phép lâu dài, ổn định cho các tổ chức muốn hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi nước ngoài, nhưng cũng không thể vượt quá hạn mức trong giấy phép mà cơ quan sở tại cấp cho tổ chức đó.

Tại buổi tọa đàm, các vấn đề về thủ tục giải quyết hồ sơ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức nuôi con nuôi nước ngoài theo quy định pháp luật Việt Nam và Công ước Lahay, vấn đề tách bạch hỗ trợ nhân đạo với việc cho, nhận trẻ em làm con nuôi cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận..
 

Theo Nhandan

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn